Sức mạnh của lời “cám ơn”

Một anh tiến sĩ “hẳn hòi” tôi quen đã phản ứng bằng những lời gay gắt khi bắt gặp trên mạng xã hội treo cái pa-nô chào mừng SEA Games 31 nhưng có đôi chỗ phạm lỗi chính tả khi chuyển ngữ sang tiếng Anh mà không biết mình đã bị đánh lừa.

Có thể do bệnh nghề nghiệp và nhất là lo chuyện bạn bè và vận động viên các nước chê cười khi phải thấy chữ nghĩa tệ hại trên tấm pa-nô ấy, anh đã vội vàng chia sẻ hình ảnh bích chương chào mừng sai quấy đó và ghi những lời bình luận khá nặng lời lên Facebook. Không bao lâu sau, phát hiện thấy cái mình chia sẻ lên mạng là quá hấp tấp, là không đúng, ảnh đã bị làm sai lệch, nội dung bị “photoshop” từ đúng thành sai của ai đó muốn câu “view” và thiếu tinh thần xây dựng. Anh bèn viết đính chính và la cho “ai đó” một mẻ và dặn lần sau không được đánh lừa bà con trên mạng xã hội như thế nữa.

Gặp bạn, tôi nói nửa chơi nửa thật rằng ai khiến anh vội vàng, không chịu kiểm chứng, không khéo càng trách, họ càng thích thú nói trong bụng “ai biểu ông dại”. Trong trường hợp ấy, tôi sẽ lên mạng xin lỗi bạn bè đã bị mình đánh lừa một cách gián tiếp mà trực tiếp qua ảnh mình chia sẻ một cách tắc trách, rồi lên lời cám ơn “ai đó” đã cho mình một bài học: lần sau không quá cả tin để phải mắc sai lầm do hấp tấp bỏ qua xác minh và kiểm chứng.

Có lần định cắt đứt với các mạng xã hội vì hàng ngày thấy mình như bị “trúng thực” với quá nhiều thông tin cả ngược lẫn thuận chiều, cảm thấy bị quấy rối và quá mất thì giờ vì “lên mạng”. May sao gặp một ông bạn hiểu được “chánh niệm” (mindfulness) giải thích cho, nhờ đó lòng nhẹ đi nhiều phần. “Chánh niệm” là mình phải chấp nhận cả cái nghịch lẫn cái thuận để chọn một thái độ sống, phù hợp với thiên nhiên và cuộc đời. Khi “tỉnh thức” đủ thì mình sẽ không thể đi theo hướng phản diện, những thứ mà người đời cho là không tốt, thói hư tật xấu từ tâm tưởng đến hành động. Cái “tại” và cái “hiện” của Thiền sư Nhất Hạnh không hề nói loại bỏ những thứ đen đui xui rủi trong cuộc sống xã hội và từng cá nhân, mà phải chấp nhận cả mặt trái và mặt phải, đối diện chúng bằng con mắt thật và lương tâm của mình, rồi dùng “chánh niệm” để xử lý theo “cơ địa”, tiếng nói của lòng mình.

“Ông cứ lướt mạng, đôi khi cả những thứ mà ông vẫn cho là rác rưởi. Nhưng hãy tìm mỗi ngày một vài điều tích cực rồi ghi vào nhật ký. Thay vì chê trách và giận dữ, hãy ghi nhận lại bằng một lời cám ơn vì qua thông tin gì đó đã cho mình biết một điều khác cái mình từng biết, cho mình một kinh nghiệm cần tránh…”, y động viên tôi đừng tìm cách trốn tránh hiện tại để “tìm nơi vắng vẻ”.

