2024 là năm của thị trường nông sản?

(KTSG) – Càng về cuối năm 2023, nhà vườn sản xuất các mặt hàng nông sản xuất khẩu thở phào, nhất là hàng hóa thương phẩm được giao dịch trên các sàn kỳ hạn tại Anh Quốc và Hoa Kỳ. Hầu hết nông sản mà Việt Nam mạnh thế xuất khẩu đều được giá từ gạo, cà phê, kể cả hồ tiêu… Không ít nhà vườn tin đà tăng giá của nhiều mặt hàng nông sản vào thời điểm cuối năm sẽ tạo hướng tốt cho năm tới.

Dù hồ tiêu chưa được giao dịch như một thương phẩm, giá tại các vùng nguyên liệu đã nhích lên dần và qua khỏi mức 85.000 đồng/ki lô gam, tăng hơn 15.000 đồng so với thời gian gần đây trong khi còn đến gần hai tháng nữa mới vào vụ thu hoạch chính.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam nhiều tháng liền trong năm đứng ở mức cao nhất thế giới làm nức lòng nhà nông dù qua một năm hiệu suất kinh doanh trên sàn kỳ hạn mặt hàng này vẫn còn âm trên 2% so với năm trước đó.

Thị trường cà phê robusta trong và ngoài nước tăng cực mạnh ngay từ đầu mùa thu hái, bù lại phần nào công sức của nhà vườn đổ ra suốt cả năm. Giá nguyên liệu trong nước có lúc đã vượt khỏi 70.000 đồng/ki lô gam, so với cùng kỳ năm 2022 tại thời điểm trước lễ Noel chỉ 41.000-42.000 đồng.

Không ít nhà vườn tin đà tăng giá của nhiều mặt hàng nông sản vào thời điểm cuối năm sẽ tạo hướng tốt cho năm tới. “Năm 2024 là năm của thị trường nông sản”, Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Simexco Daklak, một công ty xuất khẩu nông sản tên tuổi có trụ sở tại Buôn Ma Thuột mới đây khẳng định như vậy trong cuộc gặp gỡ khách hàng cuối năm.

Niềm tin giá nông sản còn tăng

Trong kinh doanh, ước ao và kỳ vọng về giá là một chuyện, vì điều ước có thể xảy ra hoặc không, thậm chí có khi còn đi ngược lại ý nguyện của mình. Tuy nhiên, nếu kỳ vọng được suy xét cẩn thận, dựa trên các cơ sở thực tế của thị trường… thì không thể xem là một mơ ước viển vông.

Suy cho cùng, giá một mặt hàng nói lên tất cả hay nói gọn hơn, tất cả đều nằm trong giá. Nhưng trong những ngày vừa qua, ngay tại kỳ chuyển từ năm cũ sang năm mới 2024, giá nhiều mặt hàng nông sản thương phẩm (giao dịch trên các sàn kỳ hạn) đều tăng trở lại. Tuần trước ngày lễ Noel nên được xem là “chủ đạo” vì phần nào tạo hướng đi cho thị trường trong những ngày tháng tới.

Trước tiên, ngoài yếu tố cung-cầu của từng mặt hàng xem ra có lợi cho các nước xuất khẩu, thì chính sách tiền tệ của Mỹ có ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy của các thị trường tài chính và hàng hóa phái sinh. Trong một thời gian dài, các nhà kinh doanh hàng hóa thương phẩm đã phải gồng mình, thậm chí có doanh nghiệp phải ngã ngựa giữa đường do lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng.

Các dấu hiệu tích cực đáng tin

Dữ liệu kinh tế Mỹ ngay trước đợt nghỉ lễ Noel đã khẳng định lạm phát giảm rõ nét, đơn đặt hàng lâu bền tăng trở lại, niềm tin người tiêu dùng cũng vững tăng. Tâm lý của giới đầu tư và kinh doanh đang sang trang khi thấy rất nhiều ngân hàng trung ương tại các nước nhập khẩu quyết định giữ nguyên lãi suất điều hành như tại EU, Anh, Thụy Sỹ… nhưng quan trọng nhất vẫn là Mỹ khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) ngưng tăng lãi suất và hứa hẹn một chu kỳ giảm lãi suất sẽ bắt đầu trong năm 2024. Lúc đầu giới kinh doanh bàn tán nhau phải đến giữa năm chu kỳ giảm lãi suất của Fed mới xuất hiện thì nay có ngưới tin đâu chỉ cần đến khoảng tháng 3 hay tháng 4 năm tới là có thể thấy rồi!

