Cà phê hàng thực, hàng giấy ngày càng “giãn cách”

Cà phê arabica Đà Lạt - Ảnh: Duy Hồ

Chẳng có gì bất ngờ khi càng ngày càng có nhiều nông dân và người kinh doanh xuất khẩu cà phê không còn tin lắm vào giá niêm yết trên các sàn phái sinh.

Cách nay mươi mười lăm năm, mặc dù ngồi canh nước tưới trong cái tiết trời sáng sớm lạnh căm, nhưng ai cũng tìm cách nối mạng để biết tin sàn London, sàn New York hôm trước có kết quả giá đóng cửa sàn cà phê robusta và arabica thế nào. Nay thì…thôi kệ.

Cũng đúng thôi! Cái chuyện phi lý sờ sờ trước mắt tồn tại hàng chục năm trời, vậy mà chủ các sàn giao dịch phái sinh ấy chẳng thèm sửa. Giá cà phê robusta loại 2 theo tiêu chuẩn “quốc tế” do chủ sàn đặt ra đến tận hôm nay vẫn ở mức trừ 30 đô la Mỹ mỗi tấn so với giá niêm yết của sàn. Đó là chưa tính phí làm hàng và tài chính, phí bảo hiểm, cước vận tải từ nước xuất khẩu đến kho cảng quy định tại các nước châu Âu…, rồi còn chi phí kiểm định và chuẩn bị để cà phê được bán đấu giá trên sàn.

Tâm lý bàng quan của nhà vườn đối với các sàn phái sinh – từng được xem là nơi phản ánh trung thực nhất về cung-cầu và giá công bố trong phiên giao dịch là kim chỉ nam của thị trường – xuất phát từ thái độ không cần quan tâm của giới đầu tư tài chính kinh doanh trên sàn đối với sinh kế của hơn 25 triệu hộ với hàng trăm triệu miệng ăn trên toàn thế giới từ việc trồng và thu nhập từ cây cà phê.

Như vậy, đối với nhà vườn cà phê, không phải đến khi có đại dịch Covid-19 họ mới trải nghiệm giãn cách xã hội. Chính các sàn giao dịch hàng hóa như cà phê đưa họ vào thế phải “giãn cách” vì giá niêm yết trên sàn đứt mạch với thực tế thu nhập và giá thành sản xuất.

Ai đời nếu đưa hàng qua đấu giá trên sàn, giá bán chỉ được định ở mức 23,15 triệu đồng mỗi tấn nếu tính trên giá đóng cửa sàn cà phê phái sinh robusta London ngày 30-6-2020 là 1.178 đô la Mỹ/tấn (tỷ giá VN Đồng với US Đô la = 23.200). Hay nói rõ hơn, nếu ai đó bán cà phê robusta trên sàn tại thời điểm đóng cửa ngày ấy, chỉ thu được 998 đô la Mỹ/tấn vì phải trừ 30 đô la cho giá bán được quy định và trừ các phí tổn làm hàng từ cảng lên hàng đến một kho thuộc sàn London ở châu Âu. Ngay cả người mắc bệnh tâm thần cũng không muốn bán và lập quan hệ giao dịch với sàn!

Trong khi đó, giá cà phê nguyên liệu nhiều nơi ở vùng sản xuất trọng điểm của Việt Nam là Tây Nguyên thời điểm ấy là trên 31 triệu đồng mỗi tấn chưa tính các loại phí như đã nói.

Không phải bàn đến chuyện sàn cà phê giúp được gì cho nhà vườn và các nước sản xuất vì giá giao dịch của sàn phái sinh chẳng còn mối quan hệ nào nữa với giá cà phê hàng thực trong thực tế. Nên ai đó cầu mong người giao dịch trên sàn, gắn bó với sàn hỗ trợ cho người sản xuất cần được xem là ước mơ hão huyền.

So sánh giá giữa các cách bán, một là theo “kim chỉ nam”, hai là theo thị trường xuất khẩu mà doanh nghiệp xuất khẩu đang đeo đuổi với giá hiện nay cao hơn từ 150-200 đô la Mỹ/tấn so với giá niêm yết của sàn, để hiểu rằng không nên ngộ nhận giá sàn phái sinh London hay New York chính là để phục vụ cho người sản xuất cà phê.

Đại dịch Covid-19 hiện nay có thể làm hai thị trường hàng giấy và hàng thực càng giãn cách quyết liệt hơn.

Trong khi các nước sản xuất phải cạnh tranh nhau đến bán được hàng vì có dự báo năm 2020 thế giới dư thừa cà phê và tồn kho cuối kỳ sẽ rất lớn, thì các sàn phái sinh hàng hóa sẽ dành toàn bộ sân chơi cho giới đầu tư tài chính.

Nói thẳng rằng để bảo đảm sinh kế gia đình, người sản xuất phải lo toan chăm sóc vườn cây, chất lượng sản phẩm…và kể cả giá lên xuống trên sàn (nhưng oái ăm thay không do chính họ quyết định). Còn giới kinh doanh trên sàn phái sinh thì khác. Để kiếm tiền và lợi nhuận càng nhiều càng tốt, cách họ làm là theo dõi biến động thị trường tiền tệ như tỷ giá đô la Mỹ với các đồng nội tệ của các nước sản xuất, tâm lý mua bán của các đối thủ cạnh tranh trên sàn, tâm lý bán hàng thực của các nước sản xuất và phương tiện kiếm tiền là vốn dồi dào do các ngân hàng trung ương cung ứng nhằm ứng cứu nền kinh tế và doanh nghiệp trong và sau đại dịch.

Cần thấy trước rằng ngay cả các doanh nghiệp nhập khẩu cũng được ngân hàng trung ương thông qua các ngân hàng đầu tư và thương mại sẽ quản lý rất chặt khối lượng và giá hàng hóa nhập khẩu. Cốt lõi của vấn đề không phải là nhằm mua hàng hóa về để phục vụ nhu cầu của dân chúng nước sở tại, nhưng chính là lượng tiền phải chi ra bao nhiêu là đủ, cho mặt hàng nào theo chế độ ưu tiên. Điều đó cũng có nghĩa là mua bán hàng hóa cà phê có thể cũng sẽ được phân bổ vốn kỹ càng với hạn mức cho phép của ngân hàng nói chung.

Dù các hiệp định thương mại tự do như EVFTA đang tạo điều kiện và mở ra thị trường lớn hơn cho mặt hàng cà phê xuất khẩu từ Việt Nam, nhưng thời gian trong và sau đại dịch (ở giai đoạn tìm lại ổn định kinh tế ) có thể là một chuyện khác.

Như vậy, chắc thị trường cà phê sẽ có những lúc biến động dữ dội và bất ngờ do giá các sàn phái sinh đi theo bài của thị trường tài chính cả hướng lên lẫn hướng xuống. Ý định đầu tư cà phê hàng thực và hàng giấy cho đường dài ắt phải gặp nhiều rủi ro không phải do sản lượng cà phê được dự báo dư thừa* mà chính do bản thân hoạt động đầu cơ dùng sức mạnh đồng tiền để khuynh loát giá hàng hóa.

=

*”Coffee: World Markets and Trade”, Bộ Nông nghiệp Mỹ, 6-2020 trong đó dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2020-2021 đạt mức kỷ lục 176,1 triệu bao (bao = 60 kg) và tồn kho cuối kỳ đạt mức cao nhất tính từ 6 năm nay.

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên TBKTSG bản in 2-7-2020

Hits: 33