(KTSG) – Cà phê robusta Việt Nam, với tư cách là nước cung ứng chủ chốt chưa ai sánh kịp, rất dễ để lỡ nhịp nếu nhà vườn và các đại lý kinh doanh theo tâm lý “mất mùa” mà quên đi cảnh tỉnh. Vì rằng nơi đây mất mùa thì nơi khác vẫn ra hàng dồi dào. Giá cà phê sàn kỳ hạn leo dốc, xuống đèo trong khi giá nội địa như phao neo ở mức cao, vì vậy nên lường trước những biến động thị trường.
Thị trường cà phê đã đưa những người quan tâm đến mặt hàng này đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từng chặp rồi từng chặp rất ngắn, giá trên cả hai thị trường kỳ hạn arabica và robusta chơi như trò của những thanh niên liều mạng chạy xe lạng lách, đánh võng.
Giá kỳ hạn leo dốc, xuống đèo
Lấy sàn robusta London cơ sở giao dịch tháng 9-2024, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng như “kim chỉ nam” cho hoạt động mua bán, để chứng minh: từ đỉnh 4.243 đô la Mỹ/tấn lập cuối tháng 4, thì ngay những ngày đầu tháng 5 đã lùi về đáy 3.191 đô la, chênh nhau trên 1.050 đô la/tấn vỏn vẹn trong vòng chín ngày giao dịch. Thế nhưng, cũng từ vực sâu ấy, giá sàn này bứt tốc vượt đỉnh cũ kia để thiết lập đỉnh mới chỉ trong vòng hai ngày của tuần đầu tháng 6 với 4.336 đô la hôm trước rồi 4.394 đô la/tấn hôm sau (6-6-2024). Nhưng cũng từ đấy, giá kỳ hạn robusta cấp tập đổ đèo với những phiên dao động cực mạnh trong từng ngày để đến ngày 14-6 chạm mức 3.965 đô la và ở mức 4.009 đô la/tấn lúc đóng cửa.
Nhìn toàn cục, ai đầu tư trên hai sàn cà phê từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 6 này đều trúng đậm: hiệu suất kinh doanh trong kỳ trên sàn arabica tăng 20% và robusta tăng 51,11%. Điều đáng ngạc nhiên với giới kinh doanh là tồn kho đạt chuẩn – loại cà phê được quyền đấu giá trên sàn – của cả hai sàn đều tăng tốt so với đầu niên vụ 2023-2024: tính đến ngày 13-6 đạt 58.840 tấn so với 42.780 tấn, và arabica đạt 48.484 tấn so với 26.517 tấn.
Các quỹ quản lý vốn (Money Management) tăng cường mua khống suốt tháng, đến ngày 13-6 lượng hợp đồng trên sàn thiên về mua ròng với robusta London là 321.690 tấn (so với cách đó một tháng là 238.490 tấn) và arabica New York 1.050.516 tấn (so với 1.006.178 tấn).
Dù thống kê của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) báo xuất khẩu cà phê toàn cầu bảy tháng đầu niên vụ hiện hành (bắt đầu từ ngày 1-10-2023) tăng 11,1% đạt gần 81 triệu bao (bao = 60 ki lô gam). Riêng xuất khẩu robusta trong kỳ báo cáo ấy đạt 29,11 triệu bao, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước chỉ 26,7 triệu bao.
Nổi như phao
Từ dưới 50 triệu đồng/tấn vào những ngày giáp hạt niên vụ 2023-2024, giá cà phê nguyên liệu trong nước không ngừng nhô lên cao vượt 100 triệu rồi có lúc ghi nhận đỉnh lịch sử 135 triệu đồng/tấn. Giá trong nước sau đó quay về 95 triệu rồi lên dần tới 125 triệu và đến 16-6 quanh mức 118-120 triệu đồng/tấn. Nhưng giá kỳ hạn dù có xuống mấy, giá cà phê nguyên liệu tại thị trường trong nước vẫn không chìm theo và có khi nhờ giá cao tại Việt Nam mà sàn kỳ hạn phải chớm tăng trở lại.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong tám tháng đầu niên vụ Việt Nam xuất khẩu các loại cà phê đạt 1,2 triệu tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2023. Một cảm giác mất mùa lớn trong niên vụ này đang bao trùm thị trường dù thị phần xuất khẩu cà phê có nguy cơ teo dần vì người mua lo các nhà xuất khẩu Việt Nam không đủ hàng giao giữa một thị trường đầy biến động và rủi ro về giá.
Tin niên vụ này cà phê Việt Nam mất mùa giảm 20% tạm thời mang lại cái lợi về giá nhưng có thể gây thiệt hại cho thị phần về lâu dài. Các nhà kinh doanh báo hiện nay họ nhảy sang mua cà phê tại Indonesia, hệ quả là giá xuất khẩu robusta của nước này đã tăng từ 650 đô la/tấn lên trên 1.000 đô la/tấn cộng trên giá niêm yết sàn London, trong khi giá xuất khẩu Việt Nam đang chào bán quanh 700-750 đô la/tấn.
Thật ra không phải do cà phê Indonesia có chất lượng tốt hơn nên giới kinh doanh nhập khẩu tăng giá mua cao hơn so với hàng từ Việt Nam. Bản thân người kinh doanh hàng hóa (commodity) thường phải chú trọng đến nguồn hàng dồi dào trước tiên. Trong thời gian này, Indonesia đang ra mùa mới nên dù giá có cao thì ít ra người mua cũng yên tâm hơn với lượng có sẵn hay chí ít có thể thay thế bằng hợp đồng với người khác nếu việc giao hàng có trục trặc.
