(TBKTSG Online) – Mấy ngày nay báo chí và dư luận trong nước như lên cơn sốt khi các cơ quan chức năng của một tỉnh trọng điểm sản xuất cà phê bắt quả tang một doanh nghiệp kinh doanh nông sản trộn than nghiền từ pin Con Ó với các lô phế phẩm cà phê để cung ứng cho bạn hàng mua bán nguyên liệu và rang xay cà phê.
Đó là cơ sở kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh L, tỉnh Đắk Nông. Nhiều nghi vấn cho rằng bà Loan đã sử dụng lô nguyên liệu này để chế biến cà phê bột tung ra thị trường, tức trực tiếp đến miệng người uống. Nếu sự thực như thế thì quá nguy hiểm cho người tiêu dùng vì than trong pin gồm toàn những kim loại nặng và kịch độc. Độ chính xác của nguồn tin này như thế nào còn đợi các cơ quan chức năng làm rõ và vụ án đã được cơ quan công an khổi tố vào ngày hôm qua, 23-4.
Tuy nhiên, đối với thị trường mua bán cà phê, cũng nên biết rằng hiện tượng trộn nguyên liệu cà phê với các tạp chất đủ loại đã tồn tại từ lâu trên thị trường trong nước. Sau khi chọn các hột cà phê đạt chuẩn xuất khẩu, phần phế phẩm và thải loại cũng có một thị trường riêng của nó.
Thói quen mua bán nguyên liệu nhiều nơi tại Tây Nguyên vẫn còn chấp nhận một tỷ lệ phần trăm tạp chất từ 1 đến 2%. Tạp chất trong kinh doanh cà phê được định nghĩa là các thứ có liên quan đến hột cà phê như que cành, lá, vỏ trái cà phê… Nhưng ở tại nhiều địa phương, tạp chất được hiểu là tất cả những gì không phải là cà phê như đất, đá, đinh sắt, tàn thuốc… và nay có thể là “sáng kiến” đến than nghiền từ pin Con Ó!
Thật ra, chẳng qua là do người cung ứng hám lợi để lô hàng mình cân nặng hơn, không khác chi con tôm ở miền Tây bị xuyên dây kẽm lên lưng hay bơm tạp chất như là một hình thức “tăng trọng”.
Do cũng mua bán được, việc phát hiện mấy chục tấn phế phẩm cà phê tại cơ sở “chế biến” của vợ chồng bà L, là bình thường. Nhưng có vẻ dư luận muốn biết “hàng độc” này sẽ đi đâu? Một số chuyên gia ngành hàng cho rằng nếu không ngăn chặn như trường hợp “con tôm”, lượng hàng này và nhiều lô sau chủ yếu sẽ được cung ứng vào các nhà máy chế biến cà phê hòa tan hay cho bạn hàng cung ứng cho loại nhà máy này. Cũng có thể một phần nào đó được cung ứng cho các nhà rang xay nội địa hám lợi, sản xuất cà phê bột loại giả loại đểu để bán ra thị trường tiêu dùng ly cà phê trong nước.
Như vậy, nếu gặp may, lô nguyên liệu này sẽ vào các nhà chế biến cà phê hòa tan vì ở đó có máy móc làm sạch trước khi cho vào lò; nếu xui khiến vào tay các nhà rang xay đểu, người tiêu thụ lãnh đủ.
Vấn đề đáng ngại hiện nay đối với ly cà phê trong nước chính là nguyên liệu làm nên ly cà phê rất dễ bị trộn với các hóa chất, hương liệu… cấm sử dụng làm thực phẩm cho con người. Một chuyên gia ngành hàng cho rằng hiện nay nhiều nhà “rang xay cà phê” Việt Nam nhập khẩu đến ba bốn chục loại hương, phụ liệu, hóa chất (chủ yếu có xuất xứ Trung quốc) để ngâm tẩm cà phê.
Thật ra, sản xuất cà phê giả không phải đến bây giờ và chỉ tại Việt Nam mới có.
Điều lạ là khi sản lượng cà phê Việt Nam đứng thứ hai thế giới chỉ sau Brazil, có nhiều năm cung lớn hơn cầu, hàng hóa ứ đọng, tình trạng sử dụng nguyên liệu không phải là cà phê để làm nên cà phê còn phổ biến mới là lạ. Từ ngũ cốc như bắp, bột mì đến các loại hạt như hột cau, vụn bánh mì… đến cả xác cà phê (và không phải cà phê) sau khi pha xong… đều có thể trở thành nguyên liệu cho cà phê chế biến. Các chất phụ gia như mật rỉ đường, mỡ gà, bơ (butter), rượu, nước mắm, nước muối… cũng đều bị lợi dụng để pha chung với ly cà phê.
Nhưng đâu phải chỉ tại thị trường Việt Nam, ngay tại Pháp và Mỹ… cũng lưu thông các loại cà phê nhưng chẳng có tỷ lệ phần trăm cà phê nào trong đó cả.
Đơn cử ở Mỹ, hàng cà phê “không phải là cà phê” được rao bán giữa thanh thiên bạch nhật ở cuối thế kỷ XIX và đặc biệt đầu thế kỷ XX. Do giá nguyên liệu cà phê cao và nguồn nguyên liệu eo hẹp vì khó khăn trong chuyên chở hay chiến tranh, nhiều người Mỹ phải khen “cà phê” chế biến từ rễ rau diếp hoặc bột lúa mạch trộn với bơ và đường…
Hay đầu thế kỷ XX, một sản phẩm “thay thế” cà phê như cà phê mang tên Postum thịnh hành ở nhiều bang tại Mỹ. Nghe rằng thức uống này được làm bằng bột ngũ cốc, bột mì rang cháy, mật rỉ đường và các thứ phụ gia khác… và đương nhiên có trộn với tinh chất cà phê nữa.
Do nhiều người tiêu thụ cà phê Việt Nam chuộng cách uống cà phê thật đen đặc quánh và pha với đường, ba yếu tố màu đen và vị ngọt và đặc quánh dễ đánh lừa thị giác và vị giác của con người.
Để có ly cà phê đặc quánh, ngày xưa quán xá thường dùng bắp, đậu nành vì khi chín có nhiều nhựa nhưng nay thị trường có một loại phụ gia để làm cho nước ly cà phê “đứng” được. Chất này hiện nay đang được sử dụng rộng rải thoải mái trong các ly trà sữa. Chưa biết độc hại đến đâu nhưng chất làm đặc ngày nay không còn từ các loại “nông sản phụ” như trước.
Xem ra để thắng cuộc chiến chống cà phê giả càng ngày càng khó. Chung qui cũng vì hám lợi. Nhưng Pháp và Mỹ là nước tiêu thụ cà phê, nước ta là nước xuất khẩu, là người bán…Trong những ngày qua, uy tín hột cà phê Việt Nam bị giảm một phần vì tin “cà phê pin” lan mạnh không riêng gì trong nước mà trên nhiều mặt báo nước ngoài.
Không trách gì giá cà phê nguyên liệu của Việt Nam phải bán với giá rẻ nhất thế giới!
NGUYỄN QUANG BÌNH, TBKTSG online 24-4-2018
Hits: 76