Đại dịch Covid-19 làm nền kinh tế các nước điêu đứng, nhiều ngành sản xuất lao đao, thế nhưng các chỉ số chứng khoán Âu-Mỹ vẫn tăng đều khiến không ít người phải ngạc nhiên.
Kết quả chỉ số chứng khoán Mỹ quí 2-2020 được báo là có cường độ tăng mạnh nhất tính từ cuối thập niên 1980. Cụ thể là chỉ số Dow Jones tăng 17,8%, S&P500 tăng 20% và Nasdaq tăng 30,6%. Trong lúc đó giá các sàn phái sinh hàng hóa nguyên liệu, gồm cả ba nhóm năng lượng, kim loại và nông sản vẫn “chảy máu” liên tục.
Tại Mỹ, tiêu dùng gia đình là động lực mạnh nhất của nền kinh tế số 1 thế giới này. Tuy nhiên, điều có thể thấy là mức tăng trưởng tiêu thụ giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp suy sụp.
Để khắc phục khủng hoảng, các nhà hoạch định kinh tế và ngân hàng trung ương nhiều nước vừa qua có chung một cách ứng phó: ngăn “con virus suy thoái” tấn công các nền kinh tế bằng cách in tiền, bơm vốn để bịt những nơi dễ bị nhiễm và dễ lây lan nhất. Trước tiên, đó là các thị trường tài chính, vì chúng liên thông không chỉ giữa các thị trường với nhau mà còn giữa các nước.
Cho nên, một số ý kiến cho rằng hiện tượng giá cổ phiếu tăng như nói trên chẳng có gì lạ. Trước đây, thị trường tài chính theo sát qui luật cung cầu. Khi giá chứng khoán tăng, nhà đầu tư bình thường bán ra, đợi giá giảm, rồi mua lại. Nhưng nay có khác. Khi thị trường có chiều hướng đi xuống, các ngân hàng bơm tiền ra không ngớt để tránh các đợt bán tháo, bởi vậy giá chứng khoán tăng là đương nhiên.
Diễn biến giá phái sinh 5 loại nông sản thực phẩm 2015 đến nay (nguồn: barchart.com)
Mọi người có cảm giác thị trường hàng hóa nguyên liệu, đặc biệt là nông sản, như bị bỏ rơi. Thử nhìn vào đồ thị diễn biến 5 mặt hàng nông sản của các thị trường phái sinh hẳn sẽ rõ: chỉ trừ lúa gạo có giá tăng 3,1%, còn lợi suất đầu tư sáu tháng đầu năm 2020 nhiều sàn nông sản đều giảm như bắp giảm 14,76%, đậu nành giảm 9,18%, cà phê arabica giảm 25%, robusta giảm 17%.
Một điều an ủi là thị trường đang có dấu hiệu đổi chiều khi hoạt động sản xuất tại nhiều nước khởi động trở lại. Chỉ trong những ngày đầu tháng 7-2020, không chỉ giá nguyên liệu như dầu thô, kim loại, mà cả nhiều mặt hàng nông sản khác có xu hướng tăng. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư tin rằng thời gian qua, giá cổ phiếu càng cao bao nhiêu thì nửa cuối năm nay dễ có nguy cơ bị điều chỉnh bấy nhiêu, hoặc chí ít nhu cầu mua chậm lại. Và đó cũng là cơ may cho dòng vốn trên thị trường tài chính dịch chuyển sang các sàn hàng hóa.
Niềm tin về sự khôi phục hoạt động sản xuất và giao thương mạnh mẽ trên toàn cầu thể hiện qua chỉ số cước vận tải biển cho hàng khô (BDI – Baltic Dry Index). Những ngày đầu tháng 7-2020, chỉ số này gần chạm 1900 điểm, là mức cao nhất tính từ 8 tháng nay, so với lúc còn chìm trong đại dịch, bấy giờ (5-2020) chỉ số này xuống dưới 400 điểm (1).
Hơn nữa, thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang chịu một trận mưa lũ dài ngày và thiệt hại về người và của so ra không thua gì trận lũ 2016. Theo Ban Chỉ huy phòng chống lũ lụt và hạn hán quốc gia Trung Quốc, trận lũ hiện nay đã làm cho gần 20 triệu người bị ảnh hưởng và tàn phá 1,56 triệu ha hoa màu. Nhu cầu mua hàng nông sản của Trung Quốc trong những ngày tới không chỉ gạo, lúa mì, đậu nành, bông vải…mà còn những mặt hàng thủy hải sản và gia vị.
Trong khi đó, trên các sàn phái sinh nông sản như cà phê, bắp, đường ăn…các quỹ đầu tư đang tăng cược mua giảm cược bán vì tồn kho nhiều mặt hàng nông sản tại các nước tiêu thụ ở Âu Mỹ đang cạn dần do dịch Covid-19 cản trở hoạt động vận tải và giao nhận hàng trong nửa đầu năm 2020.
Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nhằm nuôi sống và khôi phục sản xuất vượt khủng hoảng của các nước là rất thực. Dịch chuyển dòng vốn để đền bù cho các sàn hàng hóa đã chịu quá nhiều thiệt thòi vốn bốn năm liên tục bị “dìm” hiện đang được kỳ vọng.
Như vậy, có thể tin rằng mặt bằng giá hàng hóa, trong đó có nông sản, sẽ có điều kiện tăng trong nửa cuối năm nay dẫu cho mặt hàng nào đó được dự báo là được mùa.
NGUYỄN QUANG BÌNH, trên TBKTSG bản in ra ngày 9-7-2020
https://tradingeconomics.com/commodity/baltic
Hits: 83