Bên ly cà phê: nói chuyện nay, chuyện mai

Cà phê arabica Đà Lạt - Ảnh: Duy Hồ

Nguyễn Quang Bình –

Kể cũng lạ, ở một nước xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới, nông dân và con cháu họ chỉ biết sản xuất ra hột cà phê cho thị trường, không cần và không thể biết sản phẩm mình đi tới đâu, nằm ở chuỗi cung ứng nào, nhưng hàng năm vẫn thu về cho đất nước một lượng kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ đô la Mỹ. Dám nói rằng chỉ có nhờ ơn trời mới ra được thế!

Hột cà phê đi phương nào?

Như bà mẹ đẻ đứa con, mới thả nó ra đường thì đã lạc mất: đó là thân phận của hột cà phê Việt Nam hiện nay. Tiếng là hàng năm cả nước xuất khẩu bình quân chừng một triệu rưỡi tấn cà phê, hàng bán ra được rải khắp bốn phương tám hướng, nhưng toàn không tên không tuổi. Qua Tây qua Tàu, xuất hiện tên nước khác người khác, nào cà phê Colombia, Indonesia, thậm chí Malaysia dù nước này không sản xuất cà phê. Trong khi hột cà phê Việt Nam – mang chính tên khai sinh -thì chẳng mấy khi thấy tăm hơi đâu.

Nước sản xuất thì thôi đành, nhưng tên doanh nghiệp của các nước nhập khẩu không sản xuất hột cà phê nào cũng quá loạn, thương hiệu lớn bé nhan nhản. Buồn là chẳng mấy ai biết rằng cứ trong năm hột cà phê họ uống, có một hột là của Việt Nam! Một ly cà phê trên thế giới uống năm hớp, trong đó có một hớp là cà phê “made in Vietnam”.

Người uống không biết chuyện ấy, thôi cũng được! Người sản xuất cũng chẳng biết tuốt! Vậy mà nông dân quê tôi ngày ngày vẫn phải chăm chú làm ăn, chẳng ai biết phải làm sao để minh định mình là “chính chủ”, hoàn toàn im hơi, một tiếng cũng không, nửa chữ cũng chưa thấy.

Như bà mẹ đẻ đứa con, mới thả nó ra đường thì đã lạc mất: đó là thân phận của hột cà phê Việt Nam hiện nay. Ảnh: Duy Hồ

Trong nước cũng có một hiệp hội cà phê, chủ yếu chỉ phục vụ cho các nhà kinh doanh và xuất khẩu. Nông dân mang tiếng có mặt trong hội gì chăng nữa, cũng phải thông qua sự đại diện “toàn quyền” của giới trung gian. Tiếng là sẽ có chương trình giúp họ tài chính trong kế hoạch tái canh 120.000 héc ta cà phê già cỗi, nhưng suy cho cùng mục đích ấy: nhằm tăng sản lượng để phục vụ cho các nhà kinh doanh và xuất khẩu. Cứ ngẫm mà xem!

Khi đứa con đẻ ra bị thất lạc, nếu may mắn nằm vào tay người bảo lãnh tốt: được phước. Nhưng tâm lý của kẻ sinh thành đâu có yên: ngày ngày ngại số phận con mình phiêu lưu như giao trứng cho ác.

Bao lâu nông dân chưa được chia sẻ thông tin và tham gia vào các chuỗi cung ứng, con cháu họ chưa được quan tâm vào trường lớp đào tạo nghề cà phê để hiểu biết và phục vụ cho chuỗi cung ứng sản phẩm họ làm ra, thì khó nói rằng họ đã được đối xử công bằng trong một nền thương mại công bằng.

Hứng đủ rủi ro

Tại nhiều nước sản xuất cà phê khác, nhờ có tổ chức và liên kết tốt từ sản xuất đến tiêu thụ, người nông dân chỉ việc chăm sóc, thu hái, đưa vào trung tâm chế biến của hợp tác xã hay nhà máy từng khu vực, công việc mua bán xuất khẩu có bộ phận chuyên nghiệp lo. Một khi gặp rủi ro thị trường, họ đều được thông đạt. Còn ở Việt Nam, do sản xuất nhỏ lẻ manh mún, hầu hết sản phẩm thu hoạch đều trao cho các doanh nghiệp lớn nhỏ, dù đó là thương lái hay các công ty xuất khẩu.