Ngay cả trong cuộc sống thường nhật, còn bao nhiêu thứ để chúng ta thấy cuộc đời này đáng quý và đáng sống: gặp một đồng nghiệp trong cơ quan, trước đây không mấy thân thiện, nay tự nhiên anh chị ấy tươi cười với ta: quá đủ để dành một lời cám ơn trân trọng; một bài báo hay; một lần đàm đạo thú vị với bạn cũ bạn mới; một con khỉ ngơ ngác trong chuồng ở sở thú; một tấm hình nhờ chị trong quán ăn chụp cho mình giữa bạn bè; hay khi đứa cháu dang đôi cánh tay non yếu đòi nội ẵm…Những điều đẹp đẽ, lớn có nhỏ có, không thiếu trong ngày. Tìm cách ghi ơn hết các thứ, đừng quên “cám ơn” những người quanh mình, những người giúp đỡ, lo lắng cho mình.

“Cám ơn” hoặc bằng lời, bằng tin nhắn, bằng email…hay từ trong thâm tâm…đó là cách vượt qua những chướng ngại, gai góc trong lòng. Biết đâu khi thể hiện lòng biết ơn, ta cải thiện được hệ tim mạch (1), tăng cường hệ miễn dịch và thậm chí có thể làm chậm quá trình lão hóa não (2).

Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu kết hợp giữ hai trường đại học Michigan và California đưa ra một số kết quả của công trình tìm hiểu xem liệu “lòng biết ơn có giúp con người khỏe mạnh hơn” (3) hay không. Những người tự nguyện tham gia cuộc khảo sát được yêu cầu báo cáo mức độ căng thẳng, ngủ và tập thể dục ngày ba lần trong ba tuần. Bất ngờ thay là những người tỏ ra biết ơn có huyết áp và nhịp tim thấp hơn những người khác. Nghiên cứu cũng cho thấy tinh thần lạc quan đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, đặc biệt là qua cải thiện giấc ngủ.

Trước đó, nhiều công trình nghiên cứu cũng đã phát hiện nhiều điều bổ ích đối với những cá nhân trọng ơn trọng nghĩa.

Các chuyên gia tâm lý tại London cho rằng chỉ trong hai tuần, ai hàng ngày chịu khó ghi nhận lòng biết ơn thì giấc ngủ sâu hơn, tốt hơn. Các bác sỹ tại Boston cũng thử gợi ý cho bệnh nhân ám ảnh chuyện quyên sinh tìm cách ghi ơn những thứ, những người mình gặp trong ngày, lạ thay tâm lý vô vọng với cuộc đời của bệnh nhân ấy vơi đi…

Hai tiếng “Cám ơn” không chỉ giúp bồi đắp thêm tình thân mà bản thân nó tạo nên sức mạnh cho cả thể xác lẫn tâm hồn.

Tìm cách tăng cường hạnh phúc gia đình vợ chồng con cái đâu cho xa: cứ thử hàng ngày trao cho nhau lời cám ơn chân thành khi cơm mẹ nấu, đèn chồng bật, cửa con mở…thì khó có mùi nước hoa ma mị của “người thứ ba” nào vào xúi quẩy, quấy phá mối đoàn kết do lòng biết ơn được từng thành viên trong gia đình trân trọng. Biết cám ơn nhau là biểu lộ của sự “thuận vợ thuận chồng”.

Tìm cách động viên, tăng năng suất làm việc của cơ quan, văn phòng mình đâu cho xa: chỉ cần để ý nói lời cám ơn với cấp dưới hay cấp trên nơi mình làm việc một cách trân trọng thì chuyện gì khó có đến “vạn lần…cũng xong”

==

(1) Patti Neighmond, Gratitude Is Good For The Soul And Helps The Heart, Too, NPR, 23-11-(2) Tani Y, Koyama Y, Doi S và nhiều đồng sự trong “Association between gratitude, the brain and cognitive function in older adults: Results from the NEIGE study”.(3) David B. Newman et al, Comparing daily physiological and psychological benefits of gratitude and optimism using a digital platform, Emotion, 2021

NGUYỄN QUANG BÌNH

Bài đã được đăng trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn bản in số 21-2022 ngày 26-5-22

Hits: 191