Con người nào cho một thành phố thông minh?

nguyễn quang bình

(TBKTSG) – Sống qua càng nhiều thời đại văn minh, chắc tâm lý bạn bè cũng giống mình thôi: mỗi lúc mỗi có cảm giác “vô thường”, nói như ngôn ngữ nhà Phật, vừa chóng qua vừa không thấy có gì bền vững ở cái chốn ta bà này.

Nói thời nói vậy, ai cũng phải lo toan, cũng phải sống với cõi đời này và cuộc đời mình.

Ngay như hành động biến hột gạo thành cơm, bạn trẻ thành phố thời nay không thể tưởng tượng rằng để có chén cơm chín, con người ta đã từng thử qua biết bao “công nghệ”: từ đốt rơm rạ lấy từ thân cây nuôi hột lúa ấy, nhóm bằng than củi chở từ rừng về, cho tới giai đoạn đốt bằng dầu lửa, nay nấu bằng bếp điện, bếp ga, bếp từ, lò vi sóng… Không bao lâu nữa, con người không phải mệt để dụng công nấu nướng mà chỉ cần cài chương trình cho “ô-sin” robot, nhấn nút điều khiển từ xa cài trên điện thoại thông minh (smartphone), mọi thứ đều giải quyết xong, cơm đưa lên miệng, đôi khi không chỉ chén cơm mà cả bữa ăn thịnh soạn.

Nói thẳng rằng đời sống hiện đại không thể tách rời trí tuệ nhân tạo (AI). Dù có từ chối, không thích “trầm luân” với nó, thì lúc này lúc khác phải cần đến nó.

Trước đây, khi xã hội của nền sản xuất dây chuyền, sản xuất hàng loạt mới bắt đầu thuở khai sinh, cũng có nhiều người từng “dị ứng” chung sống với nó, sợ rằng con người quá lụy vào kỹ thuật mà mất đi nhân tính, thì nay xét lại quý vị ấy đã lo quá xa: ô tô, máy bay, tàu lặn, tiện nghi vật chất không thiếu món gì, giá càng lúc càng rẻ để phục vụ cuộc sống con người. Chưa yên tâm đến sự “ổn định” của cách sống cũ, thoắt một cái nay lại chuẩn bị bước qua sống với thành phố thông minh rồi! Từ mấy năm nay, cả thế giới dường như đang tích cực xây dựng đất nước thông minh, thành phố thông minh.

Tuy nhiên, thành phố thông minh không chỉ được giải quyết bằng các giải pháp kỹ thuật. Trong chuyện “đi lên” thành phố thông minh có lẽ một yếu tố căn bản và hết sức quan trọng là xây dựng con người – con người với lối sống, văn hóa và nền tảng giáo dục nhân bản.

Nền tảng cơ bản để một công dân thông minh sống được trong một thành phố thông minh là họ trước tiên phải biết “sống” như thế nào, mà theo đó sự giáo dục họ được trang bị và trau dồi phải là kỹ năng sống chứ không chỉ thủ đắc các kiến thức, cách thức tính toán và kể cả ngành nghề được học để làm việc.

Cái lo ngại của sống gấp sống vội như nhiều bậc thức giả ở xã hội “cũ” đã từng lên tiếng, thì đó phải chăng là cái nhìn thấy trước cho học trò của thành phố thông minh: được sống giữa các tiện nghi tự động và kỹ thuật chính xác, anh không thể liên tục lặp lại sai lầm. Một xử lý thiếu chuẩn có thể trở thành một sai lầm không chỉ bản thân họ chịu mà một cộng đồng nhỏ hoặc to đều gánh. Chính vì vậy, lớp học và người thầy không ngại cho học trò đối đầu với các sai lầm kể cả trong suy nghĩ cũng như về thao tác kỹ thuật, giúp học trò bình tâm tự mình xử lý tình huống.

Giả sử tập hợp các tri thức của một thành phố thông minh là đỉnh cao trí tuệ loài người (ít ra đến giai đoạn đấy), thì đó phải trở thành cái “biển tuệ” như cách nói của nhà Phật, chứ không phải vì bằng cấp này học vị kia. Sống giữa một môi trường “thông minh” về kỹ thuật, công nghệ, nếu không chấp nhận các thay đổi, cập nhật, không xem “biển học là vô bờ”, thì tâm lý công dân sẽ choáng ngợp và dễ bị cuốn hút vào các “bến mê” vô thường mà không định được đâu là chỗ đậu của cái “thường hằng”, là cuộc sống thực của mình và của người chung quanh.

Như vậy, một nền giáo dục cho thành phố thông minh xem ra có đòi hỏi khác. Tri thức, cái “chuyên” trong cả kiến thức lẫn nghề nghiệp, công việc tự học và rèn luyện để nâng cao kỹ năng sống là một chuyện, cái “hồng” chính là hướng học trò về các mục tiêu văn minh, đất nước văn minh, thế giới văn minh. Nhà trường bấy giờ phải thực sự “dạy người” chứ không chỉ “dạy chữ” theo kiểu cũ. Dạy “người” với quanh đó là gia đình, tiêu thụ sản phẩm vật chất và phi vật chất, truyền thông đa phương tiện, Internet…, bất kỳ cái gì có ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của cá nhân công dân.

Đó không chỉ là một áp lực mà là một chuẩn bị cần thiết cho bước đi lên tất yếu của một thành phố thông minh. Hay nói đúng hơn, mỗi người không chỉ sống cho thành phố thông minh của mình mà cho cả thế giới con người văn minh ngày mai.

NGUYỄN QUANG BÌNH

trên TBKTSG 12-4-2018

Hits: 76