Nhận định giá cà phê thế giới từ 20-25/06/2022: Bức tranh kinh tế vĩ mô chưa tạo điều kiện để giá tăng

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Thị trường liên tục bị gây áp lực

Hình 1 (*Cơ sở giao dịch London và New York tháng 09/2022)

Thị trường tài chính toàn cầu có một tuần biến động dữ dội. Cả ba chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ thêm một tuần giảm điểm và là tuần giảm mạnh nhất trong vòng hai năm trở lại. Nhiều sàn hàng hóa các nhóm cũng tăng giữa tuần trong lúc chờ đợt quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) nhưng rồi cuối cùng quay đầu giảm.

Giá dầu thô về khu vực 110 Usd sau khi lên trên 120 Usd/thùng, giá vàng chạm 1870 Usd nhưng cuối tuần chốt ở vùng 1840 Usd/ounce. Chỉ số rổ 19 loại hàng hóa giật lùi về vùng 330 so với trước đó nằm trên vùng 350 điểm.

Fed cùng với nhiều ngân hàng trung ương khác của Vương Quốc Anh và cả Thụy Sỹ đều quyết định tăng lãi suất điều hành hầu như cùng một lúc. Ngoài ra, ngân hàng trung ương EU (ECB) đã báo sẽ tăng lãi suất từ đầu tháng 07/22.

Với cà phê, thủ đô London của Anh Quốc, là nơi có sàn giao dịch phái sinh robusta trong khi Thụy Sỹ là nơi được nhiều tập đoàn kinh doanh và chế biến cà phê lớn nhất thế giới chọn đặt trụ sở. Do vậy, hai sàn cà phê London và New York “chạy trời không khỏi nắng” để cuối cùng có kết quả giảm.

Sau khi quyết định tăng lãi suất điều hành đồng USD thêm 0,75% để đạt mức hiện hành là từ 1,50% đến 1,75% vào ngày 15/06, Thống đốc Fed Jerome Powell phát biểu rằng Fed “đang tập trung cao độ vào nhiệm vụ kéo giảm lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%”.

Vậy là giá trị đồng USD (DXY) được dịp tăng giá do giới đầu tư chọn tiền USD làm nơi trú ẩn an toàn. Trong tuần, có lúc chỉ số giá trị đồng USD/DXY trong rổ 6 đồng tiền mạnh lên mức cao nhất tính từ 20 năm nay (105+ điểm), DXY đã giảm ngay khi có tin chính thức ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Fed lại có phiên họp tiếp vào tháng 07/22 và thị trường tin lãi suất đồng Usd lại có dịp tăng thêm 0,75% trong kỳ tới.

Qua chính sách tiền tệ trên, nhiều nhà phân tích tài chính cho rằng suy thoái trong ngắn hạn là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Vấn đề hiện nay giới đầu tư quan tâm là suy thoái sẽ kéo dài trong bao lâu và ảnh hưởng tới lợi nhuận của họ như thế nào, ông Chris Harvey, trưởng ban chiến lược chứng khoán của Wells Fargo nói vậy.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê

Tính đến ngày 16/06, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn so với báo cáo tuần trước như sau: robusta London đạt 103.810 tấn tăng tốt từ 101.370 tấn, arabica New York giảm còn 59.918 tấn so với là 61.253 tấn. Lượng arabica giảm nhanh do một số chủ hàng chuyển một lượng tồn kho arabica sang thị trường khác.

Tồn kho cà phê khả dụng tại Bắc Mỹ thuộc Hiệp hội Cà phê nhân Mỹ (GCA) tính đến hết tháng 05/22 đạt 6,004 triệu bao (bao=60 kg) tương đương với 12 tuần sử dụng. Khối lượng này so với tháng 04/22 tăng 1,6% và so với cùng kỳ 2021 tăng 3,2% (xem đồ thị hình 1).

Về vụ mùa Brazil

Robusta: Người Brazil còn gọi là “conillon”. Cà phê thuộc niên vụ 2022-2023 gần như đã thu hái xong. Nông dân tỏ ra hân hoan do được mùa. Họ ước năm nay sản lượng robusta Brazil không thể dưới 20 triệu bao.

