Nhận định giá cà phê thế giới từ 26-31/10/2020: Lộ hướng lên nhưng chưa thể mạnh.

Tác giả: NGUYỄN QUANG BÌNH, thời còn son!

Diễn biến thị trường cà phê tuần 19-23/10/2020: Giá robusta tăng nhưng sức ì của arabica kéo lại.

Hình 1 (*Cơ sở giao dịch tháng 01/2021 trên sàn robusta và 03/2021 trên sàn arabica) 

Bối cảnh thị trường

Thế giới đang lo ngại một cuộc chiến tranh tiền tệ có khả năng xảy ra rất gần. Khi cuộc đối đầu giữa hai đồng tiền Usd và Nhân dân tệ (CNY) tạm lắng, cuộc chiến sắp tới sẽ là giữa đồng Euro (Eur) với Usd.

Một đồng Eur tăng mạnh đã gây khó khăn cho xuất khẩu và cả nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, đồng Usd tại Mỹ giảm giá từng ngày dù chỉ còn 9 ngày trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Nhằm ngăn đà suy yếu của nền kinh tế, Chủ tịch Ngân hàng trung ương EU (ECB) Christine Lagarde đang đưa ra biện pháp là mua mạnh trái phiếu của khu vực đồng Eur để chống đà tăng giá đồng tiền của mình.

Các nhà chuyên môn nhận định rằng áp lực cạnh tranh tiền tệ của EU với Mỹ chưa thể chấm dứt dù Tổng thống đương nhiệm D. Trump có tái đắc cử hay không. Ngay cả khi ông thất cử, thì giá trị đồng Usd vẫn có thể rớt xuống mức thấp kỷ lục do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải bù đắp ngân sách cho việc cắt giảm thuế theo chương trình hành động của đối thủ thuộc đảng Dân chủ Joe Biden. Cuộc chiến giảm giá trị đồng tiền hai bên bờ Đại Tây Dương sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho chính họ và nền kinh tế thế giới nói chung. Nhưng giới kinh doanh nông sản thường nghĩ rằng đồng Eur và Usd giảm giá, đó có thể là lúc các nhà đầu tư tài chính tính đến chuyện dùng hàng hóa nông sản trong đó có cà phê làm nơi trú ẩn vốn của họ.

Hình 2: Đồng Eur tăng giá, liệu khởi đầu cho một cuộc chiến tranh tiền tệ giữa Eur và Usd? 

Tuần qua, giá trị Eur trong cặp tỷ giá EurUsd tăng lên mức cao nhất tính từ giữa tháng 09/2020 đến nay (hình 2). Điều này khiến cho ECB tính tới một cuộc cải cách thương mại nội bộ theo đó xuất khẩu trong vùng Eurozone không nên dựa vào giá trị đồng Eur.

Nhưng giá trị Usd suy yếu không giúp được mấy thị trường cà phê thế giới do đại dịch Covid-19 tái phát mạnh trong những ngày qua. Nhiều nước tại khu vực tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới là châu Âu như Pháp, Anh, Tây Ban Nha…đang áp dụng các biện pháp khắc khe với diện rộng hơn nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Có nước yêu cầu dân chúng thực hiện giãn cách xã hội đến lễ Giáng Sinh (25/12/2020), là dịp mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm. Đấy cũng là giai đoạn cà phê được tiêu thụ đỉnh cao giữa mùa giá rét châu Âu.

Kết quả cả tuần, giá vàng, dầu thô giảm. Giá một số sàn nông sản tăng như ngô, bông vải, lúa mì, cà phê robusta (+0,62%), nhưng cà phê arabica lại giảm 1,74%.

Vài nét nổi bật về tình hình cung-cầu trong tuần

  • Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn arabica thuộc sàn New York đợt này được ghi nhận là 67.742 tấn so với tuần trước là 67.197 tấn. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London là 117.570 tấn so với tuần trước là 110.070 tấn (1). Tồn kho robusta chủ yếu có xuất xứ từ Brazil.

  • Xuất khẩu cà phê Uganda

Xuất khẩu cà phê tháng 09/2020 của Uganda đạt 506.470 bao (bao=60 kgs) tăng 39,82% so với cùng kỳ 2019, trong đó có 445.461 bao robusta tăng 43,30% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cả niên vụ 2019-2020, Uganda xuất khẩu được 5.360.859 bao, tăng 20,75%.

  • Tiêu thụ cà phê Trung Quốc

Giới trẻ Trung Quốc ngày càng chuộng cà phê, chủ yếu tiêu thụ cà phê hòa tan. Mức tiêu thụ cà phê nước này ước tăng 10% mỗi năm, cao hơn mức bình quân của thế giới là 2%. Trung Quốc được cho là một thị trường đầy hứa hẹn dù mức tiêu thụ bình quân tính trên đầu người chỉ 5 tách/năm.

  •  Thời tiết tại hai nước cà phê hàng đầu thế giới

Mưa đã về trên vùng các vùng cà phê chính của Brazil đúng hạn. Mùa mưa Brazil thường từ tháng 10 đến tháng 03 hàng năm. Dự kiến cây cà phê ra hoa bình thường dù niên vụ tới 2020-2021 Brazil vào “năm mất” của chu kỳ hai năm một lần.

