2/12/2019 Alexandre De Rhodes không nói như quý ông bà hiểu!

Nếu như A. De Rhodes sinh ra cùng thời với thi sĩ Pháp Jacques Prévert (1900-1977), nếu như vị thừa sai ấy là nhà thơ nặng mùi hiện sinh, thì Ngài đã không dễ bị hiểu lầm tai hại tại Việt Nam thời hiện đại.

Jacques Prévert trong một bài thơ, viết rằng: “Notre Père qui êtes aux cieux / Restez-y / Et nous resterons sur la terre / Qui est quelque fois jolie/ (Tạm chuyển ngữ: Lạy Cha chúng con ở trên trời / Xin Cha cứ ngự trên ấy / Còn chúng con xin vẫn ở đất này / Đôi khi thấy nó xinh xinh hay hay/)

Một trong những kinh đọc hàng ngày của người Công giáo là Kinh Lạy Cha. “Lạy Cha chúng con ở trên trời / Chúng con nguyện danh Cha cả sáng / Nước Cha trị đến / Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời / Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày…”.

Thế kỷ XVII, khi Alexandre De Rhodes sang giảng đạo tại Việt Nam, chắc Ngài đã lấy tinh thần bài kinh ấy để viết một đoạn trong cuốn “Divers voyages et missions” (Tạp lục hành trình và truyền giáo). Hoàng Dũng, PGS TS Ngôn ngữ học có trích trong bài viết của ông mới đây trên trang Văn Việt. Có đoạn như sau:

““J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujettir à Jésus Christ” [lẽ ra, nếu trích cho trọn câu thì phải thêm “[…] et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des évêques, qui fussent nos pères et nos maitres en ces églises.”] với lời dịch của giáo sư Hoàng Tuệ: “Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ”, từ đó khẳng định: “[…] Alexandre de Rhodes là người có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông””(hết trích).

Hoàng Dũng cũng nói rằng sau này còn một số nhà nghiên cứu khác như Nguyễn Đình Đầu, Hồng Nhuệ và Đinh Xuân Lâm cho rằng lời ghi trên là diễn đạt lấy hứng từ Kinh Lạy Cha.

Là một vị tu sĩ, lãnh “bài sai” truyền giáo, điều quan tâm nhất của A. De Rhodes là làm sao cho ‘”Nước Cha cả sáng”. Có khác chi trách nhiệm hoằng pháp của các sư thầy sư cô đạo Phật nhỉ?

Các nhà nghiên cứu và Hoàng Dũng chỉ ra điều hiểu lầm tai hại khi trích dịch mà không tính đến hoàn/ngữ cảnh đoạn văn. Trong bài viết, Hoàng Dũng đã ghi nhận như sau “”Nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu đã dịch lại: “Tôi tin rằng nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ để chinh phục toàn phương Ðông và đặt dưới quyền trị vì của Ðức Giêsu Kitô, và đặc biệt tại Pháp, tôi sẽ tìm cách có được Giám mục, các ngài sẽ là cha và là thầy chúng tôi tại các Giáo hội này” (tức là Ðàng Ngoài và Ðàng Trong). Ông Nguyễn Ðình Ðầu nói thêm: “Nếu đọc nguyên đoạn trích trên đây, ta mới hiểu chữ chiến sĩ có nghĩa bóng là thừa sai (đối với giám mục là cha và thầy họ). Còn “chinh phục toàn phương Ðông” là để cho “nước Cha trị đến”, chứ không phải để cho Pháp đến thống trị. “Chinh phục” hiểu theo nghĩa tôn giáo, chứ không phải chính trị. Vì ngộ nhận trên, người ta mới gán cho chữ Quốc ngữ “còn có ý nghĩa chính trị” vậy!””(hết trích).

Nhưng cho đến nay, nhiều người vẫn khăng khăng cho rằng A. De Rhodes là tội đồ của lịch sử Việt Nam vì “truyền đạo đi trước, đại bác theo sau”. Làm sao mà nặn ra được ý nghĩ thiên tài thế! Hai vị thừa sai Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes qua đời trước đến cả trên 200 năm khi Pháp xâm chiếm Việt Nam!

Các tìm tòi của các nhà nghiên cứu nói trên đã có từ lâu. Nhưng mấy nhà phản biện cho việc đặt tên đường ở Đà Nẵng sao không đọc và tìm hiểu thêm để tránh đưa ra đề nghị thiếu chính chắn và nghiêm túc? Nên, tui xin lấy hứng từ Kinh đã nói mà than “lạy mấy cha mấy mẹ, nạo lưỡi chục lần trước khi nói…cho dân ngu nhờ”.

XIN ĐỌC THÊM:

2/12/2019 Phản biện của phản biện về chuyện đặt tên đường cho 2 giáo sĩ Công giáo tại Đà Nẵng 

Đừng bị ám ảnh bởi chứng hoang tưởng tả khuynh (HOÀNG DŨNG)

NGUYỄN QUANG BÌNH – SÀI GÒN 3/12/2019.

Hits: 26