Hai điều làm đau lòng nhất cho nông dân cà phê nước ta là một khi hột cà phê vào tay thương lái hay nhà xuất khẩu, “đứa con mình đẻ ra” dẫu rất đẹp, thường bị trộn chung với các loại chất lượng bát nháo, nó trở thành đứa trẻ xấu xí. Đàng khác, do nhiều doanh nghiệp cà phê kinh doanh theo cách đầu cơ, mua bán kiểu cầu may theo giá kỳ hạn trên thế giới, tăng thì trữ, giảm thì bán khống theo sàn kỳ hạn, một loại kinh doanh như sàn chứng khoán, đã làm hột cà phê ngụp lặn với vô vàn khó khăn và rủi ro về giá. Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” không mấy ai giải thích giùm nên tâm trạng người trồng cà phê cứ khi lên mây khi xuống vực chẳng biết đâu mà lường.

Có khi biết hột cà phê chắc chắn do mình làm nên, đó là con mình, nhưng tung ra chợ đời, lại không biết ai là người tiêu thụ, ai  khen chê ngon dở, làm sao đưa đúng địa chỉ cho người cần và thích sử dụng. Cái thương tâm ấy trở thành cái vô duyên của hột cà phê Việt Nam.

Nỗ lực tái tổ chức: chưa đến đâu!

Hiện nay, hàng năm xuất khẩu cà phê Việt Nam luôn đứng hàng đầu thế giới trên thị trường robusta và thứ hai chỉ sau Brazil trong toàn bộ các nước xuất khẩu cà phê về khối lượng gồm hai loại arabica và robusta.

Từ trước đến nay tiếng là xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp thường đưa hàng đi bán xa cạ, bỏ phí rất nhiều tài nguyên, công sức và tiền bạc. Thậm chí nhiều năm giá thị trường xuống, cả nông dân và doanh nghiệp trong nước lao đao thua lỗ, ảnh hưởng lớn đến sinh kế của nhiều gia đình sống nhờ vào hột cà phê từ mấy đời nay.

Một số cố gắng về chính sách được thử đi thử lại nhiều lần, như Chính phủ kêu gọi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, khi thì liên kết “ba nhà” lúc thì “bốn nhà”, nói chung với thiện ý làm sao cho sản phẩm nông nghiệp và đặc biệt là hột cà phê có thị trường và giá cả ổn định để đảm bảo cuộc sống của nhà vườn. Thực tế chưa như mong muốn. Tưởng nhiều lúc quy tụ được nhiều “nhà” gồm nhà nông, nhà xuất khẩu, nhà băng, nhà khoa học, và kể cả Nhà nước, sẽ giúp giá cà phê bền vững. Nhưng không, rủi ro vẫn hoàn rủi ro.

Phong trào xây dựng hợp tác xã mới đang ráo riết hoạt động để làm sao liên kết sản xuất giữa nông dân với nhau và gom lực khi có sản phẩm, một hình thức của “cánh đồng mẫu lớn” như ở ngành sản xuất lúa gạo, nhưng các thửa ruộng sản xuất lúa ở đồng bằng còn rộng hơn nhiều so với các mảnh vườn nhỏ ở Tây nguyên, vùng sản xuất cà phê trọng điểm của cả nước, với bình quân mỗi nông hộ chừng nửa héc ta.

Các thử nghiệm mô hình sản xuất-lưu thông và quyết sách kinh tế cũng như an sinh xã hội cho ngành cà phê lại không dựa vào yếu tố này, chưa tìm cách biến sở đoản thành sở trường, hệt như ở đồng bằng sông Cửu Long, cứ chăm chăm sản xuất lúa dù vùng này càng lúc càng bị ngập mặn, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế lúa gạo.

Đánh thức “công chúa ngủ trong rừng”

Cách sản xuất, thu hái, chế biến và mua bán cà phê theo kiểu xa cạ hiện nay chỉ làm lợi cho phía người mua hàng. Rõ ràng người đi buôn chỉ mong được mua hàng giá rẻ, khối lượng giao dịch càng lớn họ càng mừng vì ta giúp họ tăng doanh số. Nói chung, người mua, đặc biệt là thương nhân trung gian, sẽ không khuyến khích chúng ta làm tốt khâu chất lượng.

Cách mua dễ sẽ tạo cho người bán không để ý đến chất lượng sản phẩm trong hột cà phê vì tất cả các cấp loại hột từ đen, nâu, sâu, vỡ… đều được chấp nhận, dĩ nhiên với giá cực rẻ và được mua lâu dài. Nên bây giờ mới hiểu được rằng mỗi khi có một hội nghị về sản xuất cà phê bền vững, nhà nông và doanh nghiệp thường đưa vấn đề giá lên hàng đầu.

Nhưng quyết định sự tồn vong của nhà buôn xưa nay là mua thấp bán cao. Yêu cầu các nhà nhập khẩu và thương lái trong nước mua giá cao làm sao mà được cơ chứ?