Cơn bão Saudel (số 8) biến thành áp thấp nhiệt đới nhưng không ảnh hưởng mấy đến vùng trồng cà phê Việt Nam. Cơn bão số 9 có tên Molave đang hình thành tại phía đông Philippines. Nó thể trở thành cơn bão mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến Tây Nguyên vào tuần này. Vùng trồng cà phê trọng điểm Việt Nam đang cần nắng ráo chừng mươi ngày để thu hoạch.

Giá cả (xem hình 1)

Giá hai sàn cà phê có kết quả ngược chiều tuần thứ hai liên tiếp. Giá arabica giảm do lo ngại đợt tái phát đại dịch Covid-19 quá mạnh tại các nước tiêu thụ chính. Giãn cách xã hội đang được áp dụng trở lại, dân chúng các nơi ấy không có điều kiện ra quán uống cà phê. Ngược lại, giá sàn robusta tăng dù rất nhẹ khi có dự báo hai cơn bão liên tiếp đang làm chậm thời gian thu hoạch cà phê tại Việt Nam.

Sau một tuần tính đến 23/10/2020, kết quả chung cuộc như sau:

Giá robusta chốt tại 1.305 Usd/tấn tăng 8 Usd với biên độ dao động 1.318-1.277.

Giá arabica đứng ở 108.40 giảm 2.60 cts/lb hay mất 57 Usd/tấn trong biên độ dao động 113.60-106.10.

Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ ổn định với mức chào bán +170/+180 Usd/tấn Fob (giao hàng qua lan can tàu) trong khi người mua trả +130/+140 Usd/tấn. Ít hợp đồng mới/lớn giao ngay được ghi nhận.

Giá cà phê nội địa loại 2 dao động trong khu vực 32,6-31,7 triệu đồng/tấn. Đến cuối tuần, giá cà phê nguyên liệu tại nhiều nơi ở Tây Nguyên, vùng sản xuất trọng điểm xoay quanh mức 32 (+/-0,2) triệu đồng/tấn. Mua bán chậm do thời tiết ẩm ướt.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 26-30/10/2020: Khó giảm sâu.

Hình 3 – Diễn biến giá cà phê robusta London (nguồn Phan Trọng Anh)

Kết thúc tuần qua, giá London chỉ khiêm nhường kiếm được 8 Usd chốt tại 1.305 Usd/tấn, nhưng bức tranh kỹ thuật xuất hiện một số điểm tích cực, đó là nhờ thoát khỏi mức tâm lý quan trọng 1.300 và nhất là nằm trên mức bình quân động MA5 và MA20 tại 1.297 và 1.294.

Tiếc rằng, lực bán mạnh từ các nước sản xuất cộng với một sàn arabica yếu đã không đưa giá London qua khỏi 1.318 (MA200) mà dừng tại 1.316 để rồi đóng cửa tại 1.305. Sàn này bỏ lỡ cơ hội chạm đỉnh gần nhất, cũng tại 1.318 để thử sức ở 1.322 (MA100).

Về hướng xuống, London lập đáy đôi tại 1.277 nhưng cũng từ đấy giá đi lên. Như vậy, 1.277 trở nên vùng hỗ trợ mạnh cho tuần này. Chỉ khi nào mất nó, mới lo London xuống sâu hơn tại 1.241, đáy lập ngày 13/10/2020.

Nhìn theo hướng tăng, sàn robusta cần kích hoạt lại để thử 1.318 rồi 1.322. Chỉ qua được vùng ấy mới nói tới chuyện tăng.

Một đồng Usd đang suy yếu cộng với thời tiết dự báo sẽ ẩm ướt trở lại tại các vùng trồng cà phê Tây Nguyên có thể giúp giá London đứng vững. Hơn nữa, chênh lệch giá giữa tháng 01 với 03/2021 đang quá gần (1.305-1.313). Áp lực giao hàng ngay xuất hiện dù chưa đến mức tạo nên cấu trúc nghịch đảo (backwardation).

Nhìn chung, đường lên của sàn robusta hé mở và hướng xuống mạnh xem ra có phần hạn chế.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Từ vững đến tăng nhẹ.

Thị trường cà phê trong nước tiếp tục trầm lắng. Tin giãn cách xã hội tại châu Âu không ảnh hưởng mấy đến nhu cầu tiêu thụ robusta. Thời tiết thất thường và ẩm ướt cũng giúp giá cà phê nội địa không giảm.

Đến sáng 26/10/2020, giá cà phê robusta loại 2, tối đa 5% đen vỡ quanh mức 32 triệu đồng/tấn. Dựa trên yếu tố kỹ thuật và cung-cầu, giá cà phê nội địa tuần này có thể dao động trong biên độ 31,8 đến 32,8 triệu đồng/tấn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. “Nhận định giá cà phê thế giới từ 19-24/10/2020: Giá khó bung nếu không nhờ tác động bên ngoài hỗ trợ.”, Nguyễn Quang Bình, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22224
  2. Các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang: “ncif.gov.vn”,  “thitruongcaphe.net” và “investing.com”
Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 61