06/02/2021 Nên mạnh dạn đưa môn kinh tế vào trường phổ thông

Có vị phụ huynh phàn nàn “cho con đi học mười hai năm trời mà nhờ nó viết lá đơn cũng không xong!” Không thiếu những anh chị đã học xong đại học và chọn kinh doanh như nghề nghiệp của mình cũng từng thú nhận nhiều khi không hiểu hết một bài báo về ngành mà mình kinh doanh”.

Đề xuất “đưa môn kinh tế vào giáo dục phổ thông” trên chuyên mục Ý kiến trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn tuần trước chắc không nằm ngoài những ưu tư ấy.

Dù ngành giáo dục đã mấy lần tinh giản chương trình vẫn chưa dám nói lối dạy và học từ chương đã bị triệt tiêu. Phản ứng và đáp ứng của học sinh đối với thực tế cuộc sống vẫn chưa thỏa lòng gia đình và xã hội khi nhiều em khá bị động, dễ bị lôi kéo theo tâm lý đám đông. Phải chăng một phần do nhà trường chưa quan tâm trang bị những kiến thức trong lĩnh vực kinh tế rất mật thiết với đời sống hiện nay? Trong thời đại mà công nghệ số thay đổi nhanh chóng đời sống hàng ngày của con người, thiết nghĩ con người càng đáng được trang bị kiến thức và kỹ năng cho việc quan sát, tiếp cận, bàn luận các giải pháp9e63 xử lý các vấn đề trong cuộc sống như một người biết vài món võ để phòng thân vậy.

Do đó cần đưa các bài học kinh tế thường thức vào nhà trường. Nói là dạy kinh tế chứ theo thiển ý của tôi, điều học sinh phổ thông cần là những hiểu biết cơ bản để sinh hoạt hàng ngày và ứng xử hợp thời với tư cách là một người tiêu dùng, một chủ thể của các hoạt động kinh tế thiết thân đang diễn ra trong cộng đồng và những dự phóng về một xã hội tương lai. Các bài học và thực hành có thể được lồng ghép trong chương trình tiếng Việt từ dễ đến khó, từ các hoạt động thông thường đến các khái niệm trừu tượng tùy theo từng bậc học.

Thí dụ có thể dùng các bài viết quảng cáo giúp các em đọc hiểu ngôn ngữ, hình ảnh, ngữ liệu quảng cáo và vận dụng hiểu biết vào các quyết định mua sắm hàng ngày. Quảng cáo thường sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh ngắn gọn, bắt mắt, hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng nên có thể dựa trên đó để phân tích, phán đoán dữ liệu nào mang tính thông tin (informative) hàng hóa, yếu tố  nào nhằm lôi cuốn khách hàng, từ nào mang tính bình luận (commentative) chủ quan…giúp các em xác định, kiểm chứng thông tin mà chọn mua hay từ chối món hàng.  Trong thời đại mạng xã hội đầy rẫy thật, giả, gia tăng các bài học kiểu này cũng phần nào giúp các em điều hướng suy nghĩ trước khi theo tâm lý đám đông hoặc một số thuyết âm mưu.

Hoặc ít ra nhà trường có thể sử dụng một số giờ ngoại khóa để giới thiệu đến các em các bản tin kinh tế đơn giản phản ánh cuộc sống phong phú bên ngoài. Đấy cũng là một cách đưa học sinh ra khỏi bốn bức tường để về gần với đời sống thiết thân của chính các em. Đấy cũng là làm phong phú thêm những bài học hướng nghiệp đầy thực tế.

Ngôn ngữ báo chí sử dụng là ngôn ngữ “sống” nhất của một thời đại, thông qua các bản tin kinh tế được lựa chọn có thể giúp học sinh những bước tiếp xúc các hoạt động ngân hàng, tiền tệ, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, tự hoạch định kinh tế gia đình…, gia tăng sự hiểu biết về kinh tế quê nhà mà sớm bằng sức vóc của mình góp phần xây dựng gia đình, quê hương đất nước.

Nguyễn Quang Bình (đã được đăng trên TBKTSG số 6-2021)

Hits: 24