Đối với vụ mùa 2023-2024 (sẽ thu hái vào tháng 04/2023), vùng trọng điểm robusta của Brazil là Espirito Santo báo vừa qua đã nhận đợt mưa vàng rất tốt, ước lượng mưa đo được chừng 100mm mà khỏi đợi Brazil vào mùa mưa (thường tháng 10 hàng năm).

Theo Qualicafex Brazil, giá cà phê nội địa Brazil vào ngày 31/05/22 như sau: arabica chế biến khô đạt 4.560 Usd/tấn, robusta 2.395 Usd/tấn.

Thương nhân kéo hàng tồn kho đạt chuẩn arabica từ châu Âu qua Mỹ

Ít ra có 5 thương nhân báo với Reuters rằng họ đã thấy chừng 100.000 bao tức 6.000 tấn arabica tồn kho đạt chuẩn được chuyển từ kho Antwerp (VQ Bỉ) sang Mỹ. Họ dự kiến phải đến 250.000 bao sẽ được đưa đi trong vòng hai tháng tới. Đấy là hàng tồn kho để lâu năm, nay đến kỳ bị giảm giá do để lưu kho quá lâu mà không chịu đấu giá qua sàn. Hiện trong các kho thuộc sàn arabica New York tại châu Âu, có đến gần 1 triệu bao hàng đạt chuẩn có xuất xứ từ Honduras (410.000 bao) và Brazil (420.000 bao).

Giá cả

Trước áp lực tăng lãi suất điều hành tại ba nước có quan hệ mật thiết thị trường cà phê, cộng với chỉ số DXY tăng mạnh trong khi đồng nội tệ Brazil giảm, giá cà phê tuần qua giảm.

Đóng cửa phiên cuối tuần trước, giá hai sàn phái sinh kỳ hạn tháng 09/22 như sau:

-Robusta London giảm 16 Usd chốt tại 2.079 Usd/tấn trong biên độ 2.118-2.032. Như vậy đỉnh và đáy đều giảm so với tuần kết thúc 10/06 là 2.155-2.077.

-Arabica New York giảm 1,40 cts/lb hay 31 Usd/tấn chốt ở 227,40 cts/lb trong biên độ 235,15-219 cts/lb. Giá arabica cũng có đỉnh và đáy thấp hơn trước như sàn robusta 241,75-227,70 cts/lb.

-Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ giao dịch giá thực tế trên 44 triệu đồng/tấn, là mức ngang bằng với một số thời điểm năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, giá nội địa tăng trên con số nhưng giá trị không bằng các năm trước do tỷ giá VNDUSD nay trong vùng 23.300-24.000 VND.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 20-24/06/2022: Sàn London giao dịch như muốn “chờ thời”.  

Sàn robusta có một tuần biến động mạnh giữa mức cao/thấp nhất là 2.118 và 2.032 để chốt tại 2.079. Vậy là đỉnh và đáy tuần qua thấp hơn tuần trước đó. Lý do biến động đã rõ. Ngoài ra còn thấy vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn giảm lượng dư mua nhiều. Nếu như khóa sổ ngày 07/06 hai sàn tăng mua khống lên trên 6 nghìn hợp đồng, thì đến 14/07, cả hai bán bớt trên mỗi sàn hơn 5 nghìn hợp đồng để còn tại London 21.849 giảm 5.745 và New York 34.831 giảm 5.138 lô.

Như đã nói trong bài phân tích kỹ thuật tuần trước, vùng 2.094-2.090 là quan trọng nhưng tuần qua London để vuột mất nó và có lúc xuống sâu đến 2.032 để chốt tại 2.079. Như vậy là tiêu cực về kỹ thuật.

Hình 2 – Diễn biến giá cà phê robusta London cơ sở tháng 09/2022 (nguồn: Phan Trọng Anh)

Tuần này, vùng 2.090-2.094 vẫn là vùng đệm quan trọng vì đây là vùng chi chít của các điểm gặp đường bình quân động (MA) 10/20/50 ngày. Nếu lúc nào đó London vượt lên khỏi và đóng cửa trên vùng này, khả năng phục hồi vẫn còn để tìm lên vùng trên 2.100. Hàng rào kháng cự 2.150 càng lúc càng cứng. London chỉ tăng cao hơn 2.150 khi có lượng giao dịch thật nhiều và đóng cửa trên mức ấy.

