Tết chia sẻ

Ảnh Nguyễn Kim Hồng

(KTSG Online) – Không chỉ đến Tết cái tủ áo 0 đồng mới thu hút người lui tới ở góc đường tại khu phố tôi. Người cần cứ tự nhiên đến lấy miễn áo hay quần vừa vặn với mình; người có cái không xài, được khuyến khích đem lại tủ, treo lên móc… Dù giá trị đồ tặng không bao nhiêu, nhưng ý tưởng và nghĩa cử của người cho quý hóa biết nhường nào.

Chia sẻ là hành động nhường cái mình có chia cho người còn thiếu.

Chẳng ai nghĩ mình làm chuyện ấy để được bề trên ban cho phước báu về sau. Chẳng ai tin mình làm chuyện ấy để “tẩy nghiệp” đặng lên Niết Bàn cả. Hãy xem đàn kiến, khi bạn mình vác nặng, cả bầy xông vào mỗi chú kiến phụ một vai. Bố thí vì bất kỳ một mục đích gì, để tìm lợi lạc đời này hay đời sau, đều mất hết ý nghĩa.

Thật ra, vào dịp Tết, ta mới thấy rõ hơn những khó khăn của người quanh mình. Tôi thích dùng cái từ “chia sẻ” vì nó mang tính chất xã hội, con người hơn. Chia sẻ là hành động nhường cái mình có chia cho người còn thiếu. Thật ra nhiều người biết tiếng Pháp thường dịch từ “charité” là “từ thiện”, đúng vậy, nhưng trong từ ấy có gốc “chair” tức là “xương thịt máu mủ”, thì cũng có thể nói ấy là “chia sẻ”. Chia sẻ là chia cho đồng loại, đồng bào, những ai cơ nhỡ, thiếu thốn… một phần máu xương tự mình trích ra, và như vậy, đồng loại cũng là chính mình, anh em mình, “anh em như thể tay chân” là vậy.

Bố thí, từ thiện, chia sẻ… dĩ nhiêu đều cùng nghĩa ấy nhưng trong quá khứ nhiều người đã từng dùng hoạt động bố thí, từ thiện của họ để đánh bóng tên tuổi, công ty, lấy hoạt động ấy để làm đẹp thương hiệu của mình, nên đã tạo ra không ít thiên kiến cho các từ thánh thiện này.

Tết năm nay, nhiều khu phố tại phường tôi đưa ra chủ trương “chăm lo Tết cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn…”. Không những thế, chưa đến Tết, nhiều bạn đã chuẩn bị áo ấm, thuốc men, thực phẩm để lên đường, đến các vùng cao, vào các nơi xa để chăm sóc y tế cơ bản, sửa lại nhà; có người trích một phần lương thưởng dịp Tết để phụ đoàn từ thiện, thấy ở đâu không được điều kiện như mình là “xông đến”, đi đạp đất, xông đất để chia sẻ.

Ai cũng có cảm giác sau đại dịch Covid-19, số lượng người cần hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần nhiều hơn. Nền kinh tế thị trường tạo thêm hố sâu ngăn cách giữa người với người cả về tâm lý lẫn cái ăn cái mặc cái ở… Cho nên, khái niệm từ thiện, bố thí, chia sẻ nay đã thoáng, bao la hơn. Chia sẻ là đến, tiếp cận, chung tay góp sức góp của mình có mà không dùng hết, vì sự ủng hộ cộng đồng thiếu điều kiện tốt đẹp hơn.

Xưa kia “ăn mày” đến từng nhà xin tiền, thức ăn, nay người nghèo đói nhất đã bỏ đi thói quen ấy tự bao giờ. Và lạ chưa, từ “ăn mày” hình như rụng dần khỏi ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày. Đó là một tiến bộ xã hội. Cho nên tiếp cận, đi gặp, chăm sóc người khốn khó cơ nhỡ tại nơi họ sinh sống là một thực tế. Dù họ ở đâu, trong nhà, ngồi ngoài đường, dưới dạ cầu hay trong khu ổ chuột, trên núi hay dưới lũng sâu, người tình nguyện đều đến chia sẻ miếng cơm manh áo, hay giúp họ dựng lại nhà với mong muốn người được giúp vươn lên thoát cảnh cơ cực tạm thời, vì biết đâu được “sông có khúc người có lúc”.

Để hoạt động chia sẻ, từ thiện, bố thí… thu được hiệu quả cao hơn, giúp được nhiều người hơn, tất cả đều cần những mạnh thường quân là công ty hay cá nhân, nhiều cơ sở từ thiện của các tôn giáo, hội đoàn như Chữ thập đỏ để giúp những cơ sở và cá nhân có từ tâm điều phối việc làm của mình một cách vô tư, minh bạch.

Nên chăng, cần có gặp gỡ các hội làm từ thiện trên toàn quốc để có dịp những người thiện lành bày tỏ các dự định, trao đổi những thuận lợi, khó khăn của chính mình, phương cách thu nhận và chia sẻ. Thiết nghĩ, nếu được tổ chức, qua đó biết kế hoạch từ thiện chung, thì đây là một đội quân tình nguyện to lớn hỗ trợ nâng cao điều kiện sống dù là tạm thời đối với các nhà quản lý xã hội vốn thường bị ràng buộc do kế hoạch tài chính hạn hẹp hay vì các thứ khó khăn, hạn chế khác.

NGUYỄN QUANG BÌNH (bài đã được đăng trên thesaigontimes.vn)

Hits: 58