26/2/2020 Chuyện gì xảy ra nếu Covid-19 thành đại dịch toàn cầu?

Bài này viết từ cuối tháng 2/2020. Hôm nay WHO công bố Covid-19 là “ĐẠI DỊCH TOÀN CẦU”. Bấy giờ bạn không để ý và có thể cho là chuyện xàm. Nay thì nên đọc kỹ,

==

Cho đến giờ này, Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) vẫn cẩn thận và cho rằng “còn quá sớm” để công bố dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra là “đại dịch”.

Sau khi bùng phát tại TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngay cận Tết Canh Tý 2020, tức tốc chính quyền TQ đã phong tỏa vùng dịch bệnh. Tuy nhiên, con virus corona đã vượt khỏi biên giới TQ và nay lan nhiễm đến 43 quốc gia và nhiều vùng lãnh thổ.

Tin lạc quan đầu tiên tối 24-2 từ trụ sở WHO (Geneva, Thụy Sỹ) đến sáng sớm 25-2-2020, người dân bình thường mới nhận được khi WHO cho rằng số liệu công bố dịch bệnh của TQ giảm hàng ngày là đáng tin cậy. Đài FranceInfo sáng sớm 25-2 báo rằng dựa trên các công bố của TQ, dịch Covid-19 đã có đỉnh từ 2 đến 3 tuần nay. Hoạt động sản xuất, kinh tế tại tâm dịch bắt đầu được bật đèn xanh…Do tin đến trễ, thị trường tài chính thế giới phiên 24-2 hoảng loạn. Giá cổ phiếu tại các sàn giao dịch châu Âu và Mỹ giảm thê thảm. Giá dầu thô Brent sau một ngày mất 5,02%. Thiên hạ chuyển vốn vào sàn vàng hôm ấy trúng đậm. Giá vàng phiên 24-2 tăng tiếp 1,87% để đóng cửa mức 1.674,25 đô la Mỹ/oz, mức cao nhất tính từ 7 năm nay. Điều này cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư tài chính vẫn còn nhiều bất an.

Đến 17g ngày 26-2-2020, dịch Covid-19 lây nhiễm trên 81 ngàn trường hợp trong đó có trên 30 ngàn người được chữa khỏi và làm thiệt mạng gần 2,8 ngàn người. Dịch đang lan đến 43 nước và vùng lãnh thổ. Hàn Quốc nay đã có gn 1,3 ngàn và Italia 322 người nhiễm.

Được gọi là đại dịch khi một vùng rộng lớn, một quốc gia nào đó bị nhiễm khuẩn, lây lan nhanh và đồng thời. Một số nước trong đó có TQ đã kịp thời phong tỏa, ngăn chặn không để lây lan. WHO đánh giá cao các biện pháp tức thời này vì thấy có những bước thành công nhất định, nên chưa công bố “đại dịch toàn cầu” là có lý.

Vì một khi “đại dịch” được công bố, quyết định mang tính cân não này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế từng nước và cả thế giới. Không những vậy, công bố ấy sẽ tác động trực tiếp lên đời sống, công ăn việc làm, giao tiếp xã hội và chuyện đi đứng lui tới của từng cá nhân trên toàn cầu.

Cũng nên thấy rằng chỉ mới báo “tình trạng khẩn cấp y tế công cộng”, nhiều nơi đã phải tuyên bố đóng cửa biên giới, phong tỏa khu vực, hủy bỏ nhiều chuyến bay và các tour du lịch…Nếu có đại dịch nữa, tất cả các nước có dịch phong tỏa, cách ly người nhiễm bệnh để kiểm và trừ dịch, tẩy khuẩn trên phạm vi rộng lớn hơn nhiều.

Khi chưa có đại dịch, con người tìm cách khống chế lây lan để hoãn bất kỳ sự bùng phát bệnh nào xảy ra trong cộng đồng, tức là hàng ngày hàng giờ chính quyền vùng có dịch tìm cách khống chế càng nhanh càng tốt.

Khi mua thời gian không được, tức nói theo ngôn ngữ của WHO, cơ hội khống chế “hẹp dần” và cánh cửa đại dịch mở ra, thế là đại dịch trở thành đại họa.

Bây giờ thì WHO tin TQ đang khống chế tốt dịch virus corona. Nên tin như thế. Mà lẽ nào từng người chúng ta không tin? Nếu như không tin dịch đang được khống chế, thì chỉ còn cách mỗi người tự tìm biện pháp riêng cho mình theo lời khuyên của ngành y tế như rửa tay thường xuyên và đúng cách, hạn chế tụ tập tối đa, đặc biệt tại vùng nghi có dịch, liên hệ giao tiếp với người khác những khi thật cần thiết, sử dụng thiết bị “từ xa”, tạo điều kiện cho công nhân viên làm việc ở nhà, tối đa hóa giảng dạy từ xa như cách làm hiện nay tại nhiều trường học và địa phương nước ta đang áp dụng.

Càng “hòa hoãn” về thời gian với đại dịch, ngành y tế càng giảm bớt sức ép cho hệ thống y tế công cộng, để tập trung vào cứu chữa cho những trường hợp thực sự bị nhiễm bệnh.

Thực tế thì không ít người tự chuốc tâm lý sợ hãi, hoang mang…tìm cách đi mua thực phẩm trữ đến nỗi như tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long phải lên tiếng không nhất thiết phải ra siêu thị gom thực phẩm gây tình trạng thiếu lương thực thực phẩm vô lối. Vậy chớ nên quá hoang mang mà đi đến “hoảng loạn”.

Phiên giao dịch đầu tuần hôm 24-2-2020 cho thấy giới kinh doanh tài chính đã “có mòi” hoảng loạn. Thiên hạ trên các sàn tài chính Âu Mỹ bán tháo khi nghe tin con số lây nhiễm và thiệt mạng lan đến Italia, Hàn Quốc, và cả nhiều vùng nóng cháy da ở Trung Đông như Iran.

Giá cổ phiếu chỉ số DJIA (Mỹ) rớt trên 1.000 điểm, NASDAQ mất 355 điểm, CAC 40 (Pháp) giảm 3,94%…Chỉ số rổ hàng hóa TRJ CRB rớt 4,08 điểm còn 107,57 điểm.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng con virus corona gây dịch lần này không chỉ gây nhiễm lên bệnh nhân mà còn gây nhiễm bằng những thông tin giả thiếu chính xác trên nhiều thị trường. Thị trường tài chính thường rất nhạy với các thông tin cả thật lẫn giả.

Sáng 25-2-2020, người phụ trách Facebook ở Pháp nói rằng từ khi có dịch bệnh, mạng xã hội này của anh ta phải loại đi 5,7 tỉ lượt tin giả tin đểu. Ngay cả có status nói nếu muốn diệt trừ virus corona thì nên uống một muỗng nước tẩy áo quần (eau de javel), tin không những giả mà quá độc ác, gây hại cho bà con đồng loại, vậy mà cũng có người đưa lên mạng “khuyên” bạn FB. Đưa tin như vậy thì chi bằng mong bạn mình “chết sớm”! Nếu như chọn sống trong hoang mang và hoảng loạn, thì con virus corona chưa tiệt mà mình đã chết vì bệnh tâm lý.

Nên để tránh những tâm lý tiêu cực thời dịch bệnh SARS-CoV-2, rất cần thiết cho mỗi chúng ta là phải theo dõi các thông tin hàng ngày từ nguồn chính thống, kiểm tra kỹ nguồn tin với bạn bè, để còn tiếp tục sống an lành và làm ăn hiệu quả.

NGUYỄN QUANG BÌNH

Hits: 55