Đoán đúng hay không, không mấy quan trọng nhưng tâm lý hồ hởi như được cởi trói đã thể hiện trên nhiều sàn, lệnh hợp đồng mua quyền chọn bán giảm hẳn, chỉ số Sợ hãi và Tham lam của CNN (CNN Fear & Greed Index) đã qua vùng Cực Tham (Extreme Greed), tức là giới làm ăn bắt đầu chuyển từ rút cược (bán) sang đặt cược (mua) trên các sàn tài chính và hàng hóa nhiều hơn. Chính vì vậy, nhiều người ngạc nhiên không biết tại sao giá nhiều sàn nông sản thương phẩm cứ nhảy như ngựa bất kham ngay thời điểm “giao thừa”(1).

Sau một thời gian dài tính từ đại dịch Covid-19 bùng phát, kéo theo sau là khủng hoảng chuỗi cung ứng rồi các ngân hàng khóa chặt cửa tín dụng do sợ lạm phát, tồn kho nhiều mặt hàng nông sản giảm đi trông thấy. Chỉ riêng mặt hàng cà phê, tồn kho khả dụng cả arabica và robusta đến hết tháng 10-2023 tại châu Âu còn 8,44 triệu bao (bao=60 ki lô gam), giảm đến 39,1% so với cùng kỳ năm 2022 bấy giờ là 13,86 triệu bao. Tuy nhiên, lãi suất cao và nguồn tín dụng hạn hẹp, các nhà nhập khẩu không được tạo cơ hội mua lấp bù hàng hóa đã vơi. Mặt khác, càng thiếu tiền họ càng phải bán tồn kho để xoay sở. Cho nên, có thể đoán được rằng tồn kho nhiều mặt hàng nông sản khác cũng chung tình trạng như cà phê.

Dù vậy, nhiều mặt hàng trên các sàn kỳ hạn vẫn chưa lấy lại kịp. Hiệu suất kinh doanh của các sàn lúa mì, bắp và đậu nành còn âm sâu (hình 1) và năm tới sẽ là cơ hội vực lại cho những mặt hàng này.

Vả lại, nếu nói vốn lưu chuyển trên các sàn tài chính như một bình thông nhau thì chắc chắn sẽ có một vài lần điều tiết về vốn trong những tháng đầu năm. Theo đó các nhà đầu tư tài chính sẽ “gọt” bớt vốn từ sàn có hiệu suất kinh doanh vượt trội sang các sàn đang âm, mà không nhất thiết họ phải “nghiên cứu sâu” các yếu tố cung-cầu vì cái họ kinh doanh là dòng vốn. Nói thế để những người kinh doanh có liên hệ với các sàn kỳ hạn đã có giá cao chuẩn bị tâm thế cho một thị trường còn nhiều biến động lớn.

Chỉ số rổ hàng hóa CRB là công cụ đo lường 19 mặt hàng kinh doanh trên các sàn kỳ hạn, trong đó tỷ lệ hàng nông sản chiếm tỷ lệ cao nhất với 41%. Thế mà năm 2023, chỉ số CRB thể hiện chỉ ở mức “làng nhàng” không thể so bì được với các sàn chứng khoán. Có nên hy vọng dòng vốn chứng khoán sẽ chia sẻ cho hàng hóa thương phẩm nói chung, nông sản nói riêng? (hình 2)

EU siết hàng nhập khẩu vi phạm luật phá rừng, sự ngăn trở trên các kênh đào vận chuyển hàng hóa từ Đông sang Tây làm hàng thiếu lại càng thiếu, cộng với yếu tố thời tiết cực đoan, rồi Mỹ vào năm bầu cử Tổng thống… đều là những yếu tố thuận cho giá nông sản.

Nhưng trước tiên, chính sách tiền tệ ổn định tại các nước tiêu thụ đang tạo cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tự tin hơn. Đã đến lúc họ phải tính đến việc mua trữ tồn kho để bảo đảm giao hàng đều đặn và đúng hẹn. Và đó là yếu tố giúp cho giá dần vào ổn định cả trên thị trường hàng thực lẫn kỳ hạn.

Điều đáng lo nhất là khi thấy giá tăng, các nước sản xuất mở rộng thêm diện tích và đẩy mạnh sản lượng… thì đây chính là dùng “gậy ông đập lưng ông” cần phải tránh nếu như muốn giá cao bền lâu hơn.

(1) https://thesaigontimes.vn/kinh-doanh-an-toan-la-cai-chi-chi

NGUYỄN QUANG BÌNH, bài đã đăng trên Tạp chí KTSG bản in số 52-2023 ra ngày 28/12/23

Hits: 588