(30-9-2017) Thị trường cà phê: Một năm nhìn lại

Đối với thị trường cà phê thế giới và Việt Nam, hôm qua là ngày giao dịch cuối cùng của niên vụ 2016/17 và đầu tuần sau sang niên vụ mới.

Đứng ở thời điểm này để nhìn lại một năm, giá cà phê nội địa hiện nay  nhỉnh hơn năm ngoái chừng 1,5 triệu đồng/tấn với giá giao dịch ngày cuối niên vụ cũ 30-9-2016 bấy giờ là 42 triệu đồng/tấn.

Nhưng giá kỳ hạn London cuối niên vụ này lại thấp hơn năm ngoái, đóng cửa phiên cuối ngày 29-9-2017 chốt 1968 trong khi ngày này năm 2016 giá London bùng tăng và chốt mức 2010 đô la. Trong khi đó, giá kỳ hạn arabica năm nay thấp hơn nhiều: hôm qua 29-9-2017 chốt tại 128.05 cts/lb nhưng năm ngoái là 150.15 cts/lb, thấp hơn 22 cts/lb hay chừng 487 đô la Mỹ/tấn.

Một điều lạ kỳ là vị thế kinh doanh của các quỹ đầu cơ trên sàn kỳ hạn London đến nay chuyển qua dư bán với 18.770 tấn theo báo cáo mới nhất ngày 19-9 nhưng năm ngoái họ vẫn còn giữ lượng dư mua rất cao với 370.760 tấn.

Đáng ra, áp lực bán khống của giới đầu cơ tài chính trên sàn phải làm cho giá kỳ hạn giảm mạnh như trường hợp của sàn arabica, nhưng giá London năm nay cứng và tốt hơn. Nhiều người cho rằng giá London năm nay vững hơn có thể do Việt Nam và Brazil mất mùa nên giá robusta vững. Giải thích trên xem ra khó được đồng tình vì nếu như cà phê robusta thế giới giảm sản lượng, thì các nhà đầu tư phải đứng về phía mua khống hơn là bán khống như hiện thời.

Một lý giải khác lại cho rằng do tồn kho khả dụng tức cà phê được các nhà nhập khẩu mua trữ để bán cho người tiêu thụ cuối cùng còn cất tại các nước sản xuất và một phần tại kho các nước tiêu thụ còn lớn, nên người còn giữ hàng không dại gì bán tháo làm giá thị trường giảm để tự gây thiệt hại cho mình. Mặt khác, để các nước xuất khẩu không tuồn hàng ra mạnh có thể gây thua lỗ lớn cho hàng còn tồn kho của giới đầu cơ, họ khuyến khích các nước sản xuất mua bán lòng vòng trong nước mà không muốn hàng các nước sản xuất tiếp xúc với người mua cuối cùng là các hãng rang xay cà phê. Vả lại, giá arabica giảm mạnh đã kích thích người mua rời bỏ robusta.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2016/17 ước chừng 1,5 triệu tấn, giảm so với niên vụ 2015/16 bấy giờ là 1,75 triệu tấn.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu năm 2017 chỉ 1,12 triệu bao (18,7 triệu bao), giảm 20,5% so với cùng kỳ nhưng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,55 tỉ đô la Mỹ, tăng 1,3%.

Tuy chưa có con số xuất khẩu chính thức của thế giới cho cả niên vụ 2016/17 vì đến giữa tháng 10-2017 Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) mới công bố. Báo cáo mới nhất của cho rằng trong mười tháng đầu niên vụ 2016/17 tính đến hết tháng 7-2017, thế giới xuất khẩu vượt qua con số 100 triệu bao (60 kg x bao) tăng 5,7 triệu bao, chủ yếu arabica khống chế thị trường vì xuất khẩu robusta từ hai nước hàng đầu là Việt Nam và Brazil đều giảm.

Như vậy, tuy xuất khẩu từ nước sản xuất robusta hàng đầu là Việt Nam giảm gần 250.000 tấn, giá kỳ hạn và thị trường nội địa không tạo được đột biến. Thật ra giá cà phê nội địa chỉ có lúc trong năm nhớm lên 48 triệu đồng/tấn nhưng kỳ vọng 50 triệu đồng/tấn của người trữ hàng nội địa không thành hiện thực.

Dù trên sàn London có vắt giá liên tục, đến nay tuy tháng 9-2017 đã qua, tháng 11-17 cao hơn tháng 3-2018 đến 40 đồ la/tấn. Đáng lẽ vắt giá lâu và cao như thế chứng tỏ thị trường thiếu hàng triền miên. Hiện tượng này đáng ra phải kích mua giao hàng và đẩy giá nội địa tăng cao. Nhưng hiện nay thực tế trái ngược. Các nước sản xuất không có lợi gì về giá khi London vắt. Thậm chí tin theo còn có nguy cơ mất thị trường nhập khẩu với arabica tràn đầy trên thị trường và các nhà buôn chủ tâm đầu cơ tích trữ.

Mức 45 triệu đồng/tấn từ nay cho đến cuối năm 2017 xem ra còn hy vọng nhưng khá hy hữu vì tâm lý thị trường cho rằng sản lượng robusta Việt Nam năm tới có khả năng tăng nhẹ và nhất là tồn kho trong tay các nhà kinh doanh robusta sẽ còn gây khó khăn cho hướng tăng của thị trường cà phê robusta.

NGUYỄN QUANG BÌNH

Xem thêm:

Nhận định giá cà phê thế giới tuần từ 25/09/2017 tới 30/09/2017

(29-9-2017) Bình luận về kỹ thuật giá kỳ hạn robusta

Hits: 384