Dạy văn học khác với dạy tập đọc tiếng Việt lớp 2!

NGUYỄN QUANG BÌNH

TTO – Góp ý với đề tài “SGK tiếng Việt lớp 2 sai ngữ pháp, diễn đạt” của phụ huynh Nguyễn Minh đã được nhiều người tham gia bàn luận, trong đó có những người am hiểu ngôn ngữ học.

Trong bài tập đọc tuần thứ 28, trang 83 của SGK lớp 2 như đã dẫn có bài truyện Kho báu (theo ngụ ngôn Êdôp, Nguyễn Tú dịch) có các câu văn: “Ngày xưa có hai vợ chồng nông dân kia quanh năm hai sương một nắng, cuốc bẫm cày sâu…”, phụ huynh Nguyễn Minh cho rằng các cụm thành ngữ trên bị đảo ngược nên không quen tai.

Tác giả bài góp ý cho rằng so với “một nắng hai sương” và “cày sâu cuốc bẫm” như thế là không suôn.

Các ý kiến sau này chủ yếu đều ủng hộ nội dung trong SGK của hai tác giả V.V.Tuân trong bài “Thành ngữ “hai sương một nắng” là cách vận dụng sáng tạo”, tiếp đó là bài của tác giả Nguyễn Hùng Vĩ với ý kiến cho rằng SGK không sai dù đề bài là một nghi vấn “Hai sương một nắng, khi đã lặn mặt trời: Có sai không?”.

Theo tôi, nếu các phản biện dừng lại tại ý tưởng của Nguyễn Minh nghe không suôn thì hai bên đã gặp nhau và có một giải pháp ôn hòa hơn để khỏi tranh chấp chuyện đúng sai ở đây.

Tuy nhiên điều trước tiên nên làm là cần đóng khung bài tập đọc này với mục đích để dùng cho đối tượng là các em lớp 2, và đấy là một bài “tiếng Việt”.

Nhìn từ góc độ này, lập luận của Nguyễn Minh đáng được đồng tình vì đó là bài tập đọc “tiếng Việt” cho một cấp học “vỡ lòng”, nên các cấu trúc chuẩn tiếng Việt không nên đi quá xa với những gì ghi chuẩn, ít nhất là tại các cuốn từ điển.

Biết rằng từ vựng và thành ngữ trong từ điển thường là những thực thể “chết” nhưng đó là chuẩn tiếng Việt.

Không ai cấm thầy cô, người dạy văn học… xuất hứng khi dạy văn, nhưng cũng cần lưu ý rằng “văn học” và “tiếng Việt” có thể có cùng một “nguyên liệu đầu vào” nhưng sản phẩm đầu ra có khác. Như cũng đưa gạo vào nồi nhưng thành phẩm tùy mục đích mà ra “cơm” hay “cháo”. Lầm lẫn tai hại của SGK trong vấn đề này nằm ở chỗ đó.

Thầy dạy văn và văn học có thể biểu cảm bằng các tu từ, có thể sử dụng và tôn vinh phong cách học của một tác giả nào đó thoải mái… Nhưng trong khi dạy và đặc biệt khi soạn SGK tiếng Việt, nên tránh những gì nghe không suôn hay nói đúng hơn cần tuân thủ các chuẩn mực, mà với trường hợp này là theo đúng từ điển, trong khi nước ta chưa có một viện hàn lâm uy tín để cầm cân nảy mực cho các vấn đề ngôn ngữ.

Vấn đề ở đây là về góc độ văn học, ngôn ngữ, bài tập đọc ấy không sai; nhưng về tính sư phạm và phương pháp, SGK không chuẩn vì vượt quá mục tiêu của môn học là “tiếng Việt” và đặc biệt vượt khỏi trình độ nhận thức và thẩm mỹ của lứa tuổi lớp 2.

Thực ra, đối với các nước như Hoa Kỳ, Anh, Pháp…, học sinh tiểu học đều được đọc các bài văn hay của các tác giả nổi tiếng như các em cùng lứa ở nước ta.

