(11-4-2017) Tồn kho cà phê tăng tại các nước nhập khẩu sẽ gây phiền cho giá kỳ hạn?

Xuất khẩu cà phê tháng 3-2017 của Việt Nam đạt 168.000 tấn, giảm chừng 7% tính so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại tăng 17% so với tháng 2-2017. Như vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 6 tháng đầu niên vụ đạt 834.100 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ, Hồ Bình Minh, phóng viên của VnExpress trích dẫn và so sánh các con số chính thức do Tổng cục Hải quan báo cáo.

Xuất khẩu tháng 3-2017 không đạt như kỳ vọng vì một số cơ quan quản lý ước phải đạt 180.000 tấn.

Tuy xuất khẩu nửa đầu vụ tăng nhẹ, tồn kho tại các nước nhập khẩu lại tăng, ông Minh nhận định. Như vậy, lẽ nào các nước khác tăng cường xuất khẩu?

Thời gian qua, cà phê robusta Việt Nam đóng góp một phần không nhỏ để làm tăng khối lượng cà phê robusta đạt chuẩn trên sàn London, số hàng đạt chất lượng này được quyền bán trên sàn với giá đã được định chuẩn theo qui định của sàn như giá robusta chuẩn loại 2 là -30$/tấn, loại 1 bằng và giá thượng hạng +30$; trường hợp một số lô không đạt, tùy theo cấp hạng mà mỗi cấp thấp hơn trừ thên 30$ tính từ giá chuẩn của loại 2.

Khối lượng cà phê robusta đạt chuẩn sàn London tăng lên mức 2,85 triệu bao (60 kg x bao) hay 171.000 tấn. Nhịp độ tăng dần đều này xuất hiện từ tháng 10-2016 đến nay, ông Minh nói trên VnExpress trang tiếng Anh.

Mức tồn kho là chỉ báo quan trọng cho hàng có chất lượng tốt để bán buôn mà người miền nam còn gọi là bán sỉ.

Tổ chức cà phê thế giới (ICO) cho biết tồn kho tại Mỹ đến tháng 2-2017 là 6,45 triệu bao, mức cao nhất tính từ tháng 3-2003.

ICO nhận định rằng tồn kho nhiều, cộng với viễn cảnh sản lượng cà phê 2 nước sản xuất đứng đầu thế giới là Brazil và Việt Nam tăng trong những vụ tới, có thể là nguyên nhân làm giá kỳ hạn cà phê giảm nữa, ông Minh nói trên bản tin của VnExpress.

PHẠM KỲ ANH

Hits: 115