05/02/2021 Bảo vệ thiên nhiên, phồn vinh kinh tế

nguyễn quang bình/thitruongcaphe.net

Mới đầu năm, nghe tin nhiều tỉnh mở cửa đón nhận các ông lớn vào đầu tư làm ăn mà thấy mừng trong bụng. Kể cả khúc ruột miền trung như các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình rồi Bắc Giang đến tận Đồng Nai…đều đón người mới về nhà làm ăn với hàng tỷ đô la Mỹ…không vui sao được!

Giới chuyên gia ước làn sóng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam chỉ mới bắt đầu. Năm 2021, vốn đầu tư có thể lên đến hai ba chục tỷ đô la.

Ngoài một số điều kiện quan trọng để các đại gia chọn nơi làm ăn như một đất nước phải có chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, thuận tiện về vị trí địa lý, bảo đảm nguồn nhân lực, nhưng có lẽ nói không quá rằng hấp lực lớn nhất của đợt đầu tư này chính là nhờ Việt Nam có các biện pháp ngăn chặn dịch tốt.

Đại dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) chỉ làm giọt nước tràn ly. Hoạt động sản xuất và kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước ngắc ngoải do hết H5N1, đến dịch tả heo…khiến họ phải lo lắng cho chuỗi cung ứng. Nhỡ…thêm một lần gãy đổ nữa trong vòng vài năm, nhỡ dịch bệnh trở thành chu kỳ hay kinh niên thì sao?

Dù các đoàn công tác y tế quốc tế đang sang các vùng dịch tại Trung Quốc để kiểm tra nguyên nhân “môn khoai” thế nào, dù không biết bao nhiêu thuyết âm mưu về nguồn gốc và ý đồ của đại dịch Covid-19, tin hay không tin chưa cần biết, nhưng chắc chẳng ai chối cãi rằng đại dịch xảy ra là do con người tàn phá thiên nhiên với nhiều lý do và đang đe dọa sức khỏe nhân loại, trực tiếp ảnh hưởng đến kinh doanh làm ăn kinh tế không chỉ một vùng riêng lẻ nữa mà cả toàn cầu.

Mới đây, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đưa ra con số đáng báo động. Từ năm 2004 đến 2017, có đến 43 triệu héc-ta rừng trên thế giới bị xóa sổ. Cứ tưởng tượng con số ấy bằng đến 130% toàn bộ diện tích của cả Việt Nam. Chưa tính rừng Amazon, chỉ trong vòng hai năm 2018-2019, lá phổi của thế giới tại Brazil đã mất đâu chừng 15.000 héc-ta.

Vì cái ăn, vì đua nhau sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nông sản mà nhiều quốc gia đã khai thác cạn kiệt thiên nhiên. Ngọn lửa đốt rừng thiêu rụi luôn da dạng sinh học và sinh ra dịch bệnh triền miên trên thế giới.

Thử nhìn lại xem, chỉ trong vòng chưa đầy một phần tư thế kỷ, dịch bệnh bùng phát khắp nơi, nào Zika, Ebola, cúm gia cầm…và Covid-19 đều có nguồn gốc từ động vật và lây sang người cả.

Phá rừng, hủy hoại hệ thống môi trường thiên nhiên, kinh doanh và tiêu thụ động vật hoang dã… rồi thêm phong trào đô thị hóa đã dẹp luôn nhiều đồng cỏ, thảo nguyên, con người đã vô tình đưa động vật hoang dã về tiếp cận với vật nuôi, gia súc và với cả chính mình. Các tiếp xúc ngày càng thường xuyên này đã tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh ở động vật hoang dã thích nghi và lây nhiễm sang người. Đây là cách mà nhiều dịch bệnh phát sinh, lây lan quan mạng lưới đường bộ, trung tâm đô thị, các tuyến giao thông và thương mại toàn cầu.

Năm ngoái, khi nhiều chuyên gia dự đoán Việt Nam là một trong những nước có lợi nhất trong chuyển dịch đầu tư, bấy giờ chưa mấy ai tin. Không ngờ chẳng bao lâu, nay trở thành hiện thực. Uy tín của một Việt Nam chặn dịch đã nhận được “trái ngọt đầu mùa”.

Tuy nhiên, sức hút về đầu tư và phát triển kinh tế chỉ bền vững khi xem các biện pháp bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng…là tấm lá chắn từ xa khỏi các dịch bệnh như Covid-19. Mới đây, Tổ chức Liên Chính phủ về Nền tảng Chính sách Khoa học cho Đa dạng sinh học và Sinh thái (IPBES) ước tính rằng hiện vẫn còn 1,7 triệu loài virus chưa được phát hiện ở động vật có vú và chim, trong đó từ 540.000 đến 850.000 virus có thể có khả năng lây nhiễm sang người. Trước tình hình ý thức và biện pháp bảo vệ thiên nhiên chưa thấm, Bill Gates cũng đã từng đoán trong một thời gian không xa, có thể còn xuất hiện một hay nhiều đại dịch khác.

Nhớ lại trận lũ 2011 tại Bangkok làm giới đầu tư choáng váng với bao nhiêu thiệt hại về nhà máy và hàng tồn kho, trận lũ miền Trung Việt Nam năm vừa qua cũng là một cảnh báo và thử thách lớn cho thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế.

Phát biểu của chủ tịch IPBES nghĩ thật rất đúng: “Sự phá hủy tính đa dạng sinh học và hệ sinh thái của con người chúng ta nay đã đạt tới mức đe dọa chẳng khác gì sự biến đổi khí hậu cũng do con người gây ra và chúng ta cần phải chú ý để tránh tác động của sự tàn phá”.

Như vậy, biết trọng thiên nhiên chính là điều kiện để phồn vinh kinh tế và hơn nữa là bảo vệ mạng sống của chính từng người.

NGUYỄN QUANG BÌNH (bài được đăng trên TBKTSG bản in số 5-2021)

Hits: 46