Nhận định giá cà phê thế giới từ 20-25/05/2019: Còn nguy cơ đi xuống?

Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 13-17/05/19: Chưa tăng đủ, đã giảm nhanh và mạnh.

Hình 1

Nếu như tuần kết thúc ngày 10/05/19 dao động với biên độ thấp/cao nhất 105 Usd/tấn theo hướng tăng (1.267-1.372), thì tuần vừa qua giá trên sàn robusta London đi theo chiều ngược lại với biên độ rộng hơn, tức -108 Usd/tấn giữa cao/thấp nhất là 1.410/1292 (xem hình 1).

Cú đảo hướng quan trọng (key reversal) từ mức cao xuống mức thấp đã lấy lại gần hết những gì đã đạt được trong đợt tăng tuần trước đó.

Giá trên thị trường kỳ hạn robusta London sau 3 ngày chao đảo theo hướng xuống đã kết thúc vào ngày 17/05 với mức đóng cửa 1.301 Usd, cả tuần giảm 44 Usd/tấn. Trên sàn kỳ hạn arabica New York sau một thời gian cầm cự, ngày cuối tuần trước giảm 2,89% so với ngày trước đó và đóng cửa chốt tại 89 cts/lb, cả tuần mất 1,80 cts/lb tương đương chừng 40 Usd/tấn (xem hình 1).

Giá cà phê nguyên liệu nhiều nơi ở Tây Nguyên chứng kiến một phen tăng giảm mạnh từ 31 triệu đồng đầu tuần lên cao nhất 31,8 triệu rồi lại xuống 30,6 triệu đồng mỗi tấn vào ngày 18/05/19.

So với arabica, giá kỳ hạn robusta chao đảo nhiều hơn, có ngày tăng 50-60 nhưng lúc giảm cũng mạnh không kém.

Đợt đảo hướng tăng kéo dài đến ngày thứ Ba 14/05 được cho là sàn robusta muốn  ra khỏi vùng bán quá mức với chỉ báo RSI 14 xuống mức 14%+ để thoát lên 50,39% so với điểm tham chiếu 30%. Tuy nhiên cú chỉnh xuống nhanh từ đỉnh 1.410 xuống 1.292 Usd/tấn còn có lý do riêng của nó.

Hình 2 – Diễn biến đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) đến 17/05/19

Mức chênh lệch giữa giá kỳ hạn arabica với robusta nay chỉ còn dao động trong khu vực 26-31 cts/lb qui ra chừng 573-683 Usd/tấn so với bình thường trước đây là trên 60 cts/lb hay 1.323 Usd/tấn. Vả lại, đồng Brl tuần qua mất giá mạnh so với Usd có thể làm nông dân Brazil mạnh tay bán robusta và giữ lại arabica vì loại cà phê này quá rẻ so với robusta nên họ chưa muốn bán. Thật vậy, khi 1 Usd ăn 3,65 Brl, giá kỳ hạn New York ở tại 107, nhưng khi mất giá lên 3,9 Brl rồi tuần qua 4,1 Brl ăn 1 Usd, giá arabica đã giảm xuống 92 rồi 88-89 cts/lb (xem hình 2). Như vậy, giá arabica vừa quá thấp trong khi robusta Brazil lại rất sẵn và chênh lệch hấp dẫn, Brazil đã bán mạnh robusta. Không có gì bất ngờ khi những tháng gần đây, lượng xuất khẩu robusta Brazil đã tăng 450-550% so với cùng kỳ 2018. Đồng Brl mất giá chính là hệ quả khiến giá robusta London rớt lại mạnh trong tuần qua.

Dự báo tuần từ 20-24/05/2019: Lực kéo xuống mạnh hơn sức đẩy lên.

Hình 3 – Đồ thị diễn biến giá cà phê robusta (nguồn: Barchart.com)

Đồng Brl mất giá mạnh, vượt khỏi ngưỡng tâm lý 1 Usd ăn 4 Brl để cuối tuần xuống 4,1 Brl. Đó là lý do chính để giá kỳ hạn robusta quay đầu từ đỉnh trong tuần về 1.292 và đóng cửa dừng lại tại 1.301 Usd/tấn.

