Tránh các ngõ cụt của chính sách an ninh lương thực toàn cầu

(KTSG) – Hiện tượng “thần kỳ” của nền nông nghiệp Việt Nam được ghi nhận nhờ nội lực và các chính sách, biện pháp thực hiện chung khắp vì một thế giới “an ninh lương thực” trên toàn cầu. Nhà nông sản xuất nhỏ lẻ đã phần nào thoát được thân phận “tay làm mà hàm không được nhai” thông qua sự “chịu khó” tiếp cận với thị trường nhập khẩu và đầu tư của các tập đoàn công nghiệp thực phẩm đa quốc gia. Nhưng có lẽ khó duy trì được những thành quả này.

Đừng để nông dân lại quay về cảnh khổ vì sản xuất ra hàng thật nhiều nhưng phải bán với giá rẻ, như câu chuyện con rắn cắn đuôi của mình! Ảnh: N.K

Các nhà kinh doanh nông sản Việt Nam không lạ gì với cái từ “an ninh lương thực”. Từ ba bốn chục năm nay, khi Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu lại một ít đậu mè, tôm mực khô… để làm quen với thị trường thế giới ở các thập niên 1980, 1990, thì nhóm từ ấy cũng đã rổn rảng trong tai các nhà kinh doanh xuất khẩu nông sản rồi.

Chính sách “đổi mới” rồi đến việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với nước ta, theo sau là không biết bao nhiêu lượt cải tổ và thay đổi chính sách nhằm khuyến khích sản xuất và xuất khẩu nông sản của Nhà nước… tất cả hình như đều trùng hợp với thời kỳ cả thế giới bắt đầu lo chuyện “an ninh lương thực”.

Đó âu cũng là “duyên lành” vì thế giới hay một bất kỳ một đất nước riêng lẻ nào, muốn bảo đảm an ninh lương thực, đều phải tăng diện tích, sản lượng, chuyên biệt hóa vùng nuôi trồng cấp độ cao, giải phóng năng lực xuất khẩu và thúc đẩy một thị trường tự do. Chính vì thế, đến bây giờ, bất kỳ một chủ trương nào đòi trở lại tình trạng ngăn sông cấm chợ như cuối những năm 1970 tại nước ta đều được xem là “phản cảm” cho dù đó là để ngăn đại dịch Covid-19 như tại nhiều địa phương đã kéo dài áp dụng trong thời gian phong tỏa vào cuối năm 2021.

Nói cho ngay, hiện tượng “thần kỳ” của nền nông nghiệp Việt Nam ngoài những ghi nhận nhờ nội lực, sẽ rất thiếu sót nếu không nói đến các biện pháp thực hiện chung khắp vì một thế giới “an ninh lương thực” trên toàn cầu mà trong đó chính phủ các nước phải dỡ bỏ các cơ chế cổ lỗ sỉ của thị trường nông sản, giải phóng năng lực thương mại và tiếp thị nông sản và thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp.

Cũng từ bấy, nhà nông sản xuất nhỏ lẻ mới thoát được phần nào thân phận “tay làm mà hàm không được nhai” thông qua sự “chịu khó” tiếp cận với thị trường nhập khẩu và đầu tư của các tập đoàn công nghiệp thực phẩm đa quốc gia. Tuy nhiên, cứ tưởng thành quả ấy được giữ lâu bền. Điều oái oăm là nhiều con sâu đã xuất hiện ngay trong những quả ngọt ấy.

Tăng năng suất, khuyến khích bà con nông dân nhỏ lẻ sản xuất để tham gia thị trường hàng hóa thương phẩm, ngoài sự hỗ trợ tích cực từ các đại gia công nghiệp thực phẩm như một đầu ra chủ lực, còn có sự giúp sức lớn lao của các ngân hàng thương mại và đầu tư cùng các quỹ kinh doanh tài chính, mới tạo được một cuộc bùng phát về khối lượng nông sản thương phẩm khổng lồ. Khối lượng hàng hóa to lớn, ngược lại, là sản phẩm hàng hóa giao dịch trên các sàn thương phẩm phái sinh.

Một lý lẽ khó có thể cãi của những nhà hoạch định chịu trách nhiệm “lo cái ăn” cho dân cư toàn cầu là một khi diện tích và năng suất nông sản tăng mạnh rộng khắp thì giá nông sản phải thật cạnh tranh để làm sao sản phẩm đến tay người khó khăn trên toàn thế giới mà không để cho họ đói. Vậy là nông dân lại quay về cảnh khổ vì sản xuất ra hàng thật nhiều nhưng phải bán với giá rẻ, như câu chuyện con rắn cắn đuôi của mình!

