Nhận định giá cà phê thế giới từ 27-31/08/2018

Diễn biến giá cà phê tuần từ 20-25/08/2018: Giải mã đợt giảm giá mạnh trên 2 sàn cà phê

Lần đầu tiên tính từ tháng 09/2006, giá giao dịch trên kỳ hạn cà phê arabica New York rớt xuống dưới mức 100 cts/lb (xem hình 1), đã gây ảnh hưởng dây chuyền một cách tiêu cực đến giá cà phê robusta cả trên sàn London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu lẫn trên thị trường nội địa.

Vụ mùa 2018 cực lớn của Brazil đang vào giai đoạn cuối kỳ thu hoạch được nhiều người dự đoán phải trên 60 triệu bao, 60kg bao đã thúc đẩy giới đầu tư tài chính trên sàn hàng hóa phái sinh bán khống liên tục từ nhiều tháng nay. Hệ quả là lượng dư bán của họ cứ sau báo cáo hàng tuần tăng lên con số kỷ lục. Tính đến 13/08, khối lượng dư bán của các quỹ này đã đạt 100.533 lô tương đương với trên 28,5 triệu bao. Càng bán giá càng rớt.

Không những thế, đồng Reais Brazil (Brl) tuần qua liên tục bị mất giá so với đồng Usd (xem hình 1) cộng với mối lo đồng Usd tăng lãi suất làm giá hàng hóa giảm…đã tạo nên một trận đổ đèo trên sàn arabica.

Cũng trong giai đoạn khó khăn ấy, cả hai sàn kỳ hạn cà phê lại vào thời điểm đáo hạn chốt giá các hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng dư mua của sàn kỳ hạn cơ sở tháng 09/18, giá cà phê lại càng điên đảo.

Giá robusta London cơ sở giao dịch tháng 11/18 tuần qua có lúc chạm 1525 Usd/tấn, là mức sâu nhất của niên vụ này.

Đóng cửa ngày cuối tuần trước, cả hai sàn cà phê tại New York lẫn London phục hồi được phần nào nhưng vẫn còn trong ở vùng thấp: so với ngày 17/08 London giảm 19 Usd/tấn đạt 1541, New York bình giá ở 104.70 cts/lb sau khi vượt khỏi đáy ở 99.35 cts/lb (xem hình 1).

Giá cà phê nhiều nơi trên thị trường nội địa nhiều lần trong tuần trước lung lay ở mức 33 triệu đồng mỗi tấn.

Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ được chào bán mức trừ 70-80 Usd/tấn dưới giá London cơ sở giao hàng dựa trên tháng giao dịch 11/18 và 01/19. Người bán không nhiều, người mua thận trọng.

Dù tháng 08/18 chưa kết thúc, thời điểm viết bài này cũng có thể được cho là cuối tháng vì quyền chốt giá tháng 09/18 trên cả hai sàn đã hết. Đấy là tháng mà hai sàn kỳ hạn cà phê có giá thấp nhất trong niên vụ 2017/18, có thể để lại di chứng xấu về mặt kỹ thuật sau này cho cả hai sàn.

Dự báo tuần từ 27-31/08/18: Giới kỹ thuật tin giá có đợt phục hồi 

Ngày 24/08 đúng là ngày thử thách cho giá cà phê robusta khi tháng 09/2018 có lúc chạm 1605 Usd/tấn, phá mức hỗ trợ quan trọng 1610 đã giữ được từ lâu.

Đồng thời, giá tháng 11/2018, nay là tháng giao dịch chính, chạm 1525, cũng là mức sâu nhất của niên vụ.

Đóng cửa tại 1541, London tỏ ra yếu về kỹ thuật vì mất khu vực hỗ trợ quan trọng 1544-1549, mức 1549 cũng chính là mức bình quân động (BQĐ) 5 ngày.

Hình 2

Đường lên 1600 và vùng tiệm cận vẫn còn rất xa, phải qua chặng đường dài 60 Usd nữa.

Tuy nhiên, giá London chưa phải bế tắc khi cấu trúc vắt, giá tháng giao hàng gần cao hơn tháng sau, tháng 09/18 cao hơn tháng 11/18 đến 79 Usd và tháng 11/18 cũng cao hơn tháng 01/19 được 9 Usd. Nếu nói còn đường tăng hay không, thì đây chính là nguồn hy vọng giá tăng cho sàn kỳ hạn London.

Như đã nói, đứng ở mức này (1541) là tiêu cực nhưng nếu có lúc nào vượt khỏi 1608, đó là điểm hóa giải để London tìm hướng tăng. Còn bao lâu quanh quẩn khu vực 1540, giá vẫn còn nguy cơ mất mốc 1500 để xuống sâu hơn (xem hình 2).

Thị trường cà phê nội địa: Trông chờ phục hồi trước mắt, nhưng giá giao xa giảm.   

Tuần qua, giá cà phê nội địa quanh quẩn khu vực 33 triệu đồng mỗi tấn. Cú chỉnh nhẹ cuối tuần đã đưa London lên và giúp giá nội địa lướt qua khỏi mức 33 để lên 33,2 triệu ngày đầu tuần này.

Dù mua bán trao tay không nhiều trong thời gian qua, xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn được báo là lớn hơn so với năm 2017.

Bộ phận thống kê thuộc Tổng cục Hải quan cập nhật tình hình xuất khẩu cà phê Việt Nam (chủ yếu chủng loại robusta) như sau: tính theo niên vụ bắt đầu từ 01/10/17, cả nước xuất khẩu 1.586.800 tấn trong đó nửa đầu tháng 08/18 đạt 71.364 tấn, tăng 59,86% về lượng và tăng 21,68% về giá trị so với cùng kỳ tháng 08/18.

Nhiều người lý giải rằng lượng xuất khẩu của 15 ngày đầu tháng 08/18 tăng có thể do hàng gởi kho và hàng mua trước còn tồn được đem đi giao hàng. Mặt khác, cấu trúc vắt giá trên sàn London đang khuyến khích người có hàng sẵn giao nhanh để tranh thủ giá cao.

Về hướng giá, do áp lực chốt bán tháng 09/18 giảm, rất hy vọng giá cà phê tìm đường phục hồi mà cú tăng ngày cuối tuần trước có thể khẳng định được phần nào.

Mức kỳ vọng cho hướng tăng trong tuần tới của thị trường nội địa là 34,5-34,7 triệu đồng mỗi tấn so với mức hiện nay 33,2 triệu.

Hàng mua giao xa cho những tháng sau (như 11 và 12/18) nay không còn mức 33-34 triệu đồng mỗi tấn như trước. Có người đã lên tiếng trả 30 triệu đồng cho các hợp đồng cà phê xuất khẩu giao xa khi vào vụ mới 2018/19.

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên NCIF ngày 27/08/18

Hits: 131