Giá hồ tiêu trên thị trường nội địa bỗng dưng tăng cực mạnh. Sóng giá mặt hàng này mới đây cứ dâng cao từng ngày và hình như chưa ai đoán được điểm dừng. Đáng lẽ giữa một thị trường nông sản ở một nước sản xuất hàng đầu thế giới, giá lên là điều mừng. Nhưng đợt giá hồ tiêu tăng nóng đang xảy ra vẫn làm không ít người lo.
Việt Nam trở thành nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới từ hơn chục năm nay. Nhưng không bao lâu khi nhà vườn hồ tiêu phấn khởi nhờ giá đạt 220.000 đồng/ki-lô-gam, thì cũng từ đỉnh cao lịch sử ấy giá hồ tiêu xuống dần và năm ngoái chỉ còn quanh 35.000 đồng/ki-lô-gam.
Giá tăng mạnh đã kích người người tăng diện tích và sản lượng. Thời điểm đi xuống của giá hồ tiêu cũng là lúc Việt Nam đạt sản lượng trên 300.000 tấn, chi phối 60% thị phần thế giới. Hệ lụy là tăng nóng sản lượng đã đẩy giá hồ tiêu xuống dưới giá thành khiến nhiều nhà vườn lao đao, nợ nần chồng chất, làm không ít người phải bỏ vườn bỏ xứ mà đi do đầu tư thua lỗ.
Dịp Tết vừa qua, giá hồ tiêu trong nước quanh mức 50.000 đồng thì chỉ trong mấy ngày gần đây đã nhảy mạnh lên trên 70.000 đồng/ki-lô-gam. Dù không bị thông tin của giới đầu cơ như trên các sàn hàng hóa thương phẩm chi phối mấy do hồ tiêu không có sàn giao dịch phái sinh đủ tầm cỡ như đậu nành, cà phê…, thì có thể thấy đợt tăng hiện nay có được là nhờ nhiều người tin sản lượng hồ tiêu Việt Nam giảm mạnh, trong phạm vi từ 180.000-220.000 tấn.
Sản lượng giảm, giá tăng thường là chuyện đương nhiên. Nhưng đợt tăng quá nhanh và bất ngờ còn có lý do riêng của chuyện kinh doanh hồ tiêu năm này.
Ở những mùa trước, thường đến dịp trước và sau tết là lúc hồ tiêu Việt Nam vào cao điểm vụ thu hoạch. Đó cũng là lúc các nhà kinh doanh mặt hàng này chuẩn bị vốn liếng để thu mua hàng từ nhà vườn. Đặc biệt, niên vụ hồ tiêu năm nay được nhiều doanh nghiệp đoán trước sẽ là cơ hội rất tốt để kiếm lợi nhuận. Nhưng thực tế là đợt lạnh trước và sau tết tại các vùng nguyên liệu làm hồ tiêu chín chậm, thu hái trễ đến cả tháng trời. Một số doanh nghiệp bán khống nhiều hợp đồng xuất khẩu chờ hoài, vẫn không thấy hàng ra chợ trong khi thời hạn giao hàng sau tết quá thúc bách.
Sự sốt ruột mua lấp hợp đồng đã làm giá hồ tiêu càng nóng khi chờ hàng hoài không thấy đâu. Các dự đoán theo thói quen của nhiều doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu đều được xem là khác với thực tế. Sức ép bán hàng khi hồ tiêu vào rộ vụ không xuất hiện, bắt đầu không phải do yếu tố giá cả, mà do thời tiết thất thường. Hầu hết mọi người đều tin giá hồ tiêu năm nay tăng, nhưng không phải ngay thời kỳ thu hoạch mà phải đến giữa năm. Thì cú nhảy giá nhanh vừa qua trên thị trường hồ tiêu trong nước chính là sự thúc bách mua hàng đến hạn giao của một số nhà xuất khẩu đã theo thói quen bán khống trước. Giá hồ tiêu tăng, nhà vườn mừng rỡ nhưng đầy vị cay của nước mắt của nhiều nhà kinh doanh đã lỡ bán khống trước.
Một số nhà xuất khẩu đang tính chuyện mua hàng hồ tiêu xuất khẩu từ các nước khác như Brazil, Indonesia, Cam-pu-chia…để thực hiện các cam kết với người mua nhập khẩu. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam ước các doanh nghiệp trong nước đã mua nhập khẩu trên 1,7 ngàn tấn hồ tiêu trong đó gần 300 tấn tiêu trắng từ Indonesia.
Giá hồ tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam đầu tháng 3-2021 quanh mức 2.420 đô la Mỹ/tấn thì giá hồ tiêu nội địa đến 14-3-2021 đã ở mức 3.120 đô la. Giá nội địa cao hơn giá xuất khẩu 700 đô la/tấn.
Liệu trong giới kinh doanh hồ tiêu ai dám tiếp tục bán xuất khẩu, ai còn trụ được khi phải chịu lỗ 700 đô la Mỹ cho mỗi tấn?
NGUYỄN QUANG BÌNH
(bài được đăng trên Tạp chí KTSG số 12-2021 ngày 18/03/2021)
Hits: 73