Tuy nhiên, để phù hợp với lứa tuổi, tâm lý, trình độ ngôn ngữ (như vốn từ vựng)… các nhà sư phạm ở đó viết lại, đơn giản hóa các bài văn hay bằng ngôn ngữ trình độ “tiếng” thay vì bắt các cháu theo trình độ “văn” với những diễn cảm tu từ người lớn còn nghe chưa suôn huống gì các em ở lứa 7, 8 tuổi. SGK có quyền làm chuyện ấy và ghi chú phía dưới “đã biên tập lại cho phù hợp với trình độ học sinh lớp 2”.

Thiết nghĩ, khi rạch ròi về mục tiêu, phương pháp, phù hợp với tâm lý và trình độ thẩm mỹ của từng lứa tuổi, chắc chắn các cháu lĩnh hội tốt từ các bài tập đọc với một thứ tiếng Việt cơ bản và chuẩn, đó âu sẽ là cơ sở cho một công dân sau này bảo vệ tốt sự trong sáng tiếng Việt.

NGUYỄN QUANG BÌNH

TTO 3-6-2017

Phản hồi của bạn đọc trên TTO:

  • Tin 18:30 03/06/2017

    Đừng bàn nhiều mà phải hiểu đây là SGK cho HS lớp 2. Cái cần bàn là chất lượng, tư duy, tầm nhìn của các vị biên soạn và kiểm duyệt sách.

  • Trần Hưng Quốc 19:14 03/06/2017

    Bài viết của phụ huynh Nguyễn Minh rất tâm huyết, thiện chí và hay. Với học sinh lớp 2 mà yêu cầu hiểu đảo ngữ đã là khó huống hồ chi ” các em mà phản biện thì sẽ rất hay”.

  • Chí Công 18:21 03/06/2017

    Ai đã từng nghe thấy cố GSTS Trần Văn Khê một người đáng kính trọng đã đem cả di sản văn hóa dân tộc Việt ra thế giới giải thích rõ ràng từng câu thành ngữ ca dao dân ca, từ Hán nôm ,Hán Việt.. từng loại nhạc cụ dân tộc của Việt nam và so sánh với thế giới mới thấy được cái gốc văn hóa dân tộc chặt chẻ phong phú của người Việt Nam hay như thế nào

    trần ba 07:43 04/06/2017

    viết sai chính tả nữa kìa

  • Nguyễn Ngọc Phương 20:08 03/06/2017

    Tôi đọc bài bạn Nguyễn Minh viết mà lo sốt vó,con tôi sang năm học lớp 2,tôi thì đi làm xa không ở nhà kèm cặp con được,tôi sợ tiếng việt của cháu lệch lạc quá,tại sao sgk thời trước tiếng việt giàu đẹp thế mà bây giờ thành ra thế này?

  • vtl 19:21 03/06/2017

    Một phản hồi rất hay! Tôi rất ủng hộ! Hy vọng các nhà soạn sách sẽ đưa ra được chuẩn đầu ra thật hợp lý cho từng cấp độ học! Lớp hai thì việc cảm thụ văn vẫn chưa quan trọng bằng việc hiểu tiếng. Chân thành cảm ơn tác giả!

  • Nguyễn Thanh Hiệp 20:56 03/06/2017

    Đồng tình với những đóng góp của người viết về sách giáo khoa hiện nay. Ở Hoa Kỳ khi muốn học tiếng Anh cho giỏi, các thầy cô giáo thường khuyên các học sinh nước ngoài mỡ các kinh truyền hình chiếu phim hoạt hình hay phim thiếu nhi để học tiếng Anh. Họ khuyên như vậy vì các chương trình này đều dùng những ngôn ngữ chuẩn, lối phát âm rõ ràng không nuốt chữ và cụm từ dể hiểu…Nhưng ở nước ta hiện nay việc giữ gìn trong sáng trong tiếng Việt đã không còn được để ý nhiều, sách giáo khoa dành cho thiếu nhi thì dùng nhiều từ mới do hội nhập với trào lưu mới khiến cho lối dùng từ, lối nói chuyện của các em nhỏ càng ngày càng thấy già dặn hơn. Nét thơ ngây, đơn thuần trong ngôn ngữ dùng hàng ngày của các em càng ngày càng ít dần, điển hình như một thí dụ mà người viết trích ra từ sgk tiếng Việt về câu đáp lại của một em nhỏ khi một cụ già nói lời cảm ơn.Những nhỏ nhặt này tuy không nhiều, nhưng khi được giảng dạy cho hàng triệu trẻ em học sinh thì cái hay cái đẹp, sự lễ phép của hàng triệu học sinh tiểu học sẽ mất đi một cách nhẹ nhàng

  • Thư Trung 11:20 04/06/2017

    Tôi tâm đắc với bài viết này, tác giả đã phân tích sâu sắc,nhẹ nhàng chứ không “lên giọng kẻ cả” để… dạy đời. Cảm ơn bạn Nguyễn Minh.

