Đổi mới nguồn lực nhà trường trước yêu cầu mới của doanh nghiệp

TÓM TẮT:

Những điều tưởng như giản đơn hay từ lâu  “đổi mới” đã trở thành giáo điều nay cần xới lại. Đặt lại vấn để đổi mới nguồn lực nhà trường chưa bao giờ cũ. Đồng thời bài viết xin gợi ý một mô hình “sáp nhập” để tăng cường nguồn lực giữa các cơ sở đào tạo nhằm phục vụ cho yêu cầu mới của nền kinh tế hiện nay và tiết kiệm nguồn lực đào tạo cho xã hội

==

Nếu lấy phương châm “xã hội hóa” để tạo nguồn lực phát triển cho bản thân ngành giáo dục, thì thị trường lao động là một đầu ra quan trọng cho bất kỳ nền giáo dục nào, dù nước tiên tiến hay đang phát triển.

Xã hội hóa giáo dục và “đầu ra” của nhà trường

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xã hội hóa giáo dục, hình như nhiều nhà trường chỉ tính chuyện “đầu vào”, làm sao thu hút càng nhiều càng tốt các lực lượng vật chất và tinh thần vào cho nhà trường, “thu được nhiều tiền vào làm trường, kéo được nhiều người vào nhà trường làm giáo dục”, chứ chưa ý thức hết được nhiệm vụ chính của nhà trường là “làm giáo dục cho xã hội, chỗ nào cũng làm giáo dục, ai cũng làm giáo dục…” (1) và như thế “đầu ra” chưa được chú trọng đúng mức.

Hình như đến nay chưa có một cuộc khảo sát về nhu cầu nhân lực nào được xem là bài bản và nghiêm túc để khả dĩ định lượng được xã hội hiện đại nước ta đang cần bao nhiêu thầy, bao nhiêu thợ, mở rộng ra thêm chút nữa, các nước ASEAN cần gì ở nền giáo dục Việt Nam và con người được đào tạo bởi nền giáo dục Việt Nam, chứ chưa dám nói đến chuyện hội nhập thế giới, đang gõ cửa nhà trường của ta hàng ngày hàng giờ.

Khi nói đến nhu cầu nhân lực, người ta thường phân biệt nhu cầu nhân lực phổ thông và nhu cầu nhân lực có đào tạo, có trình độ. Lao động được đào tạo bài bản là một người có tay nghề cơ bản, có thể đảm đương công việc của anh ta đã được đào tạo trong nhà trường. Có được một người lao động như thế, con đường của nhà trường không gì khác là gắn kết với thực tế, phù hợp với công việc xã hội cần và phân công. Thực ra, yêu cầu này không có gì cao xa để nhà trường phải ngại và cho rằng đấy là mục đích xa vời. Trong lý thuyết tiếp thị, “bán cái gì khách hàng cần chứ không bán cái mình có”, nếu áp dụng lý thuyết này ở đây, ta thấy  thị trường lao động, nhu cầu nhân lực trong xã hội đang đòi hỏi nhà trường phải bước ra khỏi bốn bức tường của mình biết chừng nào!

Đổi mới nguồn lực nhà trường

Điều đơn giản như thế: “nhân lực sử dụng được” cứ tưởng dễ nhưng thực tế không dễ chút nào.

Muốn được như thế, nhà trường hiện nay phải giải quyết cho được 3 vần đề:

 

  1. Con người làm giáo dục, bao gồm từ các bộ quản lý đến giáo viên phải được gắn kết với thực tiễn, thực tế cuộc sống và nghề nghiệp. Dù giáo viên đã được đào tạo chính qui nhưng không tiếp xúc, tiếp thu thực tế sẽ rất khó để thực hiện mục tiêu đào tạo để phục vụ cho các nhu cầu nhân lực hiện nay và về sau. Ngoài việc giáo viên phải được đào tạo cơ bản và bài bản, có kiến thức vững vàng và nghệ thuật sự phạm, họ còn được yếu cầu phải có tư tưởng cập nhật, đổi mới liên tục trong giảng dạy. Thế giới chưa bao giờ chứng kiến một cuộc cách mạng khoa học-công nghệ phát triển từng ngày từng giờ như hiện nay, những tiến bộ và phát triển ấy lại từng ngày từng giờ được áp dụng vào trong cuộc sống thường nhật mà ai ai cũng nhận biết điều đó, thật khó cho một người đứng lớp để quên “cái cặp thực tế” ở nhà, ở đây chúng tôi muốn nói rằng dù có lãng tránh thực tế, thì những thay đổi chung quanh cũng bắt người giáo viên phải “chạy” theo nếu anh ta không ở thế chủ động.