Đã manh nha một “con đường cà phê đặc sản” được những người trẻ đam mê cà phê tạo dựng dần và có nhiều kết quả khả quan.

Không nên hiểu cà phê đặc sản như là những sản vật độc đáo xuất phát từ một vùng miền riêng biệt.

Nói cà phê ở một vùng nào đó ngon nhưng với cách bán xa cạ như hiện nay sẽ xóa nhòa đi tính đặc trưng của chính hột cà phê ấy. Như vậy chỉ giúp cho người biết khai thác kinh tế cà phê làm giàu, còn nông dân trực tiếp trồng cà phê chỉ là người bị lợi dụng. Nhất là khi ngành thực phẩm đang bị khống chế bởi các hóa chất hóa phẩm, có thể tạo màu, mùi và hương vị sẵn sàng đánh lừa ngũ giác con người một cách dễ dàng.

Hột cà phê ngon được trồng trên vườn cà phê tốt, nếu như không được thu hái đàng hoàng và nghiêm túc tức lựa từng trái chín vừa đủ, nếu không có cách chế biến phù hợp, không được rang trong điều kiện nhiệt độ và thời gian tối ưu… sẽ không có cà phê đặc sản.

Trong một chuyến du khảo cuối năm, tôi đã tận mắt chứng kiến cách thu hái, chế biến hột cà phê robusta, vốn trong tâm trí tôi, chỉ cho rằng đấy là loại cà phê rẻ tiền, chỉ dùng để phối trộn và chế biến cà phê hòa tan, một thức uống công nghiệp tiện dùng và vừa túi tiền của người lao động. Nhưng rất bất ngờ, khi qua tay những bạn trẻ, một số người nghiên cứu cách chế biến, vị cà phê robusta thường là đắng chát, hương chẳng có gì đặc sắc, đã trở thành những ly cà phê thơm ngát và ngọt ngào.

“Nếu ơ hờ trong thu hái, không quan tâm đến chế biến và rang xay cho đúng để trích xuất các chất tinh túy của hột cà phê, như đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng, thì khó ai biết hột cà phê robusta Việt Nam thơm ngon đến vậy”, Sam Choi, anh bạn trẻ người Hàn Quốc sống tại Thái Lan, người đam mê sản xuất và chế biến cà phê đặc sản robusta nói như thế trong chuyến khảo nghiệm.

Hiện nay, mỗi ki-lô-gam cà phê bán theo giá chợ (của thế giới) chừng 1,7 đô la Mỹ, nhưng ở các nước Thái Lan và Lào có người đang bán 5 đô la!

Điều kiện sản xuất nhỏ lẻ của mảnh vườn cà phê Việt Nam hết sức phù hợp với phát triển cà phê đặc sản.

Các bạn trẻ nhiều nơi đã có những sản phẩm cà phê đặc sản, tuy chưa nhiều và phổ biến, một thương hiệu L ‘Amant (Người tình) ở thành phố Pleiku, một The Married Beans (Cà phê Kết giao) tại Đà Lạt… đã liên kết bền vững với từng vườn cà phê tại chỗ để cho ra những ly cà phê tuyệt vời. Hy vọng đấy sẽ là những gạch nối cho “con đường cà phê đặc sản” của Việt Nam xuyên suốt chiều dài Tây nguyên, kéo dài cho đến trung tâm tiêu thụ cà phê đặc sản tại TPHCM.

Đó chính là hướng để đánh thức tiềm năng hột cà phê và nền kinh tế dựa trên hột cà phê.

Hơn bao giờ hết, nhất là trong khi giá cà phê thế giới đang bị các quỹ đầu cơ tài chính khuynh đảo, việc ủng hộ mối liên kết chặt chẽ giữa các vườn cây và các nhà chế biến cà phê đặc sản, không chỉ nâng cao giá trị hột cà phê Việt Nam mà tạo được một nền sản xuất bền vững tự tay mình và cho chính mình.

Có lẽ, đã đến lúc ngành cà phê nên xem lại quan điểm, đào tạo nghề cho con cái nông dân cà phê để họ đi theo đường chuyên nghiệp và sống lâu dài với hột cà phê như cha ông họ đã từng sống nhờ hột cà phê trên trăm năm nay.

Có lẽ, về lâu dài, các tiệm cà phê “hóa chất” phải biến mất vì nên đặt mối liên kết với nông dân sản xuất cà phê như một điều kiện bắt buộc để mở cửa hàng bán loại thức uống hấp dẫn này.

NGUYỄN QUANG BÌNH, đã đăng trên SGTT Xuân Mậu Tuất

Hits: 96