Cho nên, có thể thấy rõ rằng lực mua xuất khẩu trong nước hiện nay không mạnh như trước nhưng giá cà phê nguyên liệu vẫn nổi như phao ở mức cao. Tới đây, cũng cần nói rằng nhà vườn cà phê Việt Nam rất chủ động về giá, thuận giá cao thì bán chơi, không hài lòng thì cho hàng “đắp mền” chờ đợi vì tin bán giá nào cũng có lời.
Những biến động cần được lường trước
Ra đường, người cẩn thận thường tránh xa các đoạn giao thông “bát nháo”, đầy kẻ phóng xe vượt ẩu… để khỏi thiệt thân. Thị trường cà phê thời gian qua và cho đến những tháng còn lại trong năm nay và kể cả năm sau cũng có nét tương đồng như vậy.
Giá cà phê kỳ hạn đã từng chứng kiến độ dao động vài ba trăm đô la trong một phiên giao dịch đã là chuyện bình thường, giá nội địa được rồi mất vài ba ngàn đồng một ki lô gam thì không khó để trưng dẫn.
Mất mùa là có thật nhưng dựa trên số thống kê xuất khẩu trong tay, thì đấy cũng là chuyện không có gì căng thẳng. Nhưng có nên giữ tâm lý chủ quan “mất mùa được giá”? Dao động cực đoan trên các thị trường hình như không cho phép trữ hàng lâu như những năm trước dù có nại lý do “nay đã thừa của ăn của để”.
Brazil đang cấp tập bán ra nhờ đồng nội tệ Reais (BRL) bị phá giá xuống mức thấp nhất tính từ 18 tháng trở lại: 1 đô la Mỹ đổi ra 5,37 BRL so với 4,75 BRL. Đồng nội tệ càng rẻ thì thu nhập của nhà vườn càng to tính trên tiền nước sản xuất. Indonesia vào mùa kinh doanh vụ mới. Ấn Độ, Uganda luôn sẵn sàng chấp nhận giá thế giới vì họ cho rằng sàn kỳ hạn đang neo giá mức cao.
Biết là thị trường nhập khẩu robusta chưa thể nào bỏ ngang cà phê từ Việt Nam vì đã sử dụng trong các mẻ rang từ hàng chục năm nay. Nhưng cần dè chừng cuộc chiến đấu giành thị phần từ các nước xuất khẩu cạnh tranh, âm thầm và tiệm tiến. Cà phê robusta Việt Nam, với tư cách là nước cung ứng chủ chốt chưa ai sánh kịp, rất dễ để lỡ nhịp nếu nhà vườn và các đại lý kinh doanh theo tâm lý “mất mùa” mà quên đi cảnh tỉnh. Nên hiểu rằng nơi đây mất mùa thì nơi khác vẫn ra hàng dồi dào.
Mặt khác, tình hình kinh tế và địa chính trị thế giới không chỉ tạo thuận lợi cho giá hàng hóa nói chung mà có thể gây khó khăn bất ngờ, đặc biệt cho thị trường cà phê nói riêng.
Giá cước vận tải biển tăng mạnh, hoàn toàn bất lợi cho cà phê Việt Nam đi xa trong thời gian này vì bất an vẫn tồn tại trên các hải trình từ Việt Nam đến các vùng tiêu thụ như Biển Đỏ chẳng hạn(1).
Cuộc đối đầu với lạm phát tại các nước tiêu thụ còn căng thẳng. Hệ quả là Mỹ vẫn chưa muốn hạ lãi suất điều hành đồng đô la Mỹ vào tháng 6-2024 như kỳ vọng, tạo thêm phần hạn chế về tín dụng và vốn thu mua. Biến động trên thị trường hàng hóa thời gian qua chao đảo đa phần vì những đồn đoán về chính sách tiền tệ từ các vùng tiêu thụ, thường là những nước giàu có và phát triển.
Nhiều đại gia rang xay đã báo với người tiêu dùng rằng họ không thể giữ mãi giá bán lẻ thấp như hiện nay mà phải tăng. Đơn cử tại Mỹ, giá cà phê nhập khẩu của nước này đã tăng 65% trong giai đoạn 2021-2023. Chính vì thế mà trong thời kỳ hày, doanh số bán hàng cà phê tại Mỹ giảm 16% về khối lượng kể từ năm 2021.
Mới đây, hãng JM Smucker (Mỹ) báo giá cà phê tăng quá mức nên giá nhập khẩu nguyên liệu cao và họ phải tăng giá bán lẻ. Nhiều đồng nghiệp của họ cũng đồng thanh lên tiếng như vậy. Nhưng điều người bán xuất khẩu cần lắng nghe là “giá cà phê cao ảnh hưởng đáng kể tỷ lệ lạm phát chung”(2).
Liệu tiếng nói này đủ để báo cho ngân hàng trung ương các nước tiêu thụ và sàn kỳ hạn phải làm gì đó để ổn định và hạ nhiệt giá cà phê, món thức uống hàng ngày không thể thiếu đối với nhiều nước?
(1) “Container rỗng bất ngờ thiếu hụt, đẩy giá cước vận tải biển tăng vọt” tại https://thesaigontimes.vn/container-rong-bat-ngo-thieu-hut-day-gia-cuoc-van-tai-bien- tang-vot/
(2) “Coffee Prices Continue to Soar as JM Smucker Warns of ‘Meaningful Inflation” tại https://www.ntd.com/coffee-prices-continue-to-soar-as-jm-smucker-warns-of-meaningful-inflation_998512.html
NGUYỄN QUANG BÌNH đăng trên TC KTSG bản in số 25-2024 ngày 20-6-24
Hits: 139