2/12/2019 Phản biện của phản biện về chuyện đặt tên đường cho 2 giáo sĩ Công giáo tại Đà Nẵng 

Mấy hôm nay rộ lên chuyện nên hay không nên đặt tên đường tại Đà Nẵng cho 2 giáo sĩ Công giáo. Đó là các Ngài Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes. Họ là hai trong những vị có công đầu trong việc kiến tạo, hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ.

Thiển nghĩ đó là việc cần thiết, nhất là khi chữ nghĩa, văn hóa đọc và viết tiếng Việt càng ngày càng bị văn minh kỹ thuât số đe dọa xóa sổ. Con em người Việt có thể quên mất nhanh chóng ai là người có công làm nên chữ để dân Việt đánh vần…nhất là giữa cái thời số hóa.

Nghe một số anh chị em có bằng cấp và được cho là nhà nghiên cứu đã phản biện rằng không nên lấy đường đặt tên cho họ. Tôi nghĩ đó là cách “vặn vẹo” chứ không hề mang tính phản biện. Phản biện cần có cơ sở khoa học và lịch sử. Lấy tâm lý “không khoái đạo của anh” để nói quàng nói xiên thì sao gọi là phản biện!

Một vài anh em nói rằng hai Ngài là những người truyền giáo nhưng thực chất là đi mở đường Pháp xâm lăng Việt Nam! Vậy thì không lẽ một số nhà tu các tôn giáo ở VN hiện nay qua Lào, Cam bốt, Đài Loan, nhiều nước khác khắp năm châu đều đi mở đường cho Việt Nam sau này xâm lược và chinh phục bằng vũ lực ở các nước đó sao?

Có người lấy cớ Alexandre De Rhodes là người Pháp nên gán cho Ngài là người mở đường xâm lược. Cách suy diễn này quá hồ đồ và chưa tới. Thật ra, A.De Rhodes sinh tại Avignon. Thời Ngài đi truyền giáo, Avignon chưa phải là một địa phận của Pháp cho đến 1791. A. De Rhodes đến Việt Nam năm 1624 nào có mang quốc tịch Pháp?

Còn Francisco De Pina lại là người Bồ Đào Nha. Ngài sang Việt Nam năm 1617! Nếu nói họ là kẻ dọn đường để Pháp tấn công Việt Nam năm 1858 thì quả là tưởng tượng rất bệnh hoạn. Làm sao mà Pháp nghe lời hai Ngài sau hơn hai thế kỷ đế đem đại bác nã vào nước ta?

Chỉ cần những mốc thời gian như thế để thấy rằng cách phản biện trên của những người không đồng ý đặt tên đường là thiếu cứ liệu lịch sử.

Nhưng cái quan trọng nhất đáng ngại của họ là thiếu phán đoán. Làm khoa học mà thiếu phán đoán, nghe theo bầy đàn, đặt tâm lý và tình cảm riêng tư vào một vấn đề cần soi xét thì quả là đáng lo đáng buồn cho học thuật!

Công lao của hai Ngài đáng được trân trọng và biết ơn. Công lao lớn như thế nào thì báo chí gần đây đã nêu, tôi xin miễn nói thêm.

Tiếng Việt còn, người Việt còn. Không biết anh chị em đã vặn vẹo viết công trình, luận án của mình bằng tiếng gì nhưng chắc chắn họ phải đánh vần “i – tờ/-tờ-i-ti”. Giả sử như tôi quên bài học đánh vần tiếng Việt đầu đời, thì vẫn phải học lại.

NGUYỄN QUANG BÌNH – SÀI GÒN 2/12/2019.

Hits: 80



2 Comments

1 Trackback / Pingback

  1. 2/12/2019 Alexandre De Rhodes không nói như quý ông bà hiểu! - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ

Comments are closed.