Hiểu rõ thân tâm mới về đến đích

Một ông bạn làm trong ngành giáo dục nhất mực không tin vào con số mà truyền thông đăng tải khi cơ quan thống kê cho rằng năng suất lao động người Việt Nam thấp, phải đến 23 người dân mình mới bằng sức một bạn Singapore làm việc, hay thậm chí phải hơn hai người mình lao động mới bằng một người Malaysia và Philippines!

“Họ tính toán kiểu gì chứ… hàng ngày ra đường, tôi trông ai cũng tất bật, cố chen nhanh đi trước như sợ trễ việc, thậm chí có người phải gọi hay nhắn tin điện thoại khi lái xe…”, ông khăng khăng bảo vệ quan điểm.

Lớp trẻ bây giờ lui cui học hành cả ngày, bảy ngày suốt tuần, “cua” (cours) nào cũng theo, sao ra đời đi làm việc thì năng suất lao động lại thua người ta được nhỉ? Một thắc mắc rất hợp tình hợp lý.

Có hôm, bắt chiếc Grab mô tô, tôi ngồi sau lưng một chàng sinh viên ra trường được chừng một năm. “Sao bạn lại chạy Grab?”. “Cháu ra trường từ một học viện hành chính, về địa phương miền núi xin việc không được. Muốn có chỗ làm – dù lương rất thấp – cũng phải chi tiền. Biết bố mẹ đã trút hết hầu bao nuôi hai anh em cháu ăn học rồi nên cháu quyết định chạy Grab tự nuôi mình, giúp em học ra trường, đỡ đần bố mẹ”.

Dù sao chọn con đường lái Grab để kiếm sống cũng là quyết định can đảm và là cách kiếm tiền chính đáng. Với tôi quyết định này đáng trân trọng hơn kiểu đi đăng ký học hàng chục “cua” dạy cách làm giàu của mấy ông Tây ông Tàu mà không biết khi nào mới áp dụng, và áp dụng vào chỗ nào kia chứ! Làm giàu đâu có dễ, nhất lại là ở cái xứ có nhiều cơ chế “dị ứng”, môi trường “nhạy cảm” đối với các doanh nghiệp như thế này.

Hiện thời đội quân thất nghiệp “đầy chất xám”- bằng cử nhân, thạc sĩ – đã trên hai mươi vạn người. Khi đi học, học trò chỉ được “chăm bón” sao cho văn hay chữ tốt, thỏa mãn sự mong đợi của bậc cha mẹ thích nghe con cháu học giỏi, điểm cao mà lại không được định hướng nghề nghiệp kỹ càng nên khi ra trường trở nên bơ vơ không biết chọn nghề gì để kiếm sống. Cứ nghe ở đâu, ngành nghề nào trả lương hời là ùa đến… chẳng lường sức vóc thể lực và trí lực mình có phù hợp với công việc ấy hay không.

Việc chính của nhà trường là chú trọng vào chương trình giảng dạy, đổi mới sách giáo khoa, điều ấy khỏi phải bàn. Và người dân luôn kỳ vọng được hưởng thụ tinh hoa từ chương trình giáo dục mới để những năng lực cốt lõi như tự chủ, hợp tác, sáng tạo và nhiều năng lực khác như sử dụng ngôn ngữ, tính toán, tin học, thẩm mỹ, thể chất… được phát huy.

Nhưng kỳ vọng cũng chỉ là kỳ vọng nếu như bản thân cha mẹ, học sinh, các cấp quản trị học đường và kể cả xã hội… không cày xới, tìm cho ra tận ngọn nguồn con người chúng ta hiện nay đang được “cài mặc định” (default settings) với những yếu tố gì. Có lẽ ngành giáo dục nên mời một hội đồng gồm những nhà nghiên cứu, bác sĩ tâm – sinh – bệnh lý, mổ xẻ xem con người xứ ta với hoàn cảnh thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, môi trường chính trị-xã hội hiện nay nên phá bỏ cái gì và nên xây cái gì, cần cải tạo bồi đắp ra sao để bảo đảm sau này dù chương trình giáo dục có “vật đổi sao dời”, các yếu tố mặc định của con người Việt Nam vẫn bảo đảm quá trình “trở thành” (le devenir) của người công dân mới.

Tưởng nhiều hiện tượng là do tâm lý nhưng biết đâu xuất phát từ bệnh lý và thể lý. Bệnh lý gì mà ngồi nghiêm túc được một chút đầu phiên họp, cuối phiên “dông” mất? Bị bệnh gì mà tính khí con người sôi động hoạt bát, “gặp ai cũng cười, thấy chi cũng cười” nhưng lại lãng đãng thiếu tập trung? Đó là chưa kể vô vàn tập tính xấu khác như hấp tấp, gấp gáp… tranh đường dù năng suất lao động vào loại thấp trong khu vực chẳng hạn.

Thật bất ngờ khi biết cách nay mấy chục năm tại Brazil đã có trường đại học mở ngành chuyên dạy và rèn luyện yoga, thiền… vì nhiều chuyên gia bản xứ thấy dân chúng của họ đôi khi quá sôi động và quên quay về với chiều sâu nội tâm. Hay như có nhiều nước phân chia chương trình học theo thời tiết, mùa nào nóng bức thu nạp kiến thức khó nhọc, họ cho học sinh nghỉ để khi gió mát trăng thanh, học trò có điều kiện học hành và sáng tạo tốt hơn…

Đổi mới chương trình giáo dục thiên về định hướng nghề nghiệp chắc khó thành công khi nhà trường xem nhẹ liên kết hay không biết dựa vào các cơ sở sản xuất địa phương. Nói gì thì nói, nhà trường phải trở thành nơi cung ứng lao động cho thị trường lao động, cho xã hội. Không theo thị trường lao động, không những “nhà trường mới” tự cô lập mình mà nguy cơ sẽ không còn chỗ đứng trong xã hội.

Kiến thức học tập và phương tiện chuyển tải chúng đến người học thời nay không thiếu. Vấn đề là như một thực khách, ngồi lên mâm phải biết chọn món nào phù hợp với tỳ vị, sức khỏe của mình. Gắp sai thức ăn để quăng đi là phí, tham thực có thể cực thân, quá kỹ không dám gắp có thể về với bụng đói…

Bao lâu chưa thấy được mình, chưa hiểu thân tâm mình được xây nên bằng yếu tố gì, tức được “cài mặc định” bằng các yếu tố nào, thì chương trình đổi mới giáo dục chưa có cơ sở thực tế để về đích như mong đợi.

NGUYỄN QUANG BÌNH

Đã đăng trên TBKTSG ngày 18-5-2017

Hits: 41