Chỉ đến ngày cuối tuần 23/03, giá kỳ hạn cà phê London và New York mới suy sụp hoàn toàn. Chính quyền Mỹ quyết định áp thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung quốc trị giá ước đến 60 tỉ Usd. Trung quốc cũng không vừa, đáp trả với một danh sách hàng hóa Mỹ chịu thuế nhập khẩu để trả đũa.
Trước đó, vào ngày 21/03, vị chủ tịch mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã có quyết định nâng lãi suất cơ bản đồng Usd thêm 25 điểm phần trăm, mức hiện thời trong khoảng 1,50-1,75%. Thị trường và quan chức thuộc Fed dự kiến năm nay còn từ 2 đến 3 lần tăng, năm 2019 thêm 3 lần và năm 2020 với 2 lần tăng, để còn cả thảy từ 7 đến 8 lần. Chắc chắn về lâu về dài, giá hàng hóa nông sản sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Theo lẽ thường, khi lãi suất Usd tăng, chi phí tài chính và khả năng tiếp cận tín dụng của các nhà kinh doanh và đầu tư giảm, người trữ hàng thường phải bán ra để giảm gánh nặng chi phí tài chính, đó là lý do chủ yếu để giải thích vì sao khi đồng Usd tăng, giá hàng hóa nông sản thường chịu “lép vế”.
Chỉ số Usd cuối tuần trước giao dịch quanh mức 89-90 điểm so với cuối năm 2017 quanh mức 94-95 điểm (xem hình trên).
Nghe lãi suất đồng Usd tăng, đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) tức tốc xuống, từ 3,20 Brl ăn 1 Usd thì tuần qua có lúc 3,31 Brl. Đấy cũng là yếu tố làm giá cà phê arabica xuống vì nông dân Brazil bán ra thu hồi đồng tiền nội tệ nhiều hơn, gây sức ép lên sàn kỳ hạn New York. Sàn này vốn thường có sự tương tác rất chặt chẽ với sàn robusta London.
Cà phê là mặt hàng nhạy cảm với tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ, nay gặp phải cảnh này, dù cố gắng trụ đến ngày thứ Năm 22/03, bấy giờ giá đóng cửa sàn robusta còn 1742 Usd mỗi tấn, thì đến phiên cuối tuần trước giá robusta London hoàn toàn suy sụp với mức thấp nhất 1671 Usd để đóng cửa chốt 1690 Usd, giảm so với tuần trước đó 45 Usd (xem hình trên).
Giá cà phê robusta yếu còn do giá kỳ hạn arabica tại New York mất các mốc hỗ trợ quan trọng là 118.30 và 116.90 cts/lb.
Thị trường cà phê trong nước đến sáng 26/03 chỉ còn quanh 35 triệu đồng mỗi tấn, mất 1,5 triệu chỉ sau 7 ngày giao dịch.
Dù tuần qua, các nhà xuất khẩu Việt Nam bán ra không nhiều, giá kỳ hạn vẫn rớt thê thảm do sự hội tụ các yếu tố tiêu cực như trên đã nói cộng với một lượng bán khống không nhỏ từ các nước chuẩn bị ra mùa mới robusta khác.
NGUYỄN QUANG BÌNH
Xem thêm:
–Nhận định giá cà phê thế giới tuần từ 19-24/03/2018
–(6-3-2018) Rabobank dự báo sản lượng cà phê Brazil giảm. Giá tăng?
–(11-5-2017) Giá cà phê rớt là do các quỹ đầu cơ – ICO
Hits: 370