2/3/2020 Tìm cách thích ứng với tình hình dịch Covid-19

Rốt cuộc dù tự khuyên mình không nên hốt hoảng nhưng cũng đâm lo khi bạn bè từ các nơi gọi “viber”, “whatsapp” hỏi tứ lung tung quanh chuyện dịch Covid-19.

Có ông tận bên Pháp cho biết tuy cơ hội lây nhiễm bệnh là không phải dễ, nhưng lỡ trong xóm có ai chủ quan để bị lây nhiễm, cả chụm nhà bị khoanh vùng kiểm dịch, nội bất xuất ngoại bất nhập…thì héo cả đời hoa 14 ngày là ít. Còn một chị bác sỹ từ Pháp khuyên nên sắm tủ thuốc gia đình thiệt kỹ như thuốc cảm sốt, tiêu chảy, nước rửa tay, nhiệt kế…nhỡ bị “cấm túc” 2 tuần là kẹt.

Thật ra cẩn thận thời buổi dịch bệnh là không thừa. Không bị và không để bệnh tấn công mình và người chung quanh, tức đã làm một việc thiện. Nghe giáo hội công giáo Hàn Quốc yêu cầu tạm thời không tiến hành các nghi thức phụng vụ tập trung tại các nhà thờ, dù trong mùa chay và chuẩn bị lễ Phục Sinh để giảm và tránh rủi ro lây nhiễm cho cộng đồng và cả dân tộc, đấy chẳng phải là một quyết định đầy can đảm và đúng đắn đó sao?

Thật ra, tốc độ lây lan quá nhanh của con virus corona để tạo cơn dịch Covid-19 qua gần 70 quốc gia đã làm không ít doanh nghiệp trở tay không kịp. Quán xá đìu hiu, chợ búa và siêu thị vắng hoe, nhiều công xưởng thiếu nguyên liệu do chuỗi cung ứng nghẹt mạch…hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều nơi đang nhộn nhịp…bỗng nhiên chùng xuống thấy ớn.

Ông bạn mua bán và lắp ráp xe đạp bên Pháp than trời vì nguồn cung ứng trong một thời gian ngắn tắt ngúm. Dịch Covid-19 quậy chưa đầy 2 tháng đã gây không ít trở ngại và thậm chí tổn thất cho người sản xuất và kinh doanh có mối quan hệ làm ăn chặt chẽ với Trung Quốc. Nhưng liệu còn kéo dài bao lâu? Chẳng ai dám đoán một ngày cụ thể. Phải tự tìm cách xoay sở và xếp dặt công việc để tiếp tục làm ăn. Chứ hoàn cảnh thế này ai muốn !?

Việc bây giờ là vàng, việc vàng mà! Không sản xuất thì thu nhập đâu để trả tiền thầy thợ. Ngay cả chuyện ở Đà Nẵng, có đến mấy ngàn hướng dẫn viên du lịch “tạm thời” rỗi việc, thu nhập giảm, có người đang tính tới chuyện chuyển nghề để tạm thời kiếm sống qua ngày. Không tìm cách kiếm việc kiếm tiền trở lại, cả gia đình và xã hội rối bung chứ không phải chuyện chơi.

Nhiều bạn chủ doanh nghiệp cho biết nếu để xảy ra lây nhiễm trong khu vực làm việc thì toi. Đấy là điều họ quan tâm canh cánh khi đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Tẩy trùng, phun thuốc, vệ sinh môi trường, trang bị các thiết bị, dụng cụ vệ sinh phòng dịch, theo dõi sức khỏe người làm công, khi có người sáng sớm vào làm hắt hơi sổ mũi, cần phải ghi sổ và yêu cầu cho biết hôm qua đi đâu, gặp ai v.v…Tuy tốn kém và mất công, nhưng thà vậy. Còn nếu để họ rỗi công không việc, rủi ro còn lớn bộn. Mất việc, không thu nhập sẽ đẻ ra không biết bao nhiêu hệ lụy về xã hội và tâm lý cho từng cá nhân, gia đình và cả cộng đồng.

Đó là chưa tính tới chuyện giả sử như có một người trong xưởng hay doanh nghiệp của mình hôm nào đó bị lây nhiễm dịch Covid-19, thì chủ doanh nghiệp còn phải tính toán làm sao để họ không bị phân biệt đối xử, chửi rủa…từ chính đồng nghiệp của mình. Xem TV thấy mấy nhà hàng Tàu ở San Francisco không có một bóng khách…chỉ vì do con virus corona bùng phát từ Vũ Hán! Lòng nghi kỵ của con người lan nhanh còn hơn virus corona!

Khi viết bài này, các cháu trường bên chuẩn bị đi học lại sau đợt nghỉ Tết dài kỷ lục. Hơn một tháng rưỡi không nghe tiếng nói cười rào rào trong giờ ra chơi, thấy cũng thiêu thiếu nhơ nhớ điều gì. Kịch bản tốt và lý tưởng nhất là mong không có cháu nào rơi vào trường hợp bị lây nhiễm. Vai trò của thầy cô chủ nhiệm bây giờ cũng giống như người chủ doanh nghiệp. Cần theo dõi từng cháu, dứt khoát phải cho phép ở nhà trò nào bị cảm cúm sổ mũi nhức đầu…đến khi lành hẳn mới đi học lại. Nhưng cũng nên tính đến một kịch bản xấu là nếu như…thì…

Diệt và dập dịch không chỉ hô hào sự quyết tâm là được. Các biện pháp bảo vệ để giúp từng người tránh dịch không chỉ cho bản thân doanh nghiệp và nhà trường, mà còn cần sự kiểm tra thường xuyên của ngành y tế từng cơ sở, địa phương…Đồng thời cần lập các kế hoạch hỗ trợ thiết thực và cụ thể từ chống dịch đến cách ổn định tâm lý khi có người lây nhiễm trong cộng đồng làm việc, học tập và khu dân sinh nếu nhỡ một kịch bản tiêu cực xảy ra.

Tìm cách thích ứng với tình hình dịch Covid-19 là giúp cá nhân và cộng đồng ngừa và tránh nhiễm bệnh, hạn chế tối đa những rối ren về sinh hoạt và tâm lý trong hoạt động thường ngày mà không chủ quan với tình hình.

Nguyễn Quang Bình

Hits: 56