(9-12-2017) Giá xuống, vẫn thiếu hợp đồng xuất khẩu

London:             

1750+20 (1757-1726)                                      1740+17 (1744-1717)

New York:                  

122.60-0.30 (123.90-121.90)                        124.80-0.40 (126.20-124.15)

Thời tiết ẩm ướt suốt cả chục ngày liên tục và chỉ mới có nắng từ vài bữa nay đã làm chậm công việc thu hái cà phê của bà con ở tỉnh Đắc Lắc, ông Lê Đức Huy, phó tổng giám đốc Simexco Đắc Lắc, một trong ba công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam cho biết.

Biến đổi khí hậu thất thường và cực đoan đang ảnh hưởng lớn đến sản lượng và chất lượng cà phê Việt Nam, không chỉ trong niên vụ này mà đã xuất hiện từ mấy năm nay. Khối lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2017 giảm trên 20% so với năm 2016, chỉ còn xấp xỉ chừng 1,3 triệu tấn. “Đó là cảnh báo rõ ràng và thực tế nhất nếu ai muốn nắm tình hình sản lượng cà phê trong những năm qua và sắp tới,” anh Phan Trọng Nghĩa, một nông dân có 5 héc-ta cà phê tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng báo qua điện thoại.

Thật vậy, vừa rồi, các trung tâm khí tượng của hai nước Mỹ và Australia đưa ra dự báo rằng La Nina đang tăng cường hoạt động bắt đầu từ đây đến hè năm sau. La Nina là hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan gây khô hạn đầu Nam Mỹ, vùng cà phê nông sản lớn của thế giới như Brazil, Colombia…nhưng lại đem mưa lũ tại phía Đông Nam Á, vùng trọng điểm hồ tiêu, dầu cọ, lúa gạo, cà phê robusta toàn cầu.

Đối với ngành cà phê Việt Nam,  vụ mùa 2017-2018 đã bắt đầu trên hai tháng nay. Những ngày mưa rả rích vừa qua tại các tỉnh sản xuất cà phê trọng điểm của Việt Nam như Đắc Lắc và Lâm Đồng không chỉ làm chậm lại lịch thu hái của bà con nông dân cà phê mà còn làm tăng phí sản xuất. “Tìm lao động thu hái cà phê năm nay quá khó, dù muốn trả tiền công cao cũng kiếm không ra,” anh Nghĩa than thở.

Thật thế, nếu như giá nhân công thu hái năm ngoái chỉ 180.000 đồng mỗi ngày thì năm nay 200.000 đồng không ai nhận việc. Họ đòi trả 220.000 đồng mỗi ngày. Nếu hái khoán theo kí-lô cà phê tươi, năm nay phải trả công lao động 1.300-1.400 đồng mỗi ki-lô so với năm ngoái chỉ 1.100 đồng là tối đa, anh Nghĩa cho biết vậy.

Giá cà phê nhiều nơi tại các tỉnh Tây nguyên, thủ phủ cà phê của Việt Nam, dù có tăng 0,5 triệu đồng mỗi tấn so với tuần trước, đến ngày 6-12 ở mức 37 triệu đồng mỗi tấn, giảm 5 triệu đồng so với đỉnh giá cao nhất trong niên vụ này.

Trong khi đó, thời tiết ẩm ướt, thu hái xong không có nắng để phơi, cà phê phải được đưa vào lò sấy, lại tốn thêm một khoản tiền nữa, nên đã đội giá thành cà phê năm nay lên cao hơn bình thường.

Giá đã thấp, còn phải chịu chi phí sản xuất cao, nhưng thị trường vẫn không thấy mấy nhà nhập khẩu chịu mua. Sở dĩ giao dịch cà phê chậm lại ngay lúc Việt Nam ra mùa có lý do của nó.

“Từ giữa năm 2018 tới đây, sàn giao dịch cà phê kỳ hạn robusta London sẽ có những thay đổi quan trọng trong điều kiện giao hàng. Trước đây điều kiện giao hàng là FOB (giao hàng qua lan can tàu) thì sẽ dùng đại trà FOT (giao hàng lên xe tải). Về nguyên tắc, khi hàng lên xe tải là phương tiện vận chuyển, người mua phải chịu phí tổn. Nhưng đến nay, thị trường chưa ngã ngũ ai là người chịu phí phát sinh từ 40-60 đô la Mỹ/tấn,” ông Enrico Antonj, chủ tịch Hiệp hội Kho bãi Châu Âu (EWF) tiết lộ bên lề hội nghị Cà phê Thế giới 2018 được tổ chức tại TPHCM giữa tuần này.

“Cơ cấu giá cà phê robusta sắp tới sẽ khác khi áp dụng điều kiện giao hàng FOT. Chúng tôi chưa thể mua hàng vì thị trường chưa sắp xếp ai sẽ chịu phí 50 đô la đó,” một số nhà kinh doanh trả lời khi được hỏi về ảnh hưởng điều kiện giao hàng FOT.

Giá đóng của sàn kỳ hạn cà phê London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng là tham chiếu, đang ở quanh mức 1750 đô la Mỹ/tấn vào ngày 8-12-2017. Cùng ngày giá cà phê nội địa tại Tây nguyên ở mức 37 triệu đồng mỗi tấn. Trong khi đó, giá chào xuất khẩu cho loại 2 tối đa 5% đen vỡ ở mức trừ 70 đô la dưới giá niêm yết của sàn kỳ hạn tháng 3-2018.

NGUYỄN QUANG BÌNH

Hits: 131