Tiêu… theo giá tiêu

(TBKTSG) – Thật dễ bất bình khi lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu trong phiên họp cứ dán mắt vô chiếc điện thoại thông minh (smartphone) của mình, thi thoảng mới hất đầu lên như giả bộ nghe ai đó phát biểu góp ý kiến…

Leo vào mạng để mua bán

“Tuổi này rồi mà còn thích các trò chơi trên màn hình nhỉ?”, tôi thẳng thắn góp ý để rồi bất ngờ nhận được một phản ứng khá nhẹ nhàng rằng “tôi đang trao đổi giá hồ tiêu trên mạng” bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Hối hận trong lòng vì đã nghĩ xấu cho anh ấy. Anh chú mục vào giao dịch giá cùng với cả chục bạn “chat” trên mạng xã hội. Đưa cho tôi xem màn hình như một bằng chứng mình đang làm việc chứ không phải chơi “game”. Một loạt bạn “chat” từ khắp nơi, người từ TPHCM, kẻ ở Quảng Châu, anh ở Dubai… hỏi mua hỏi bán, dò la tin tức thị trường hồ tiêu.

Thời kinh doanh thắt cà vạt, xách cặp “samsonite” đến gặp đối tác tại phương trời nào đó để đàm phán hợp đồng… đã hết. Bất kỳ nơi đâu, khi cần mua hay bán, các nhà kinh doanh hồ tiêu thời nay rủ nhau leo lên mạng xã hội và lập chợ ngay trên ấy. Nhiều thương vụ xảy ra, mạng ảo nhưng thị trường thực, hợp đồng thực…

Giá kêu ngược gọi xuôi

Giá hồ tiêu đang rất thời sự. Mới sáng nghe anh giám đốc trách nhân viên sao giá hồ tiêu ở mức 96.000 đồng/ki lô gam không chịu báo cáo để đến giờ giá nhảy lên 106.000 đồng/ki lô gam thì còn gì cơ hội…

Đến chiều được nghe giải thích có ông khách chơi khăm, gọi điện thoại đến vài chục vựa mua tiêu, luận bàn tỏ rõ chính kiến cung cầu, giá lên giá xuống, nhưng chỉ mua đâu dăm ba tấn để làm giá, tranh thủ lừa người ta bằng cách mua giá cao làm mồi rồi nhanh chóng bán thốc hàng trong kho mình ra thấp hơn vài giá nhằm giải quyết tồn kho. Đã có người tưởng “đối tác” ấy thiệt bụng, quyết định ôm vào cả trăm tấn giá 103.000 đồng/ki lô gam… tối về giá chỉ còn 95.000 đồng/ki lô gam, nhưng thị trường chẳng ai dám mua. Chỉ trong ngày, tính ra người tin giá tăng đã lỗ mất 8.000 đồng/ki lô gam!

Hồ tiêu Việt Nam đang vào mùa thu hoạch. Dù nhiều bản tin cho biết nhiều nơi vườn tiêu chết hàng loạt, nhưng giá cứ rơi. Từ 130.000 đồng/ki lô gam một vài tháng trước Tết Đinh Dậu, nay chỉ còn dưới 100.000 đồng/ki lô gam.

Khi thị trường không được tổ chức chặt chẽ, khi các đầu mối thông tin giá cả xuất khẩu dựa vào thương lái, quyết định với nhau trên mạng xã hội, giá tiêu hỗn loạn là không thể tránh khỏi.

Có anh mua thật, nhưng cũng không thiếu tay cố tình làm giá để ăn chênh lệch nhờ có tiềm lực tài chính, mua trữ một lượng hàng để đủ quấy rối thị trường… Người cười cũng nhiều, kẻ khóc không ít. Có người gia sản tiêu tùng vì đầu cơ giá lên. Tiêu…theo giá tiêu.

Đua nhau trồng tiêu… coi chừng tiêu

Ama Thơ, người Ê đê, ở Buôn Thá, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột chừng hai cây số, dự định mua dây lươn giống tiêu về trồng vài trăm cọc tiêu ở rẫy nhà mình dịp mùa mưa sắp tới. Quyết tâm đã sẵn, lòng còn bần thần với giá tiêu hiện nay vì vốn đầu tư không phải là ít. Không tính công, mỗi cọc tệ nhất cũng tốn của Ama Thơ 200.000 đồng, tùy theo lượng dây giống, cứ mỗi dây 15.000 đồng.

Đi đâu cũng nghe phát triển trồng tiêu đến nỗi cây cà phê, đã từng được gọi là cây “vua” cũng chào thua với mức độ nhân rộng diện tích cây tiêu như hiện nay.

Dù Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã lên tiếng cảnh báo không nên tăng diện tích trồng hồ tiêu, đến hết tháng 3-2016, VPA cho biết diện tích hồ tiêu hiện nay lên đến trên 100.000 héc ta, đã tăng gấp đôi so với quy hoạch cho đến năm 2020.

Do trồng bằng mọi giá, cây giống không chọn lọc, chăm sóc không chuẩn, không ít vườn tiêu tại nhiều nơi bị dịch bệnh chết sạch, nhiều nhà vườn trắng tay.
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước thấy giá hồ tiêu lên mạnh, nông dân cũng chạy theo trồng. Nghe nói diện tích hồ tiêu ở Brazil không ngừng tăng mạnh vì giá hồ tiêu xuất khẩu mới mấy tháng trước đạt mức 8.000 đô la Mỹ/tấn hạt tiêu đen và trên 11.500 đô la/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB) cho hạt tiêu trắng.

Dự báo xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam năm nay của VPA chừng 150.000 tấn, chiếm trên 55% thị phần hồ tiêu thế giới. Tuy nhiên, mới đây, Ấn Độ có lệnh ngưng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam để trả đũa cho quyết định ngưng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản của Ấn Độ. Hàng năm Ấn Độ mua của Việt Nam từ 10.000-15.000 tấn hồ tiêu.

Với mức tăng trưởng diện tích và sản lượng ồ ạt như vậy, cộng với các rào cản kỹ thuật cũng như cấm nhập khẩu của Ấn Độ, chắc chắn lượng hồ tiêu tồn kho gối vụ của Việt Nam sẽ rất lớn.

Cung hồ tiêu thừa là quá rõ. Thế nhưng đã có người đề xuất cứ giá hồ tiêu 90.000 đồng/ki lô gam là mua tạm trữ. Trong khi không quản lý được diện tích và sản lượng, không khống chế được giá của thị trường, liệu đề xuất ấy có hợp lý?

Khi giá thị trường xuống, nhất là giá trị hồ tiêu hiện rất cao, thì tình cảnh này chẳng khác gì chụp “đầu dao” khi rớt, vị giám đốc kinh doanh hồ tiêu nói. Tạm trữ? Với tình hình này, không chỉ đau đớn vì thua lỗ mà có khi gia sản phải tiêu… theo giá tiêu.

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên TBKTSG

http://www.thesaigontimes.vn/157957/Tieu-theo-gia-tieu.html

Hits: 185