Lứa anh em bạn bè tôi nay đều trên lục tuần, thậm chí có ông bảy chục tuổi ngoài, nhiều người thành danh nhưng cũng không thiếu anh ít may mắn trong sự nghiệp. Thế mà hễ ngồi với nhau, nhiều ông vẫn cứ đưa kết quả học tập thời tiểu học trường làng “mày dở tao hay” coi chuyện hơn thua như cứu cánh ở đời.
Đều như thế cả sao? Khi ai nói xứ mình thua nước người ở lãnh vực nào đó, như Campuchia có nhãn hiệu xe ô tô riêng so với mình, trước từng có nay vẫn giậm chân tại chỗ, thì khiến lòng áy náy!
Xót ruột hơn khi liên tiếp mấy năm gần đây người ta cứ đem lĩnh vực kinh tế của Việt Nam ra so sánh với Lào và Campuchia… Lo sốt vó nữa nếu nghe đến xếp hạng “Chỉ số tự do kinh tế 2018” của Quỹ Heritage ở Washington (Mỹ) công bố trước Tết Mậu Tuất. Báo cáo phân hạng này nói rõ rằng Việt Nam đứng hạng 141/180, nằm dưới điểm bình quân của khu vực và thế giới về các chỉ số tự do kinh tế. Càng lắm tâm tư khi nghe trong 43 nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 35, sau nhiều nước mà trước đây mình cứ tưởng phải hơn họ như Lào đứng thứ 34, Myanmar thứ 33 và Campuchia thứ 22.
Thấy ra chuyện hơn thua là quan trọng nhưng phát hiện rồi để đấy, tệ hơn chỉ để than thân trách phận, mà không chịu khó tìm ra các nguyên do vì sao bạn bè hơn mình thì thà theo “chủ nghĩa tam vô”: không nghe, không biết, không thấy đôi khi còn nhẹ bụng hơn.
Ngay như thị trường bán lẻ ngày càng bị nước ngoài lấn sân, nhiều nhà quản lý và chuyên gia thấy từ lâu, nhưng vẫn phải bó tay và tình hình hầu như khó bề cải thiện. Nếu do cơ chế, thể chế gì đó thì người trong cuộc cũng nên nói thẳng với nhau rằng đâu phải vì hàng tiêu dùng giá rẻ giá đắt trước mắt, mà cả một nền sản xuất, lưu thông nằm ở đó chứ!
Không phải lo người Thái, người Nhật, người Hàn… đang lấn át các vị trí, diện tích đắc địa tại các thành phố, thị xã trong nước. Cái đáng sợ hơn là hàng hóa nội địa bị loại dần khỏi hệ thống lưu thông, lon bia hũ mắm cuối cùng phải phụ thuộc vào nguồn cung ứng nước ngoài.
Văn hóa mua sắm nay đã khác xa, lịch sự và văn minh gấp bội lần, nhưng hệ thống phân phối hàng hóa tiêu dùng đang phải trả giá: chợ truyền thống và các tiệm tạp hóa mỗi ngày một teo tóp. Nhưng vì văn minh lịch sự mà phải tiêu thụ hàng nước ngoài, lon nước ngọt, cái bấm móng tay… không phải “made in Vietnam” thì có sướng chi, văn minh gấp chục lần vẫn thấy không an.
Phát hiện nguy cơ nước ngoài chiếm lĩnh hệ thống phân phối và thị trường nội địa, nhiều nhà quản lý và chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp thích hợp thì nền sản xuất hàng hóa tiêu dùng Việt Nam mới có cơ may tồn tại.
Lâu rồi mới gặp một số ông bạn Thái Lan đã từng lăn lộn với thị trường nông sản và vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Họ nhắc mới nhớ rằng thoạt đầu họ qua đây, những năm cuối cùng của thập niên 1980, bao giờ cũng có các ngân hàng của họ đi theo để hỗ trợ và bảo vệ họ. Đúng thế, một thời ngân hàng thương mại Siam (Siam Commercial Bank) rồi ngân hàng Bangkok (Bangkok Bank) mở chi nhánh ngay tại các con đường đắt giá nhất TPHCM để yểm trợ và đồng hành, chia sẻ các thông tin rủi ro với những nhà kinh doanh Thái ở Việt Nam, bấy giờ chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi đó, ít có ngân hàng Việt Nam nào rộng tay cho vay sản xuất hàng tiêu dùng, vốn hoạt động chủ yếu đều từ túi của nhà sản xuất. Cơ chế xin cho, cấp tín dụng và rồi thói lại quả, không ít cán bộ ngân hàng thích giàu nhanh, thích chơi với các đại gia thay vì người sản xuất nhỏ lẻ.
Nếu như là nhân viên ở các siêu thị, hệ thống các cửa hàng tiện lợi, ắt sẽ thấy nhiều tốp năm tốp ba người nước ngoài đến các cửa hàng lớn nhỏ thăm chơi chụp hình, nhiều khi ngồi quan sát nhiều giờ. Họ theo dõi từ cách xếp đặt hàng hóa, lứa tuổi nào thích mua gì, trai muốn ăn gì, gái muốn uống chi, người trong vùng thích màu gì chủ đạo… Tất cả thị hiếu, thói quen tiêu dùng đều được ghi nhận để chuẩn bị cho những cuộc đổ bộ rõ ràng không phải một vài tháng mà chiến lược cho cả hàng chục năm về sau.
Để thu hút khách hàng, họ liên tục tung ra các chính sách khuyến mãi, khuyến giá chứ không tìm cách chặt chém kiểu “ăn xổi ở thì” như nhiều quán xá của ta. Họ khuyến mãi vì sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp mình hơn là giải phóng hàng ế.
Một khác biệt nữa là các nhà quản lý của họ không quản khó nhọc, sẵn sàng làm những việc nhỏ nhặt nhất để hiểu việc, hiểu người làm và khách hàng. Đối với họ, quan hệ với khách hàng càng riêng tư càng tạo thêm hiệu quả kinh tế.
Chỉ một số điểm khác biệt ấy giữa cách làm của doanh nghiệp ta và của Thái Lan, nước thường hay được anh em doanh nhân đưa ra so sánh, có thể hiểu vì sao bạn bè hơn mình. Thay đổi cách làm chính là biện pháp thu ngắn cách biệt.
NGUYỄN QUANG BÌNH, trên TBKTSG 30-3-2018
Hits: 188