Thị trường cà phê: Thế giới có thiếu cà phê?

Niên vụ cà phê 2017-2018 vừa qua một tháng. Công việc thu hoạch đã bắt đầu tại một vài nơi trên vùng sản xuất trọng điểm Tây nguyên. Hàng thực chưa ra nhiều và lại nghe mới đây có tin mưa phùn có thể làm chậm công việc thu hái.

Cơn bão số 12 trong năm có tên Damrey sáng nay 4-11 đang đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa gây mưa to gió lớn. Dự báo sau bão 12 là một đợt áp thấp nhiệt đới đưa mưa về nhiều và ảnh hưởng ít nhiều đến vùng cà phê Tây nguyên, đặc biệt 2 tỉnh Đắc Lắc và Lâm Đồng.

Dù cà phê vụ mới không có mấy để giao dịch, thị trường trong nước vẫn chộn rộn mấy bữa nay.

“Bán hay đợi giá?”, đó là câu hỏi muôn thủa của người trồng cà phê, nhất là khi vào mùa gặp giá thị trường bất lợi.

Nhiều nơi tại Tây nguyên, giá cà phê từ 44 triệu ở những ngày đầu vụ thì nay chỉ còn quanh mức 40-41 triệu đồng mỗi tấn. Trong khi đó, giá trên sàn kỳ hạn mỗi lúc một thấp hơn.

Giá kỳ hạn robusta London, nơi các nhà kinh doanh Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu, có lúc giao dịch trong phiên đã giảm xuống mức 1830 đô la Mỹ/tấn, là mức thấp nhất tính từ tháng 8-2016 đến nay. Đóng cửa sàn này ngày 3-11-2017 chốt mức 1856 đô la/tấn, cũng là mức thấp nhất trong vòng 15 tháng. Nếu như so với giá đóng cửa ngày giao dịch đầu vụ của sàn này, tính ra giá hiện nay dưới hơn cả trăm đô la mỗi tấn vì vào ngày 2-10 giá chốt cuối cùng của sàn robusta London đạt mức 1977 đô la/tấn.

“Nông dân như chúng tôi chẳng hiểu lý do gì sao giá cà phê rớt,” ông Trần Hữu, chủ một vườn cà phê 2 héc ta tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc nói. “Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta đứng nhất thế giới, trong mười tháng đầu năm 2017 khối lượng xuất khẩu chỉ đạt 1,17 triệu tấn, giảm trên 22% so với năm ngoái, tức thị trường phải cần cà phê chứ, nhưng cớ sao giá lại rớt?”, lấy số liệu của Tổng cục Thống kê về xuất khẩu cà phê của Việt Nam, ông Hữu nói một cách rành rọt.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho rằng kết thúc niên vụ 2016-2017, xuất khẩu cà phê robusta trên toàn cầu giảm 9,2% tương đương với giảm 328.800 tấn do hai nước xuất khẩu hàng đầu là Việt Nam và Brazil không bán mạnh.

“Đúng là nghịch lý! Cà phê ít lưu thông, giá vẫn rớt. Đó chính là điều làm cho người trồng cà phê hoang mang nhất là khi đang chuẩn bị vào chính vụ,” một chuyên gia ngành hàng trăn trở.

Dù cà phê robusta ít được xuất bán trên thị trường ở niên vụ vừa qua do Việt Nam và Brazil đều mất mùa, lượng hàng thiếu được các nước xuất khẩu arabica cung cấp bù số robusta thiếu hụt.

ICO còn cho hay rằng dù khối lượng xuất khẩu robusta giảm, tổng lượng xuất khẩu cà phê toàn cầu không những không giảm mà còn tăng. Cả niên vụ 2016-2017, thế giới xuất khẩu được 122,45 triệu bao cà phê (60 kg x bao) tăng 4,8% so với năm trước. Như vậy. “bà con cứ tin rằng sản lượng cà phê arabica ở đâu đó đang tăng dần và sẵn sàng ‘trám’ nhưng nơi thiếu robusta,” vị chuyên gia nói.

Thế giới tiêu thụ hai loại cà phê chính, đó là arabica và robusta. Arabica chiếm phần nhiều với chừng 2/3 lượng xuất khẩu. Robusta là loại cà phê được sử dụng để phối trộn và dùng để chế biến cà phê hòa tan.

NGUYỄN QUANG BÌNH

Hits: 28