Tiêu tha hồ và tha hồ… tiêu

Vì tránh húy kỵ mà phải nói chuyện hồ tiêu sớm. Dù không tin dị đoan, nhưng tâm lý bà con dịp Tết thích bàn đến thứ gì phát triển, nở nang cho năm mới thịnh tài. Chẳng hạn như chưng hoa dịp Tết không mấy ai chọn mua cẩm chướng tím dù rất thích. Hoa ngày đầu xuân phải nở rực, được cho là mới có lộc có danh. Khắp nơi các loại trái mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài đều bán rất chạy vì “cầu vừa đủ xài”…, để ấp ủ hy vọng làm ăn tấn tới cho mười hai tháng trong năm.

Gắn với trường hợp hồ tiêu, cũng không ít chuyện dở khóc dở cười. Có những năm một loạt hàng nông sản đều mất giá, nhiều anh em bạn đã từng nói đùa rằng kinh doanh cà phê còn chưa phê…lại thêm “tiêu…điều (đào lộn hột)” nữa thì không “toi” đã là may lắm rồi.

Vụ hồ tiêu 2021 hiện đang thu hoạch nhưng ít ai dám đưa mấy cân tiêu tặng bạn dịp này. Dẫu có giải thích tặng anh ít sản vật và mong tha hồ tiêu thì không chừng người nhận cũng ngờ ngợ. Còn nói tiêu tha hồ… thì coi chừng bị hiểu lầm, vì nhiều nhà vườn cho biết mất mùa chứ đâu mà tiêu tha hồ?

Thị trường hồ tiêu đã mấy năm liền lận đận. Giá hồ tiêu nguyên liệu trong nước năm ngoái có lúc xuống dưới 40 triệu đồng/tấn, bà con nông dân trồng hồ tiêu tưởng… tiêu luôn rồi. Đầu mùa năm nay, thị trường nhích lên được chừng hơn chục triệu đồng, nhưng tâm lý thảy đều chưa mấy phấn khởi và bắt đầu lo lo.

Đúng thế, nhà vườn trồng tiêu thấy rằng mới đầu tháng 12 của năm 2020 vừa qua, giá tiêu loại thường được 58 triệu đồng/tấn thì nay xuống còn 50 triệu đồng, như vậy không gọi mất mùa mất giá thì là gì?

Khi giá đang lên, bỗng nhiên ai đó đoán giá xuống, thì đó là điều húy kỵ. Giá giữa lúc 58 triệu đồng, tự nhiên có ông nọ lên mạng đoán giá tiêu sắp… tiêu, chắc sẽ còn 50 triệu đồng, lập tức bị nhiều người “ném đá” vì phạm húy. Bây giờ thì thấy ông ấy đoán đúng nhưng mấy ai muốn thích nghe câu “giá tiêu… tiêu rồi”.

Hồ tiêu Việt Nam có một vị trí đặc biệt trên thị trường thế giới. Tổng cục Hải quan cho biết tính từ đầu năm đến ngày 15-12-2020, Việt Nam xuất khẩu trên 275.000 tấn hồ tiêu các loại, chiếm hơn một nửa thị trường thế giới, tăng 0,2% về khối lượng nhưng giảm 8,6% về giá trị với 633 triệu đô la Mỹ.

Như vậy, về thị trường và giá cả, Việt Nam không gây ảnh hưởng lên thị trường thế giới thì thôi chứ có mấy nước sản xuất hồ tiêu khác có thể làm suy suyển giá đối với ngành hồ tiêu Việt Nam?

Nói về sản lượng, tuy chỉ toàn là những phỏng đoán, song nhiều người cũng cho đó là chuyện cần giữ kín. Nên đành phải lựa lời mà nói rằng năm nay mất mùa hay không thì chỉ thu hoạch xong mới biết. Tuy nhiên trong báo cáo chính thức của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam số 10-11/2020, các nhà nghiên cứu nông lâm nghiệp cho biết hầu hết đất nông nghiệp ở Tây Nguyên khai thác theo kiểu chuyên canh, trong đó chủ yếu hai loại cây dài ngày là cà phê và hồ tiêu, chiếm tỷ lệ tương ứng là cà phê 88% và hồ tiêu 63%.

Dựa trên phát biểu khoa học ấy, không cần phân tích cụ thể cũng có thể đoán sản lượng tiêu và nguồn lực xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó giảm. Giá tiêu lại không phụ thuộc nhiều vào bên ngoài và yếu tố tiền tệ như cà phê hay lúa gạo. Kể cả đồng nội tệ của các nước cạnh tranh lớn như Ấn Độ và Brazil biến động thì  khả năng ảnh hưởng có nhưng không quyết định và chỉ có tính nhất thời vì hồ tiêu không có sàn giao dịch phái sinh như cà phê hay lúa gạo.

Hoàn cảnh của thị trường xuất khẩu hồ tiêu năm 2021 còn không ít thử thách. Dịch Covid-19 với lệnh phong tỏa hàng loạt tại nhiều nước nhập khẩu chính khiến tình hình xuất khẩu khó khăn kéo dài chưa biết đến lúc nào. Đồng thời, do tình trạng thiếu container rỗng và cước tàu biển quá tầm tay của các hãng kinh doanh gia vị quốc tế nên họ chỉ mua khi thực sự cần. Vậy xuất khẩu sẽ chậm lại. Có lẽ trước mắt, nhà nhập khẩu phải tiêu thụ bớt hàng tồn kho giá rẻ đã tích trữ từ năm trước đây.

Nhưng sức bán trên thị trường nội địa sẽ xuất hiện ngày càng lớn. Trước hết, cần thấy mối quan hệ so sánh giữa mặt hàng cà phê với hồ tiêu. Giả sử giá cà phê xuống thấp, nhà nông sẽ chọn cách bán hồ tiêu ra, không phải do được giá mà do tiền thu về nhiều hơn… để ăn tết. Giá cà phê hiện nay quanh mức 32 triệu đồng/tấn trong khi hồ tiêu 50 triệu. Giá như có thương lái đến mua hồ tiêu từ Trung Quốc như các năm trước, thì chắc giá đỡ hơn! Tuy nhiên, do dịch bệnh, “gánh” này vắng bóng.

Nhưng “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Đã có một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu tiên phong bỏ tiền đầu tư chiều sâu – chế biến hồ tiêu sấy lạnh. Công ty này xuất khẩu hồ tiêu sấy lạnh với giá cao gấp bảy lần giá trị sản phẩm nguyên liệu. Tuy nhiên, năng lực mua và chế biến của công ty cũng có giới hạn. Hơn nữa, không phải loại tiêu nào cũng tiêu thụ được mà phải là tiêu sạch, tiêu chín.

Nâng cao giá trị, đa dạng hóa sản phẩm hột hồ tiêu còn nhiều đường, nhưng đó là một cách đáng hoan nghênh. Làm được như công ty ấy, thì dù sản lượng tiêu có tha hồ thì tiền tha hồ…tiêu, không phải vậy sao?

NGUYỄN QUANG BÌNH (bài đã được đăng trên TBKTSG số 3-2021 bản in 14-1-2021)

Hits: 28