16/12/2023 Những điều cần biết sau Hội nghị cuối cùng 2023 của Fed.

Hầu hết ngân hàng trung ương (Fed của Mỹ, ECB của Châu Âu, BoE của Anh) đều quyết định không tăng lãi suất điều hành trong các cuộc họp của họ tuần qua. Với thị trường cà phê, Brazil hạ lãi suất 0,50% và hứa hẹn hạ tiếp trong tháng 1/2024.

Quyết định của Fed ngưng tăng lãi suất là chuyện đã đoán trước nên thị trường không bất ngờ mấy. Thị trường hàng hóa và cổ phiếu có biến động chăng là những gì Thống đốc Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo sau phiên họp. Ông có giọng dịu hơn dù không hứa sẽ giảm lãi suất USD bao nhiêu và khi nào thì bắt đầu trong năm 2024 khi năm mới chỉ còn mấy ngày nữa.

Giới đầu tư tài chính ngoài Mỹ như ở EU…vẫn thất vọng với sự bất định của ECB nhưng thấy giọng Fed có lối thoát, nên phần nào yên tâm, “Mỹ vậy thì ắt ta cũng vậy”.

Lãi suất điều hành USD hiện nay là 5,25%-5,50%. Sau cuộc họp Fed, nhìn vào đồ thị mà Fed hay sử dụng để quyết định, giới đầu tư kỳ vọng đâu giữa năm 2024 Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất, ít thì 0,75% nhiều thì 1%. Các năm 2025, 2026 còn giảm nữa khi lạm phát Mỹ về mức mục tiêu, tức ta nói trung tính trong vùng 2%-2,50%.

Đó là theo một kịch bản hết sức quân bình. Giả như từ đây, giá hàng hóa dịch vụ tăng, các yếu tố cấu thành như lượng công ăn việc làm tăng hay giảm…thì giọng của Fed có thể khác đi. Nhưng bây giờ thì đang thuận cho giới đầu tư bán USD nhảy vào đặt cược trên các tài sản rủi ro (risk on). Điều này không chỉ thệ hiện trên giá hàng hóa thương phẩm mà ta biết, chỉ số Sợ hãi và Lòng tham của CNN (Fear and Greed Index) hôm qua nằm ở 67 điểm so với tuần trước (khi họ tin mình đoán đúng Fed không tăng lãi suất) bấy giờ là 70 điểm. Nên nhớ qua khỏi 75 điểm là mức “Lòng tham” qua vùng “Rất tham” tức cứ nhắm mắt mà đặt cược, mà mua vào. Tuần qua, giá vàng và các sàn nông sản thể hiện điều đó. Giá thực phẩm tăng, giá dầu thô tăng…lại sẽ bất lợi cho quyết định của Fed nếu như lạm phát bùng lên lại! Cho nên, cũng cần nghĩ rằng giá trên các sàn hàng hóa vừa qua, yếu tố cung cầu chỉ tác động một phần nhỏ. Cái tâm lý phấn chấn của giới kinh doanh và đầu tư trên các sàn tài chính, tin mạnh vào việc Fed sẽ giảm lãi suất (nhưng chưa giảm và chưa biết khi nào giảm) đã kích giới đầu tư bán USD ra để đưa tiền vào mua trên các tài sản rủi ro, vàng không ăn được cũng mua, ngũ cốc cũng tăng, giá nông sản nhiệt đới cũng bùng lên không trừ một sàn nào.

Các bạn còn nhớ có một thời, người ta bán USD để mua đồng Franc Thụy Sỹ, giá đồng tiền này lên ngợp đến nỗi người Thụy Sỹ than trời, yêu cầu đừng làm thế nữa.

Hiện nay, tâm lý kinh doanh mang nặng đầu cơ tài chính đang làm xoay chuyển thị trường, không chỉ cổ phiếu mà cả hàng hóa thực. Ai theo, hên thì nhờ rủi thì chịu, trúng thì thành anh hùng, thua thì chẳng biết trách ai (nên nhiều người thường trách bạn mua hàng của mình)! Khổ vậy chứ!

Nhiều bản tin nhận thông tin trên báo nước ngoài thế nào về sao y như vậy. Cần phải biết bản tin có hai mặt, mặt đúng và mặt bị đầu cơ lợi dụng. Cái dễ bị lợi dụng nhất là tin thời tiết vì nói không mưa mà nay có mưa thì sao! Như trường hợp của sàn arabica và nay là robusta.

Giá tăng là tốt nhưng đừng để thị trường trở nên căng thẳng và điên loạn, mất kiểm soát, có khi chính mình phải trả giá cho chuyện ăn thua và ngành hàng cả nước trả giá cho cái uy tín đã được  xây đắp hàng chục năm nay do các nhà xuất khẩu thiếu hàng giao.

Tâm lý kinh doanh hiện nay đối với thị trường robusta là các nước sản xuất mất mùa đậm dù Brazil xuất khẩu robusta tháng 11/23 tăng 677% nhưng không đủ trấn giá, nhiều luồng tin khác nữa được và không được kiểm chứng, chưa được tiêu hóa kỹ nên thành ra ai cũng tin theo và…giá tăng là đúng rồi. Giá robusta 5 ngày qua tăng 340 USD/tấn (tính đáy xuất phát và đỉnh), còn tính trên đóng cửa tăng 299 USD/tấn. Còn hơn arabica khi có sương giá thật trong những năm 1990!

Tôi không phải mất vui khi giá hàng hóa tăng vì chỉ có lợi cho nước xuất khẩu mà nước ta là một nước mạnh, nhiều mặt hàng đang được giới kinh doanh lấy làm tham chiếu. Tuy nhiên, không nên để thế cuộc nóng bỏng kéo theo vì đó là cách mà giới đầu cơ đưa ta vào rọ.

Nhiều lần tôi đã trình bày, giá hàng hóa hiện nay rất phụ thuộc vào quyết định của các ngân hàng trung ương. Khi thấy sự điều hành về lạm phát có thể bị chệch, đố các vị thống đốc nước tiêu thụ không bắt các sàn kéo giá xuống…còn không họ sẽ trị như…không hạ lãi suất!

Bấy giờ…ai điên cuồng theo giá sẽ phải trả giá. Vậy thôi chứ nói sao bây giờ!

=

NGUYỄN QUANG BÌNH

0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài viết này hoàn toàn miễn phí với tâm niệm người viết nỗ lực chuyển tải những tin tức mới nhất về thị trường và những tác động có thể ảnh hưởng đến thị trường cà phê trong thời gian gần cũng như xa. Nên nó hoàn toàn không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…

 

 

 

 

Hits: 497