Lại thêm các quỹ đầu tư tài chính, dù có thể không cần quan tâm gì về giá trị hột lúa hột đậu và công lao mồ hôi nước mắt của nhà nông, chủ trương của họ và khách hàng vay tín dụng là mua nông sản với giá cạnh tranh nhất, rẻ nhất… để ủng hộ chủ trương “an ninh lương thực” toàn cầu, thì người làm ra sản phẩm lại càng nếm thêm mùi chua chát.

Mặt khác, khi trình độ sản xuất hàng hóa lên tầm cao rồi, khi người mua thỏa mãn về lượng rồi, lại đòi hỏi thêm về chất. Nhiều yêu cầu về cách canh tác bền vững, bài bỏ các loại thuốc như diệt cỏ trừ sâu… và một loạt hàng rào kỹ thuật chi chít khác, thì chỉ khiến nông dân càng phải chịu cắn ngắn thêm đuôi mình để tồn tại với những hy vọng về những đợt giá tăng trên các sàn giao dịch hàng hóa mong cứu nguy cho chính mình. Nhưng cũng chỉ là hy vọng tiếp theo hy vọng. Chứ các nước, các địa phương sống bằng nghề nông làm sao bẻ quặp được giá trên các sàn thương phẩm để cho nó cao lên vì một cuộc sống sung túc cho mình với lý do trong sáng vì sản phẩm giao dịch trên sàn là do mình cung cấp!

Cũng nhân danh “an ninh lương thực”, nhiều đại gia sản xuất cây/con giống biến đổi gen (Genetically Modified Organism-GMO) tranh thủ và có nơi khuyến khích nông dân từ bỏ giống tự nhiên để tăng năng suất nhằm cứu đói thiên hạ. Nhìn từ nhiệm vụ cứu đói, có lẽ không nên nói điều này là sai, nhưng nhìn từ chủ trương sản xuất nông sản sạch, nông sản xanh, thì đây có phải là một loại hô hào sản xuất xanh nhưng mang mầm nguy hại, tức là không xanh tí nào. Ngành vệ sinh an toàn thực phẩm nay vẫn còn tranh cãi chưa có hồi kết về các sản phẩm xuất phát từ GMO này. Có nước, có hãng chế biến thì chấp nhận, nhưng cũng có nhiều nơi chối phăng. Thế thì “an ninh lương thực” có cản được chuyện mất an toàn vệ sinh thực phẩm?

Đại dịch Covid-19 chưa kịp giúp con người tính toán lại cái ăn “vệ sinh” thì chiến tranh Nga-Ukraine lại đe dọa chừng hai tỉ con người ta thiếu ăn do nguồn cung cấp lương thực (chủ yếu là lúa mì) bị cắt đứt từ hai nước tham chiến. Đúng là đau đầu!

Chiến tranh Đông Âu hiện nay làm giá nông sản, lương thực tăng. Đừng vội mừng cho nông dân! Nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp đang tăng chóng mặt từ xăng dầu đến phân bón… Nhà nông khắp nơi đang than khổ. Giá nông sản tăng nhưng nhà nông không được hưởng mà lại “nai lưng cày” với thu nhập bấp bênh và hẻo hơn nhiều.

Giá phái sinh nhóm nông sản tăng thì người thiếu đói tại các nước nhập khẩu lương thực lại càng khổ. Qua chiến tranh tại Ukraine, chính sách an ninh lương thực đã được đề ra với một loạt hành động làm bệ đỡ phía sau càng để lộ những sai lầm chết người vì quá tin vào thị trường tự do của nông sản hàng hóa toàn cầu.

Cho nên, liệu nền sản xuất nông sản hàng hóa hiện nay có cần phải chuyên biệt, chỉ nên sản xuất đại trà một số sản phẩm xuất khẩu hay tìm cách hài hòa một phần để tự cấp tự túc để tính toán vì một nền an ninh lương thực cho cả nước và cho từng địa phương? Có nên thỏa mãn và quá tin vào thị trường nông sản hàng hóa thế giới, quá tin vào giá giao dịch trên các sàn phái sinh mà quên đẩy nhanh tiến độ đưa nông sản vào chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu, tránh những rủi ro về giá khi đã thấy thị trường thế giới quá bị lạm dụng?

Thúc đẩy đưa hàng nông sản ra nước ngoài nhưng “hàm lượng” giá trị gia tăng không được chăm chút từ các cấp quản lý đến doanh nghiệp, thì chớ nên trách thị trường mà hãy thấy trước rằng nhà nông và công sức của họ còn bị người khác lạm dụng dài dài.

NGUYỄN QUANG BÌNH

Bài đã được đăng trên TC KTSG bản in số 24-2022 ra ngày 16/6/22 

Hits: 92