Tại sao cha mẹ và học sinh cứ đòi bỏ trường mà đi…

Sau đây là bài viết tham gia mục “nên cho con học trường nào, công lập, quốc té hay trường tư” trên “www.thesaigontimes.vn” với nhan đề: “Tại sao cha mẹ và học sinh cứ đòi bỏ trường mà đi…”

Tôi lại có cái nhìn hơi giống bạn Khải Thư nhưng cách đặt vấn đề có khác.

Tại sao ta không sẵn sàng chấp nhận con số 100% giỏi, 100% đậu tốt nghiệp mà cứ đổ tôi cho các con số ấy là “bệnh thành tích” nhỉ? Vấn đề là con số ấy phải phản ánh trung thực công việc đã làm của thầy và trò trong lớp, trong trường. Nếu nó giả tạo, thì không phải chính con trẻ gây nên mà chính người lớn, là chúng ta bày dạy cho con trẻ.

Bạn Khải Thư cứ nghĩ mà xem: khi con chúng ta còn nhỏ, cứ một lần nó vấp té, thay vì ta nói rõ đích thị là sự bất cẩn của nó, thì ta cứ đổ lỗi cho cục đá, cái góc giường…

Bạn có nhắc chuyện cách dây mấy năm, khi ngành giáo dục đưa chuyện thi nghiêm chấm nghiêm…trong một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, các cháu rơi lả tả; còn năm nay buông thả, các cháu có tỉ lệ đậu cao. Chuyện ấy là chuyện người lớn đặt ra. Tôi không đồng tình cách đặt vấn đề theo cách đó vì như thế ta không tôn trọng sức bỏ ra của nhiều con em lấy sức mình là chính để “vượt cạn” lần đầu tiên trong cuộc đời của chúng. Tôi tin có nhiều cháu đã bỏ ăn bỏ ngủ để học và làm bài nghiêm túc và nhận bằng tú tài lần này là xứng đáng. Còn chuyện xem thường trong đánh giá, coi nhẹ đợt thi tốt nghiệp, tại một vùng nào đó thầy cô dàn xếp “tỉ số” giữa các tỉnh với nhau, đó chính là lỗi của người lớn, của thầy cô, chứ đừng trách các cháu. Có đáng trách chăng, là trách chính người lớn chúng ta.

Thử hỏi bạn Khải Thư, có ai hiện nay đang nghĩ về những cháu đã rớt trong đợt thi cách đây mấy năm khi ngành giáo dục “siết” mạnh vì phong trào “nghiêm túc” ấy không? Bây giờ mấy mươi phần trăm học sinh rớt ấy đang làm gì, có đứa nào xẩy chân và chỗ xấu không, xã hội tiếp nhận chúng thế nào, v.v…và v.v….hay các thầy cô và xã hội đã đưa đợt thi ấy vào quên lãng…Thế mới thấy một động tác trong giáo dục nó ảnh hưởng như thế nào đến con trẻ. Chắc gì một cháu năm nay thi đậu tốt nghiệp đã bằng cháu “xém đậu” trong kỳ thi ấy?

Tôi nghĩ các cô các thầy và ngành giáo dục không ơ hờ chuyện này và chính họ sau này phải “uốn lưỡi bảy lần” mỗi khi quyết định sinh mệnh của một học sinh, chứ đừng nói hàng ngàn hàng ngàn học sinh đã rớt đợt thi ấy.

Trong trường học, tạo ra các phong trào để rèn luyện học sinh là rất quan trọng. Tất cả các phong trào trí, văn, thể, mỹ…đều nhằm xây dựng cho học sinh trường mình, thế hệ mình thành chủ nhân ông của ngày mai. Tất nhiên, nhiều phong trào sẽ chóng qua. Nhưng “đánh giá, xét chuẩn mực” dù ở cấp độ nào đi nữa cũng không thể là một phong trào chóng tàn như cơn gió thỏang qua. Nếu xem nhẹ chuyện đánh giá, xét chuẩn trong giáo dục sẽ tạo cho học sinh cái cảm giác “bơi không biết đích” …và chính điều ấy đã tạo chỗ lách cho một bộ phận trong ngành giáo dục mạnh tay “thương mại hóa” học đường.

Bao lâu nhà trường ta nghiêm túc trong chuyện đánh giá, thì bấy lâu ta tin sẽ có những con người tốt cho tương lai mai sau. Bao lâu ta đùa cợt với một mẫu hình, chuẩn mực, chưa có mẫu hình con người của tương lai…thì bấy lâu ta cứ hì hà hì hục mãi trong thực nghiệm và “thử sai làm lại” dài dài…Bao lâu thầy cô có công bằng trong lời nói, việc làm thì bấy lâu học trò và cha mẹ không có cớ gì để bỏ trường mà đi…

NGUYỄN QUANG BÌNH

Hits: 69