Cú đảo hướng tăng chưa kịp chạm 1.415 (đỉnh cũ) thì gặp phải kháng cự tại 1.410. Từ đó, London mất dần các đỉnh trong kênh tăng cũ là 1.372/1.351 để tìm đáy 1.292.

Chiếu theo diễn biến giao dịch ngày 17/05/19, đáy 1.292 lập ngày ấy chỉ còn cách các đáy trước không bao xa (1.288-1.282) và đáy thấp nhất tính từ 9 năm nay là 1.267.

Trong khi đó, giá đóng cửa 1.301 lại nằm cách rất xa so với các điểm bình quân động 5 và 20 ngày tại 1.350/1.368. Lực kéo xuống nặng hơn sức đẩy lên. Mặt khác chỉ báo RSI 14 lại nằm ngoài vùng bán quá mức (dưới 30%) ở tại 35,71% (xem hình 3).

Trong khi giá arabica bất ngờ yếu cuối tuần trước, cộng với đồng Brl lao đao, giá kỳ hạn cà phê London xem ra rất rủi ro. Nếu như lúc nào đó London mất chốt quan trọng 1.267, sẽ xuất hiện một vùng rơi tự do cho đến 1.212 và rồi trông thấy 1.200 Usd/tấn.

Giá robusta muốn cải thiện, phải qua các cầu 1.325/1.350 và 1.368 (xem hình 3).

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Nếu giá có tăng, vẫn không bằng đỉnh cũ.

Giá tham chiếu London tuần trước tăng nhanh rồi giảm nhanh. Đó là lý do làm cho giá cà phê trong nước chao đảo và cuối cùng giảm mạnh.

Thị trường cà phê trong nước đầu tuần này ở mức 30,4-30,6 triệu đồng mỗi tấn tại một số nơi trên Tây Nguyên. Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ giao về các kho quanh TP. HCM được giao dịch quanh mức 31-31,2 triệu đồng mỗi tấn. Lượng bán ra ít ỏi.

Nhìn theo bức tranh kỹ thuật và nếu như giá trị đồng Brl không được cải thiện một cách mạnh mẽ tuần này để ảnh hưởng xấu đến sàn robusta, giá cà phê nội địa tại các vùng nguyên liệu rất dễ quay về khu vực 30 triệu đồng mỗi tấn. Nếu vì lý do nào đó có một cuộc đảo chiều tăng lại trên sàn, dự đoán giá cà phê trong nước sẽ được dịp tăng lại nhưng chắc không quá đỉnh tuần trước là 31,8 triệu đồng mỗi tấn.

Ngoài ra, một số tin về cung-cầu có thể ảnh hưởng đến giá cà phê tuần này như sau:

Đơn vị chịu trách nhiệm công bố sản lượng nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil CONAB tuần qua dự báo rằng sản lượng cà phê niên vụ 2019/20 của nước này có thể đạt 50,9 triệu bao (60 kg x bao) giảm 17% gồm 36,9 triệu bao arabica và 13,9 triệu bao robusta, giảm 22% và 2% (tương ứng) so với niên vụ hiện hành 2018/19 (độ ảnh hưởng: trung tính).

Tổng lượng cà phê xuất khẩu Brazil trong tháng 04/19 đạt 2,717 triệu bao+30,3% so với cùng kỳ 2018. Như vậy, trong vòng 10 tháng tính đến ngày khoá sổ 30/04/19, Brazil xuất khẩu được chừng 34 triệu bao. Niên vụ cà phê Brazil được tính từ đầu tháng Bảy năm trước đến cuối tháng Sáu năm sau. Như vậy, nếu ước tính cho 2 tháng còn lại với mỗi tháng 3 triệu bao, xuất khẩu cà phê Brazil dễ dàng đạt 40 triệu bao, sẽ là niên vụ có lượng xuất khẩu cao kỷ lục mọi thời đại (độ ảnh hưởng: tiêu cực).

Thống kê của Hiệp Hội Cà Phê Nhân Mỹ (GCA) cho biết tính đến cuối tháng 04/19, lượng tồn kho cà phê khả dụng tại Bắc Mỹ đạt 380.721 tấn, tăng 14.114 tấn so với tháng trước đó (độ ảnh hưởng: tiêu cực).

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 350