Biết truyền thuyết không phải là lịch sử, nhưng xét về khía cạnh tình cảm, tâm lý dân thường dễ nhầm nó với truyện lịch sử. Truyền thuyết đôi khi là cách nói bóng gió, hình thức biểu đạt một thực tế. Nhưng có thể do người kể xưa không tiện dùng chuỗi sự kiện như trong khoa học lịch sử, nên có nhiều truyện tuy là truyền thuyết vẫn không xa mấy với đời thường.
Truyện hai vị Sơn Tinh và Thủy Tinh là bài học đẹp trong tâm hồn tôi từ khi còn ngồi ghế tiểu học. Công chúa Mị Nương xinh nhất trần gian được vua Hùng Vương thứ 18 cưng chiều một mực. Muốn cưới được nàng, hai vị kỳ phùng địch thủ này phải trải qua một trận thách đấu sống còn. Sơn Tinh là thần núi, Thủy Tinh là thần nước, hô phong hoán vũ, dời non lấp biển… cuối cùng phần thắng thuộc về thần núi.
Truyền thuyết và chuyện ngày xưa là thế. Dân ta sống ven sông Hồng và đồng bằng Bắc bộ năm nào cũng đắp đê ngăn lụt. Miễn sống qua khỏi mùa lũ chứ thời gian đâu để nghĩ đến chuyện quy hoạch, huống chi là tính đồng bộ! Nếu như đem truyền thuyết này về thăm dò ở đồng bằng sông Cửu Long, chắc là tình cảm các cháu ở vùng sông nước ấy sẽ không dạt dào như nhiều bạn đồng lứa tại miền bắc. Vì trong ấy sẵn sàng sống chung với lũ. Cái vế thực tế của truyền thuyết Sơn Tinh và Thủy Tinh nằm ở chỗ này.
Nhưng nét tinh tế nhất của truyện là cách chọn chữ với ý nghĩa rất mập mờ hàng hai cho nhị vị thần núi thuộc dương, thần nước thuộc âm. “Tinh” được sách vở cắt nghĩa là thần nhưng thần cũng có hung thần và hiền thần. Suy cho cùng, vì ước muốn chiếm được người đẹp Mị Nương, có khi các vị thần này tung nhiều chiêu tinh quái để giành phần thắng. Đó là chưa kể có khi vì mê muội sắc đẹp, hai bên phải tung âm binh dương khí để đối phó nhau. Giả sử như Mị Nương được ngồi “chứng mục”, chắc chắn cũng phải xây xẩm mặt mày hồn xiêu phách lạc.
Xưa mới chỉ xuất hiện hai ông tinh mà đã làm long trời lở đất. Bài học chỉ vì thích sắc đẹp Mị Nương hoặc mong nàng sung sướng hạnh phúc hơn khi về ở với mình mà khi xây lúc chống, khi nâng lúc hạ, chẳng theo trật tự, quy hoạch gì, chẳng quan tâm đến tính đồng bộ như đã len vào tập tính của chúng ta.
Nay lượng ông tinh xuất hiện đếm không xuể, nhiều ông tinh quái biến hóa khôn lường không dễ tìm dấu vết.
Ngay cả chuyện hút trộm cát từ Bắc chí Nam, từ sông nằm sâu “trong bụng Mị Nương” đến tận biển đảo xa, nhiều vụ vẫn còn nằm trong giai đoạn nghi án, dù đã kéo dài cả chục năm nay. Có những công trình lấn biển một thời được cho là để xây khu dân cư sang trọng, lấy núi lấp bờ để thành những nơi nghỉ mát nghe rất vang. Mấy “ông tinh” mới đâu cần quan tâm chuyện cũ, cho phép đưa hàng chục tàu hút cát, hàng ngày rù rù hút cả chục tiếng đồng hồ liên tục. Một công trình lấn biển với khu biệt thự đẹp như mơ ở phía cực Nam đường Trần Phú thuộc thành phố Nha Trang nay có nguy cơ sụt lở đất vì ông tinh trước cấp quyền lấn biển, ông tinh sau cấp lệnh cho phép hút cát ngay miệng sông cửa Bé, là nơi “đảo ngọc” ấy được quy hoạch xây dựng. Nhiều căn nhà sang trọng nay do bị rút cát, chân nền nhà yếu nứt nẻ, có nhà phải mua đất từ bên ngoài vào lấp lại!
Sơn Tinh và Thủy Tinh xưa là chuyện từ trí tưởng tượng. Nay sao mà nhan nhản đâu cũng thấy mặt, tinh tinh quái quái! Ở thành phố tôi, chỉ trong vòng mươi mười lăm năm, nhiều nhà mặt tiền biến thành ao nước vì tự nhiên có vị “Sơn Tinh” tự hứng bắt quy hoạch xây lộ. Lắm con đường trong phố nay cao như đê Yên Phụ, chắn dòng ngăn thoát.
Còn nhiều ông tinh ông tướng ở những nơi khác nữa. Nhiều ông đòi phá rừng xây đập thủy điện, đất động ầm ầm… chưa ai nói thủng.
Quá sợ mấy ông rồi, các vị Sơn Tinh Thủy Tinh ơi, chỉnh giùm cho với!
NGUYỄN QUANG BÌNH, đã đăng trên TBKTSG 27-4-2017, trang 38
Hits: 100