Ngược lại, nếu như mất 2.069 thì lại xuống vùng thấp và khu vực 2.032/2.033 lại là khu vực hỗ trợ khá cứng vì mới đây, tưởng có lúc London cố xé rào đi xuống nhưng vẫn chưa thể làm được.

Thật ra, về kỹ thuật mà nói, thị trường muốn xuống nhưng có lẽ do lo ngại thời tiết Brazil trở rét bất ngờ nên giá robusta vẫn lừng khừng chưa muốn thoát khỏi vùng tích lũy như đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh trình bày phía trên.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Yếu tố tiền tệ quan trọng đối với giá cà phê nội địa như thế nào?

Giá cà phê nội địa lên trên 44 triệu đồng/tấn. Nhờ sức mua? Nhờ nhu cầu tiêu thụ? Hay vì các yếu tố khác? Cần có một câu trả lời thật rõ để thấy trước tình hình và tránh cách đánh giá không đúng mực thị trường cà phê về sau, nhất là 6 tháng còn lại của năm này.

Chính sách tiền tệ bất lợi vì cùng một lúc 3 nước quan trọng đối với giới kinh doanh cà phê thế giới đều tăng lãi suất điều hành. Fed và ECB còn tăng nhiều lần trong năm nay và cả năm sau…cho tới khi khống chế được lạm phát, tức làm giá hàng hóa phải hạ nhiệt. Và…chưa có câu trả lời đến khi nào mới được khống chế.

Vốn kinh doanh đã không dễ vay, hàng tăng giá lại hạn chế sức tiêu thụ trong khi Brazil đang có mùa bội thu và đồng tiền nội tệ Brl rẻ so với đồng Usd. Nông dân Brazil rất sẵn sàng bán ra khi Brl mất giá.

Nắng nóng tại Châu Âu. Tại các nước tiêu thụ lớn hàng cà phê Việt Nam như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp…tuần qua có lúc thời tiết lên đến 40 độ C. Nóng nực làm người tiêu thụ cà phê tìm thức uống khác mát hơn.

Trong khi đó, cả thị trường muốn giá lên chỉ biết trông chờ sương giá về các vùng cà phê hay hạn hán ảnh hưởng xấu đến sản lượng cà phê Brazil cho mùa tới. Nhưng sản lượng cà phê robusta thu hái năm 2023 hình như đã được định hình: mưa thuận lợi tại vùng cà phê trọng điểm Espirito Santo với lượng mưa 100mm từ mươi ngày nay.

Đó là những yếu tố để các nhà kinh doanh cà phê robusta nước ta tự cân nhắc. Bức tranh thị trường trên được vẽ rất thực. Chính vì vậy mà giá sàn kỳ hạn robusta cơ sở kỳ hạn tháng 09/22 đến nay vẫn chưa chịu vượt khỏi 2.150 để “bắt nhịp kỹ thuật” nhằm lên tiếp.

Giá cà phê nội địa thời gian qua lại không theo giá sàn phái sinh, giao dịch có khi trên 44 triệu đồng/tấn. Muốn bán giá cao hơn, người kinh doanh cần phải theo dõi tỷ giá USD với VND. VND càng rẻ so với USD, giá cà phê nội địa càng tăng. Hiện tượng tăng này cũng không phải vì do nhu cầu tiêu thụ mà do yếu tố tiền tệ.

Ở đây cũng xin mở ngoặc: một số người nói hàng arabica mất mùa. Nhưng thương nhân không bán tồn kho đạt chuẩn arabica tại châu Âu, sao lại đem qua Mỹ?

Thiết nghĩ những câu hỏi trên có thể vẽ nên bức tranh toàn cảnh thị trường cà phê hiện nay, ngoại trừ trường hợp tự nhiên Brazil xuất hiện sương giá làm thiệt hại cho sản lượng arabica chừng 30% trở lên.

 

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 59