Tuy nhiên, giáo viên tốt nhưng cấp quản lý không theo kịp, hay kể cả vì lý do gì đó như thiếu nguồn lực tài chính…để tách đào tạo khỏi thực tế thì cũng chỉ chuốc thất bại. Nhà quản lý giáo dục cũng phải được đào tạo theo cách ấy và phải có các nhìn, tầm nhìn theo hướng ấy (2).

  1. Cơ sở vật chất:

-Môi trường học, chỗ học, cơ sở đào tạo theo yêu cầu này phải làm sao cho “trường ra trường, lớp ra lớp”, nơi học phải văn minh lịch sự, yêu cầu cơ sở vật chất căn bản không thể thiếu phòng thí nghiệm, không có nơi thực tập thực hành nghề nghiệp, thì chất lượng sẽ không đi đến đâu và thành què quặc.

-Với yêu cầu trên, phần mua sắm trang thiết bị giảng dạy và học tập là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nhiều trường ở nước ta hiện nay hoặc đặt nhẹ chuyện này hoặc “với tay không tới” do kinh phí nhà trường chịu không xuể. Cần có một chính sách hỗ trợ tích cực từ phía nhà nước để nhà trường có đủ thiết bị bảo đảm đào tạo ra người lành nghề cho xã hội. Nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực sẽ không đi tới đâu và chắc chắn không thành công, như kết quả bấy lâu có quá nhiều thạc sĩ, cử nhân và giới trẻ thất nghiệp vì học xong rồi không biết mình học gì và cầm tấm bằng ra trường làm cái gì, nghề gì. Một phòng thí nghiệm cho ra hồn cũng phải tốn của mỗi trường hàng trăm tỉ đồng, rõ ràng những trường tư không biết kiếm đâu ra chừng ấy vốn trong thời buổi khó khăn hiện nay.

Nhưng có phòng thí nghiệm chưa đủ, phải có cán bộ phụ trách phòng thí nghiệm, các chủ đề tài , những cán bộ chuyên môn hướng dẫn, tạo mẫu, tạo mô hình, không chỉ trong các ngành khoa học thực nghiệm mà còn trong các ngành khoa học xã hội nhân văn, kinh tế…như trong ngành ngân hàng, làm sao cho sinh viên thực tập các mô hình tổ chức tín dụng…

Để được vậy, không thể có con đường nào khác bằng cách xây dựng nhà trường theo hướng gắn với các xí nghiệp, không phải chỉ quan hệ suông, cho có mà bài giảng của giáo viên phải phản ánh các hoạt động thực tế của ngành liên kết đào tạo. Thông qua bài giảng, thực tế và thực tiễn sinh động cuôc sống và nghề nghiệp được lồng vào trong bài học, từ đó sinh viên mới quay về với cuộc sống nghề nghiệp, trí tuệ và tính độc lập sáng tạo của họ mới được kích thích, khi được kích thích, họ sẽ hăng say tham gia thảo luận và làm nghiên cứu khoa học.

  1. Chương trình đào tạo: Hội nhập gõ cửa nhưng có phải vội vã để ai nói sao nghe vậy? Đúng là không nên quá hăm hở với các chương trình “nhập khẩu” mà không chịu gia cố gia công với các thực tế sống động của đất nước, xã hội mình. Từ lâu, chúng ta cổ súy cho một chương trình dạy học tinh giản, giảng dạy gắn kết giữa kiến thức với thực hành.

Nên chăng, đào tạo sao để đất nước có những con người mới, học ít hiểu nhiều, rành nghề kỹ thuật, tham gia lao động với các doanh nghiệp, công nông trường, làm sao khi thực tập, sinh viên có lương để thấy quí trọng đồng tiền.

Mô hình kết hợp mới hiện nay ở châu Âu

Đứng trước tình trạng thất nghiệp đầy rẫy, kiến thức và thực hành của sinh viên ra trường chưa thỏa mãn được nhu cầu của thị trường lao động ngày càng yêu cầu cao hiện nay, một mô hình kết hợp trong nội bộ các nhà trường đang được một số nước châu Âu rầm rộ thử nghiệm: kết hợp giữa các trường doanh thương với trường đào tạo nghề kỹ thuật. Chúng tôi mạo muôi đưa ra mô hình này như là một gợi ý nghiên cứu, tìm hướng liên kết đào tạo trong khi nguồn lực tài chính và khả năng “mất mùa” tuyển sinh của các trường hệ cao đẳng và trung cấp của cả hai phía doanh thương và nghề kỹ thuật trong bối cảnh cải tổ giáo dục.

Đúng vậy, hiện nay, giáo dục tại một số nước Âu Mỹ đang có phong trào kết hợp các trường đào tạo nghể kỹ thuật với các trường doanh thương. Đây được xem là một mô hình mới, tiết kiệm chương trình đào tạo và hỗ trợ nhau trong các phương tiện giảng dạy.

