Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 14-18/01/19: Giá London tiếp tục hoạt động theo hướng tích luỹ.
Đồn đoán về chuyện Mỹ và Trung Quốc sẽ gỡ bớt nút thắt của cuộc chiến tranh thương mại trong thời gian tới đã tạo nên tâm lý tích cực cho nhiều người tham gia thị trường nông sản. Giá kỳ hạn đường ăn, ngô (bắp), đậu tương…cùng với giá cà phê arabica New York tăng trong phiên cuối tuần 18/01/19.
Nhờ giá kỳ hạn arabica tăng 2,49% để đóng cửa ở 104.95 sau khi chạm đỉnh 106.20 cts/lb, giá robusta London được kéo lên để đóng cửa 1.544 Usd/tấn tăng 9 Usd trong ngày và tăng 1 Usd so với tuần trước (hình 1).
Hoạt động tuần qua trên sàn London chủ yếu vẫn theo hướng tích luỹ với đỉnh và đáy thấp hơn tuần trước đó (1.547 so với 1.559/1.517 so với 1.520).
Giao dịch trên thị trường nội địa cũng giảm giá . Mức cao nhất cho cà phê xuất khẩu Việt Nam được ghi nhận mức 34 triệu đồng mỗi tấn giao về các kho quanh TP. HCM, giảm so với tuần trước 0,2 triệu đồng.
Giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh sản xuất chỉ chừng 33-33,5 triệu đồng mỗi tấn, giao dịch không nhiều dù thị trường nghĩ thu hoạch niên vụ 2018/19 đã hoàn tất và hàng ra nhiều trước Tết.
Dự báo tuần từ 21-26/01/2018: Giá robusta cần ‘’phao’’ arabica New York.
So với ngày 11/01, bức tranh kỹ thuật đến 18/01/19 chưa thay đổi mấy. Tuần qua, giá trên sàn robusta London tiếp tục hoạt động tích luỹ, với hai lần phá mức 1.520 chạm 1.517 rồi lại quay lên. Như vậy, đỉnh 1.559 vẫn là vùng kháng cự rất kiên cố và 1.517-1.520 là khu vực hỗ trợ tương đối chắc chắn (hình 2).
Dưới góc nhìn lạc quan, đợt tích luỹ sau khi chạm đáy 1.478 rồi phóng lên 1.806 xảy ra cuối tháng 09/18 (hình 2) chắc sẽ được lặp lại lần này. Tuy nhiên, các yếu tố cung-cầu hiện nay không như bấy giờ: sức bán mạnh trước Tết Nguyên đán vẫn còn, lực chốt giá các hợp đồng xuất khẩu còn treo trên tháng 03/19 còn lớn, là mối lo lớn nhất hiện nay.
Giá kỳ hạn robusta không giữ được mức bình quân động (BQĐ) 10 ngày ở 1.547 dù trong phiên cuối tuần trước đã chạm, London vẫn có một số điểm tích cực như mức đóng cửa phiên giao dịch gần nhất ở 1.544, nằm trên các đường BQĐ 5/8/20 ngày tương ứng với 1.535/1.524/1.531.
Hướng tăng sẽ được hiện thực hoá một khi London vượt và đóng cửa trên 1.559 để tìm lên 1.574 (BQĐ 50 ngày).
Chiều xuống sẽ xuất hiện khi London để mất vùng 1.520-1.517. Nếu trong tuần này, London không qua nổi 1.559, thì đó là dấu hiệu cho một đợt xuống thử các đáy 1.478 và 1.465 (hình 2). Miễn là đừng để mất vùng ấy, vì khi phá đáy nguy cơ giá kỳ hạn robusta London sẽ chìm sâu hơn.
Xu hướng chung: Nếu như New York không vượt tăng mạnh, London vẫn ở tình trạng hoạt động tích luỹ nghiên về phía yếu.
Thị trường cà phê trong nước: Giá cà phê nội địa khó xuống sâu.
Tuần trước đến tuần này, thị trường cà phê đang ở thời gian cận Tết Kỷ Hợi. Tuy nhiên, dự đoán mua bán sẽ không nhộn nhịp nếu như giá kỳ hạn London không tăng mạnh để kích hàng ra.
Tuần trước, sức ép bán mạnh đã không xảy ra do giá thấp, bên bán chưa chấp nhận. Tuy nhiên, lượng gởi hàng vào kho các nhà xuất khẩu được cho là khá lớn để chờ giá, đang tạo tâm lý lo ngại rằng thị trường sẽ ‘’vỡ trận’’ khi người gởi hàng tập trung chốt giá vào cùng một thời điểm.
Trong khi đó, thông tin cung-cầu đang tập trung hướng lợi cho giá arabica khi Conab, đơn vị chịu trách nhiệm công bố dự báo sản lượng cà phê thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil cho rằng niên vụ 2019/20, nước sản xuất cà phê số 1 thế giới sẽ có mùa arabica giảm theo chu kỳ ‘’năm được năm mất’’. Theo Conab, mùa tới, arabica ước chừng 36-38 triệu 60 kg bao (-15%) nhưng robusta đạt 14-16 triệu bao (tăng trong khu vực từ 1-15%).
Tuần này, có thể tin tích cực từ sự hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại giúp cho giá các sàn nông sản phục hồi, nâng mặt bằng chung giá hàng hoá lên. Hiện tượng này đã xảy ra trên sàn arabica New York vào cuối tuần trước.
Nếu dư âm còn tiếp diễn, giá London tìm cách nương theo New York. Theo chiều hướng tăng, giá cà phê xuất khẩu trên thị trường nội địa có thể nhích dần về 34,5-34,8 triệu đồng mỗi tấn. Do mua bán trao đổi giảm dịp cận Tết, giá cà phê nội địa khó giảm sâu xuống dưới 33 triệu đồng mỗi tấn.
NGUYỄN QUANG BÌNH trên NCIF 21/1/2019
Hits: 236
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.