Giáo dục cũng “phước chủ may thầy”

Sau đây là bài tham gia diễn đàn : Cho con học trường công, trường tư hay trường quốc tế? trên TBKTSG Online.

Đáng lẻ cái muôn màu muôn vẻ trong giáo dục phải là điều đáng mừng. Nhưng cái thiên hình vạn trạng trong giáo dục tại nước ta hiện nay lại tạo thêm nhiều lo lắng cho mọi người. Cái không an tâm ấy xuất phát từ đâu? Nếu như từ góc độ xã hội, thì chuyện nhiều trường nhiều lớp hiện nay bắt đầu từ khuynh hướng xã hội hóa, đáng lẽ ra nó phải được định hướng tốt, nhưng vì quá đà, thành thương mại hóa khi nào chẳng hay. Chưa bao giờ và ít có nơi nào cho thấy con em chúng ta được thả trong cái “vườn thực nghiệm” đầy hoa lá như thế này, giống như một bản đồng ca mà không tông giọng nào nhường tông giọng nào. Nếu đưa các mô hình trường lớp hiện nay ta đang có, thì hỡi ôi, không có chuẩn nào ra chuẩn nào. Chính vì thế mà ngay việc chọn trường lớp không thôi đã làm mất biết bao sức lực và thời gian cho một bộ phận rất lớn cha mẹ học sinh.

Tôi là người “Tây học”. Nhưng, tôi vẫn hết sức cám ơn một vị thầy Hán học ở Huế đã nói với tôi về một cái chuẩn của ông trong khi ông còn dạy học. Một hôm, rất lâu rồi, ông kéo tôi vào nhà ông, vẽ ra ba vòng tròn và đặt tên cho từng vòng tròn ấy bằng ba chữ: Chân, Thiện, Mỹ. Ở giữa các vòng tròn ấy có một khu giao nhau như là một tập hợp, ông nói: “Con à, theo thầy, có Chân không, chưa đủ; có Thiện không, chưa xong; có Mỹ không, chưa tròn”. Chính cái chữ “Thành” ở giữa mới là cái quyết định cho 3 vòng tròn này. Từ bấy đến nay, bất kỳ khi làm nghề gì, làm việc gì, tôi cũng thích áp dụng “cái chuẩn” ấy cho công việc của mình, kể cả trong nhiều năm dạy học gian khó.

Dĩ nhiên, “cái chuẩn” ấy của ông thầy già nay có thể lạc hậu, nhưng ít ra có một cái gì đó để qui chiếu. Sau nhiều năm đi dạy tại trường phổ thông, khi nghỉ rồi, tôi mới thấy cái thiếu sót của mình. Bình thường, khi anh dạy một môn học nào đó, anh hay có yêu cầu gắt gao đối với toàn bộ lớp mình, học sinh mình dạy…Vì vậy, nếu là thầy dạy hóa, học sinh của mình phải giỏi hóa; là thầy dạy ngoại ngữ, người học phải làu làu ngoại ngữ…nhưng biết đâu rằng trong mỗi cá thể học trò, từng em có hàng “vạn pháp”, có thể em này hợp môn này, em kia mạnh môn khác…và yêu cầu cao của thầy chính là điều kiện giúp một số em chán nản, xa lìa dần với trường lớp, sách vở…

Có dịp, tôi cũng hay gặp lại bạn bè dạy cũ. Khi ngồi điểm lại, nếu như một người thầy không tự đặt chuẩn cho mình, thì rất dễ trở thành người tạo “khủng bố trắng” đối với phụ huynh và học sinh. Chính vì vậy, học sinh ngày nay càng lúc càng ít quyến luyến trường lớp như thời xa xưa cách đây 25-30 năm.

Tôi có mấy đứa cháu đang theo học tại nhiều trường quốc tế khác nhau. Chính vì thế mà tôi biết được chúng học gì và đạt được cái gì. Đúng là có trường sau khi các cháu học mấy năm, tiếng Anh lưu loát. Nhưng sao tình cảm đối với gia đình, người thân, nhạt hơn “nước ốc”! Cũng có trường thực chất chẳng phải quốc tế nhưng cứ tự gán cho mình “mác” quốc tế…Nhưng, cái gì thì cái,  tôi nghi ngờ hết sức cái quyền “đặt chuẩn” của ngành giáo dục đối với chương trình cũng như hướng giáo dục đạo đức tại các trường đó.

Nhìn chung, tâm lý phụ huynh sau khi bị hành hình tại các trường công lập, đều chuyển con mình qua các trường tư hay quốc tế. Song, theo tôi, hoàn toàn hên xui! (Đáng ra, trong giáo dục không có chuyện hên xui thế này!). Nếu anh chọn được một thầy, cô có công tâm, liên hệ chặt chẽ với họ, gắn kết với họ vì chuyện giáo dục thực sự cho con mình, không vì điểm chác, lên lớp hay xuống lớp, mà vì sự tự tin và tự trọng của con mình khi ra đời…thì đó là một cái phước lớn của vị phụ huynh và con em họ vậy.

Viết đến đây, tôi mới giật mình vì… sao mà phù hợp với cái câu này trong ngành y thế: “phước chủ may thầy!”.

Hits: 94