Trong thời đại ngày nay, sáng kiến dựa trên cơ sở kỹ thuật chính là động lực phát triển kinh tế xã hội hiện đại. Vậy cho nên các doanh nghiệp cố tìm các phương cách, mô hình để thực hiện cho được yêu cầu thực tại ấy-hình thức tối ưu đang được các nước tiên tiến tìm hiểu và áp dụng đó là đào tạo vừa con người sao cho anh ta vừa là nhà kỹ thuật vừa là nhà quản trị. Liên kết giữa các trường doanh thương và trường đào tạo nghề kỹ thuật đang trở thành mẫu hình thời thượng hiện nay tại Âu Mỹ. Hai phía cố xích lại gần nhau, gắn kết với nhau để làm sao bảo đảm được các chuẩn mực càng lúc càng khắt khe của nền kinh tế khu vực và thế giới. Tuy nhiên có người lại phản bác ý tưởng này vì có quá nhiều trắc trở và cạm bẫy để ngăn cản sự se duyên này vì “đối tượng” giáo dục quá khác xa nhau. Dù sao nhu cầu thực tế đã thúc đẩy để hai bên càng lúc càng cần có nhau.

Nhu cầu và đòi hỏi thực của doanh nghiệp

Thời đại ngày nay một kỹ sư nghề kỹ thuật khó thành công khi kiếm việc nếu như không biết gì về quản trị. Xin đứng chân trong một xí nghiệp, người kỹ sư không chỉ rành rọt sản phẩm của mình chế tạo mà còn phải nắm bắt các nhu cầu, thị hiếu, khuynh hướng tiêu thụ…

Khi có nhu cầu nhận người, thường nhiều doanh nghiệp nói thẳng các yêu cầu của mình đối với người xin việc, vừa phải rành nghề kỹ thuật nhưng lại phải biết quản trị. Do vậy, nhiều kỹ sư lại phải học thêm một bằng thứ hai về quản trị. Tốn công tốn của, mất thì giờ, các trường doanh thương và đào tạo nghề vì thế phải kết hợp với nhau để xây dựng thành một chương trình đào tạo chung. Từ đó mối liên kết đồng minh chiến lược giữa các trường cần nhau ra đời: tiết kiệm, thoả mãn được nhu cầu doanh nghiệp, vừa sâu vừa rộng, vừa là nhà quản trị vừa là chuyên gia. Phong trào này càng lúc càng mạnh, đến nỗi các ngành kỹ thuật số và công nghệ phải xới lại miếng đất nếu như ngày xưa chỉ “độc canh” thì nay làm sao phải tạo lại mô hình để đáp ứng các đòi hỏi kiến thức, càng lúc càng muôn màu muôn vẻ nhưng lại có khả năng bổ sung cho nhau (3).

Rõ ràng mô hình kinh tế thời nay của tất cả các trường nghề kỹ thuật đang bị đặt thành nghi vấn. Thoát khỏi tháp ngà trông ra thế giới dần dần quyết định sự sống còn của các trường đại học hay cao đẳng ứng dụng loại này.

Nhiều nước thuộc Liên minh Châu Âu đang nghiên cứu và ký hợp đồng với các doanh nghiệp để áp dụng mô hình đào tạo này, không chỉ nghiên cứu để xem nếu đào tạo theo cách này, nhà nước có lợi gì về phía chi phí đào tạo trên một đầu sinh viên và doanh nghiệp lợi bao nhiêu khi sinh viên ra trường-người nhận việc vừa có tay nghề kỹ thuật vừa có kiến thức thực hành doanh thương.

Sài gòn 2015

Tài liệu tham khảo

(1) Xuân Trung, “Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nghĩ gì về xã hội hóa giáo dục?”, Báo Giáo dục Việt Nam điện tử, 28/04/2015, trong “http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thu-truong-Nguyen-Vinh-Hien-nghi-gi-ve-xa-hoi-hoa-giao-duc-post157778.gd”.

(2) Trần Hành và Nguyễn Quang Bình, “Đòi hỏi mới trong đào tạo nguồn nhân lực”, Tham luận tại Hội thảo Khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết đào tạo giữa Nhà trường và Doanh nghiệp tại TPHCM”, trường HOTEC, ngày 30-5-2015.

(3) Patrick Arnoux, “Business modèle des écoles d’ingénieurs, de l’artisanat à la grande série”, Le Nouvel Economiste điện tử, 15-5-2015, trong “http://www.lenouveleconomiste.fr/lesdossiers/business-modele-des-ecoles-dingenieurs-de-lartisanat-a-la-grande-serie-27065/

Hits: 34