Hạnh phúc là cái chi chi?

“Rứa mà sang à, rứa mà sướng chi!”, đó là lời cự cãi của mấy chị em bạn bè về quyết định của H’Hen Niê.

H’Hen Niê đã chọn ngồi trên xe công nông thay cho xe sang được chào mời đưa cô về buôn làng trong niềm hạnh phúc “vinh quy bái tổ” sau khi đoạt vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017. Điều ấy lại làm nhiều chị em đắn đo không biết nên hiểu “hạnh phúc” là chi đây.

Lại nữa, mấy hôm rày người ta bàn về hai từ “hạnh phúc” hơi nhiều, nhất là sau khi Liên hiệp quốc công bố thứ hạng các quốc gia trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới 2018 (World Happiness Report 2018). Trong báo cáo này, Việt Nam đứng thứ 95/162 quốc gia và vùng lãnh thổ, tụt một hạng so với năm 2017. Phần Lan đứng thứ nhất dù GDP trên đầu người của đất nước hạnh phúc nhất hành tinh thua nhiều nước châu Âu và thua xa Hoa Kỳ. Nhiều nước châu Phi bị xếp cuối bảng.

Không ít người cứ tưởng nước có GDP cao, tăng trưởng kinh tế mạnh, ấy là quốc gia “trong mơ”. Chứ như Bhutan, nơi được nhiều người cho là “xứ sở hạnh phúc”(*), là một nước nhỏ bé nằm chẹt giữa hai đại cường quốc Ấn Độ và Trung Quốc, vốn có mức sống còn thấp với 10% dân số sống dưới ngưỡng nghèo khổ, gần một nửa số hộ gia đình chưa có điện… nhưng nhiều người vẫn cho đó là xứ hạnh phúc đấy thôi!

GDP là thước đo quan trọng về tăng trưởng kinh tế cho một quốc gia, nhưng phải chăng giàu sang là tất cả? Người viết rất thích câu nói của Thượng nghị sĩ Robert Kennedy đọc được đâu đó khi ông nói về GDP như sau: “GDP đo được mọi thứ, nhưng trừ một việc: nó chẳng thể nào đo được cuộc sống của anh hay tôi có đáng sống hay không”.

Lấy Bhutan để so với một nước lớn, chẳng hạn như Trung Quốc, hẳn là kỳ quặc. Tuy nhiên, trong lòng một nền kinh tế tăng trưởng bậc nhất nhì thế giới như Trung Quốc hiện nay, vẫn nóng lên những bất bình đẳng giàu nghèo, nghề nghiệp bấp bênh, lại nạn ô nhiễm môi trường, tình trạng tham nhũng hối lộ, các giá trị cuộc sống và niềm tin xã hội bị đảo lộn… thì e rằng vẫn không có hạnh phúc.

Chỉ cần nhìn vào cách chọn của H’Hen Niê khi về làng và bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc vinh danh Phần Lan lần này, hay cách nhìn về Bhutan của nhiều người, thì khái niệm hạnh phúc có gì đó khác.

Dù mức sống của người dân Bhutan nói chung còn thấp, nhưng điều đó không có nghĩa là lạc hậu mà là “đơn sơ”, tuy còn nghèo nhưng hệ thống y tế và giáo dục đều miễn phí cho toàn dân, có đến 90% trẻ em đến trường. Bhutan vẫn không ngừng ước mơ trở thành một quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế tốt, song không vì hiện đại để quên nhiệm vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường cùng truyền thống văn hóa nước mình.

So với thước đo GDP, thì chỉ số hạnh phúc đặt nặng hơn về an lạc trong tâm hồn, sức khỏe, sử dụng thời gian hợp lý, giáo dục, mức sống, đa dạng sinh học, cuộc sống đa văn hóa, quản trị tốt và sức sống cộng đồng.

Nhìn qua lăng kính ấy, hạnh phúc không phải là sự tích tụ giàu sang phú quý, mà là một cuộc sống vừa đủ với thân tâm an lạc, con người phân chia thời gian sao cho tìm lại chính mình.

Hạnh phúc là sự chọn lựa của một cá nhân và của một cộng đồng để sống một cuộc sống với mình và với người, hài hòa giữa cái tiểu ngã và đại ngã như người phương Đông thường tâm niệm.

Chuyến về buôn của H’Hen Niê bằng đoàn “công-voa” (convoi) xe cày là một chọn lựa “hạnh phúc” của riêng cô dành cho bà con buôn làng, đó chẳng phải là sự hài hòa giữa cái riêng và cái chung sao?

(*) Tên một bài viết của tác giả Nguyễn Văn Mỹ trên Sài Gòn Tiếp Thị bản in số xuân Mậu Tuất.

NGUYỄN QUANG BÌNH trên TBKTSG 5/4/2018

Hits: 68