Nhận định giá cà phê thế giới từ 01-06/07/2019: Giá lên nhưng chưa qua được vùng tranh chấp quan trọng

nguyễn quang bình thitruongcaphe.net

Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 21-29/06/19: Giá tăng tuần thứ hai liên tiếp.

  • Hình 1

Tuần qua, giá cà phê robusta trong nước đã được dịp tăng lên quanh mức 35 triệu đồng mỗi tấn nhưng giá xuất khẩu tính trên cơ sở chênh lệch giữa cảng giao hàng TP. HCM với giá niêm yết trên sàn kỳ hạn lại giảm, từ +90 Usd xuống còn quanh +50 Usd/tấn FOB (giao hàng qua lan can tàu) cơ sở giao dịch tháng 09/19 sàn robusta London.

Giá kỳ hạn robusta London thêm một tuần tăng nhưng lần này biên độ dao động giữa mức cao/thấp nhất không bằng tuần kết thúc ngày 21/06. Bấy giờ +/-85 Usd thì tuần trước chỉ +/-63 Usd/tấn (1451-1.414). Tuy vậy, chốt chung cuộc, giá kỳ hạn London đạt mức 1.451 Usd/tấn (+37 Usd).

Trong khi đó, giá cà phê arabica New York đã có một tuần tăng rất mạnh để chốt tại 109.45 cts/lb, cao hơn tuần trước đó 8.80 cts/lb hay 194 Usd/tấn sau khi thoát đáy 99.60 cts/lb trong tuần và chạm đỉnh 110.50 cts/lb, là mức cao nhất tính từ 4 tháng rưỡi nay. (Xem hình 1)

Thông tin trên thị trường cho rằng giá cà phê tăng (đặc biệt trên sàn arabica New York) là do giới kinh doanh lo ngại các đợt rét đậm rét hại còn cơ hội phá hoại mùa màng tại Brazil, hơn nữa năm 2020 sẽ là năm mất mùa theo chu kỳ 2 năm một lần.

Lịch sử rét đậm rét hại làm hư hoại cây cà phê Brazil thường rơi vào những ngày rằm. Còn hai dịp rằm trước mắt làm thị trường lo ngại, rơi vào ngày 17/07 và 15/08 (rằm tháng 06 và 07 âm lịch). Tuy nhiên, cây cà phê Brazil đã được du thực về vùng thấp phía Nam trong chương trình tái canh cách nay 8-10 năm, nên khả năng sương giá khó xảy ra. Nhưng thị trường vẫn cứ phải lo trước!

Giá các sàn phái sinh hàng hoá nông sản có dịp tăng còn được cho do thị trường tài chính đang kỳ vọng Mỹ có khả năng giảm lãi suất cơ bản đồng Usd. Từ đó, các quỹ đầu tư trên sàn arabica đã giảm lượng dư bán mạnh, từ đỉnh trên 113.000 hợp đồng nay xuống còn dưới 31.000 hợp đồng (tính đến 25/06) tức còn chừng dưới nửa triệu tấn bán ròng. Giá robusta London tăng nhưng không mạnh bằng New York vì các quỹ đầu tư vẫn còn giữ nhiều hợp đồng dư bán. Tính cùng kỳ, London còn 29.252 hợp đồng (292.520 tấn) dư bán +1.348 lô so với kỳ báo cáo 18/06/19.

Dự báo tuần từ 01-05/07/2019: Để tăng mạnh, sàn London phải vượt khỏi khu tranh chấp.

Hình 2

Xem lại diễn biến giao dịch tuần trước, giá kỳ hạn robusta London có dao động giữa cao/thấp nhất là 1.468/1.405. Tuy không căng thẳng như các đợt tăng trước với dao động từng ngày rất mạnh, trong tuần qua có dịu hơn với chỉ 20-40 Usd/tấn.

Đồ thị cho thấy rất rõ vùng tranh chấp được tạo ra tại khu vực 1.450-1.468. Mức 1.468 sau 3 lần tấn công đều không vượt được, như phiên 28/06 chỉ dừng tại 1.465 rồi quay xuống.

Bao lâu không qua khỏi 1.468, nay lại trùng khớp với mức bình quân động 100 ngày tại 1.469, vùng tranh chấp này trở nên khu vực cực kỳ quan trọng. Nếu không vượt được nó, khả năng giá London phải quay xuống chỉnh để lấy đà tăng lại. Ngược lại nếu vượt khỏi và đóng cửa nằm trên 1.470 trở lên, khả năng xé rào để qua khỏi mức tâm lý quan trọng 1.500 Usd/tấn là khá lớn.

Đáy tuần trước ở 1.405 nên khu vực 1.400 hiện nay nếu bị phạm và đóng cửa dưới mức ấy, sẽ tạo rủi ro lớn và giá có thể về mức sâu hơn. (Xem hình 2)

Chỉ báo RSI 70/30% 9/14 ngày = 59,86% / 56,69% vẫn nằm khu vực trung tính trên sàn London. Nhưng trên sàn New York RSI 70/30% 9/14 ngày = 69,87% / 65,58%, đang tiệm cận vùng mua quá mức. Một khi sàn arabica New York chỉnh xuống, rất dễ ảnh hưởng xấu đến sàn London.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Đang đà tăng tốt

Rõ ràng hiệu ứng tin Fed hạ lãi suất cơ bản đồng Usd đã giúp  giá cà phê trên 2 sàn tăng rất đều và tốt. Nhờ vậy, giá cà phê nhiều nơi tại Tây Nguyên, vùng sản xuất trọng điểm của Việt Nam tăng rất đều, dù có ngày trong tuần đóng cửa giảm 20 Usd, giá nội địa vẫn ở mức cao.

Đến đầu tuần này, giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ đã được chào mua 35,4 triệu đồng mỗi tấn giao hàng về các kho quanh cản TP. HCM và tỉnh Bình Dương.

Yếu tố cung-cầu hình như đóng vai trò khá mờ nhạt trong đợt cà phê tăng giá hiện nay. Nếu như vượt được vùng tranh chấp, giá cà phê nội địa có khả năng lên đến vùng 36,5 triệu đồng mỗi tấn. Nhưng nếu London chọn hướng chỉnh xuống, giá cà phê nội địa rất khó về sâu mà quanh từ 35 triệu đến 34 triệu đồng mỗi tấn.

Qua các đợt tăng, giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ dựa trên cách tính chênh lệch cũng sẽ dịu dần, từ +50 Usd hiện nay về quanh mức +20 Usd/tấn FOB cơ sở giao dịch tháng 09/19 nếu như sàn robusta lên vùng 1.500 Usd.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 560