  • Tương ớt 16:45 03/06/2017

    Nói chung là tiếng Việt cách nào cũng đúng, và chỉ có đúng hơn trong trường hợp cụ thể chứ không có đúng nhất. Bởi vì: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháo Việt Nam”

    Nguyễn Trung Hiếu 17:42 03/06/2017

    Theo mình ở lớp 2 nói riêng và cấp tiểu học nói chung, từ ngữ văn xuôi phải chuẩn vì các em mới học, rất nhiều em nhầm lẫn ý nghĩa các từ/cụm từ, nhiều em cố gắn diễn đạt nghĩa của từ/cụm từ theo cách các em hiểu thì không tốt lắm vì sẽ có nhiều cách giải thích khác nhau giữa các em hoặc giữa gia đình các em. Từ lớp 6 trở lên thì mình đồng ý.

  • zai 10:58 04/06/2017

    Bài viết rất hay, phân tích có tình có lý và rất có cơ sở khoa học. Các nhà làm sách giáo khoa nên xem xét lại.

    • SS 08:34 04/06/2017

      Bài viết tâm huyết. Tôi cũng từng trải qua thời tiểu học, giờ lớn rồi nhưng vẫn thích văn thơ cho thiếu nhi. Tôi thấy những bài cho thiếu nhi cần phải hay, dễ nhớ thì mới làm các em hứng thú. Dạy tiếng Việt quan trọng nhất là làm cho các em yêu thích tiếng Việt đã. Cứ chăm chăm đúng ngữ pháp mà bỏ những bài hay, đưa bài dở vào thì còn tệ hơn. Còn chuyện hiểu phép tu từ trong văn chương thì lớn rồi từ từ các em sẽ hiểu.

    • Tây Nguyễn 07:16 04/06/2017

      Tôi không bàn về sách giáo khoa mà chỉ nói đến tác giả Nguyễn Quang Sáng. Ông đã vận dụng sai thành ngữ “Rằm tháng bảy nước nhảy lên bờ”. Bởi vì, ở miền Nam, những con nước rong dâng cao và tràn bờ chỉ vào tháng 8 và đỉnh điểm là tháng 9 âm lịch, từ ngày 17 và mùng 2 trong tháng cho nên nhân dân mới nói “Mười bảy nước nhảy khỏi bờ” chứ không phải rằm tháng bảy. Nếu sau nầy sách có tái bản, đề nghị sửa lại như thế.

    Lê Thu Hà 14:46 04/06/2017

    Một bài viết quá hay và thuyết phục.


    SS 08:34 04/06/2017

    Bài viết tâm huyết. Tôi cũng từng trải qua thời tiểu học, giờ lớn rồi nhưng vẫn thích văn thơ cho thiếu nhi. Tôi thấy những bài cho thiếu nhi cần phải hay, dễ nhớ thì mới làm các em hứng thú. [xem thêm]


    Tây Nguyễn 07:16 04/06/2017

    Tôi không bàn về sách giáo khoa mà chỉ nói đến tác giả Nguyễn Quang Sáng. Ông đã vận dụng sai thành ngữ “Rằm tháng bảy nước nhảy lên bờ”. Bởi vì, ở miền Nam, những con nước rong dâng cao và [xem thêm]

    Lê Thu Hà 14:46 04/06/2017

    Một bài viết quá hay và thuyết phục.

    Nguyễn Thanh Tùng 09:20 04/06/2017

    Thật cao kiến, tôi rất đồng tình với ý kiến này và cũng ủng hộ ý kiến của phụ huynh Nguyễn Minh.

 

Hits: 29