Tiền ảo, vì sao dễ lừa?

(TBKTSG) – Vụ việc Công ty Modern Tech ở TPHCM được cho là lừa đảo thông qua việc huy động vốn từ đồng tiền ảo iFan hiện đang được các cơ quan chức năng điều tra. Không chỉ số tiền huy động mà các nạn nhân tố cáo quá lớn, lên đến 15.000 tỉ đồng, mà quan trọng hơn là những tác động tiêu cực của những vụ phát hành tiền ảo huy động vốn đa cấp sẽ tiếp tục lặp lại nếu không có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn.

Chiêu bài cũ, thành công mới

Những người đưa đồng tiền ảo iFan làm chiêu bài huy động vốn đầu tư tỏ ra rất nhạy bén với cơ hội kiếm tiền. Họ biết dựa trên ma lực của các đồng tiền mã hóa có lúc tăng giá “phi mã” để kéo các nhà đầu tư nôn nóng làm giàu nhảy vào mua đồng tiền ảo có tên iFan ấy với các hứa hẹn lời “khủng” không đâu bằng.

Cơn sốt giá của đồng bitcoin (BTC) và một số đồng tiền mã hóa khác như ethereum (ETH)… thực sự đã làm bùng lên một cơn khát kiếm tiền của giới đầu tư “thế hệ mới” hầu hết là thanh niên, một số người khởi nghiệp cần tiền để bắt đầu làm ăn và đặc biệt rất có lợi cho nhiều người có tiền nhàn rỗi không chứng minh được nguồn gốc.

Thật vậy, đồng ETH với giá trị từ 0,5-1 đô la Mỹ chỉ sau gần 21 tháng huy động vốn đã tăng lên 370 đô la mỗi ETH. Cũng chỉ từ tháng 7-2017 đến tháng 1-2018, giá trị đồng tiền này đã tăng thêm gấp 4 lần, đạt quanh mức 1.472 đô la Mỹ ăn 1 ETH. Thành tích này vẫn thua xa BTC khi chỉ sau chín tháng giá trị đồng BTC từ 1.000 tăng lên 20.000 đô la.

Chỉ cần nhìn cái tên của đồng tiền ảo iFan người ta có thể dễ dàng hiểu ngay rằng nhóm người phát hành đã chọn từ “fan”, hay “người hâm mộ”, là từ có liên hệ khắng khít và trực tiếp với các ngôi sao sân khấu ca nhạc để làm cơ sở giá trị ban đầu cho đợt kêu gọi đầu tư ấy. Nên không ngạc nhiên khi một vài nghệ sĩ lên tiếng mình không dính dáng gì đến kênh đầu tư này.

Các đợt tăng phi mã giá trị của BTC hay ETH đã phà cảm hứng cho nhóm người sáng lập kênh đầu tư iFan nghĩ ra cách kiếm tiền nhanh chóng. Nhiều người tin rằng nếu BTC, ETH và một số đồng tiền mã hóa khác không nghênh đón những người khởi nghiệp bằng phong trào cho vay, góp vốn đầu tư một các rộng rãi bằng cách hoán đổi giữa tiền ảo và tiền thực qua đó tăng giá trị tiền ảo, thì giá trị các đồng tiền ấy ấy đến nay chưa chắc đã đi khỏi được các điểm xuất phát của chúng.

Ý đồ và dấu hiệu lừa đảo

Sự thành công mang tính đột phá của các đồng tiền mã hóa như BTC đã kích thích nhiều người “nhạy cảm” với cách kiếm tiền thời “a còng” – @. Thế là một kênh đầu tư mới bắt đầu, hàng loạt loại tiền mã hóa ra đời, nhiều hơn nấm sau mưa, và cũng là một kênh thuận lợi nhất cho các tay trùm lừa đảo hoạt động.

Nhiều người đã đổ xô mua khi BTC tăng cao và thua lỗ trầm trọng khi BTC rớt giá. Dụ nhà đầu tư hám lợi vào mua đến một mức cao trào, chính các tay trùm tài chính bán tháo, kiếm lời bỏ túi và rút khỏi cuộc chơi, nhà đầu tư nhỏ ở lại với thua lỗ và thất vọng.

Bán tháo là một hoạt động làm giá bình thường trên các sàn kinh doanh tài chính. Điều quan trọng là tính thanh khoản của hàng hóa giao dịch trên sàn. Đồng BTC, sau đợt hùng hổ tăng giá đầu năm nay, tính thanh khoản đang mất dần và không còn sức thu hút như xưa nên từ 20.000 đô la Mỹ 1 BTC nay chỉ còn quanh 8.000 đô la ăn 1 BTC. Tính thanh khoản đôi khi nói lên được phần nào công dụng của một loại hàng hóa hay dịch vụ nào đó.

Do các đồng tiền ảo thường không muốn chịu sự kiểm soát của các ngân hàng trung ương các nước, nên việc theo dõi lực thanh khoản của chúng được xem là một cách để giúp các nhà đầu tư tránh rủi ro.

Nhiều người đã lên tiếng việc các chủ đường dây tiền ảo chỉ ủng hộ mua vào nhưng không tạo điều kiện cho nhà đầu tư bán ra. Dấu hiệu lừa đảo, “quất ngựa truy phong” sẽ rõ hơn khi các trang chủ của doanh nghiệp kêu gọi đầu tư mất dạng và những người chịu trách nhiệm “khóa máy” điện thoại.

Hứa hẹn lời khủng với 48%/tháng, đào đâu ra nguồn thu để trả tiền lời? Những tay chủ đường dây này ứng dụng phương thức lừa đảo thông qua kinh doanh đa cấp phiên bản lỗi: lấy tiền của người trước trả cho người đến sau. Bên cạnh đó, lối chơi bầy đàn, người này rủ người kia tham gia, không chỉ vì lý do cùng giúp nhau kiếm tiền to mà phần khác khi anh em, bạn bè người thân của mình tham gia, thấy mình yên tâm hơn vì… cũng có bạn đồng hành.

Cứ tạm thời chấp nhận lời của các nạn nhân nói mình bị lừa đảo trước khi có kết luận của các cơ quan thẩm quyền, cú này quả nên được gọi là cú lừa thế kỷ vì số tiền lên đến 15.000 tỉ đồng. Chừng ấy tiền là tương đương với tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước của một quí (650 triệu đô la Mỹ).

Đầu tư mà chỉ chăm bẳm vào lợi nhuận kỳ vọng thu được thì chỉ nhận thất vọng.

NGUYỄN QUANG BÌNH, đã đăng trên TBKTSG 19-4-2018

Hits: 85