Thị trường nông sản: Chờ phép mầu hay tìm phương thuốc?

(TBKTSG) – Nếu có dịp xem thiên hạ đấu cờ tướng, có khi chỉ một ván tốn cả buổi mới phân thắng bại. Nhưng cũng có ván diễn ra trong chớp mắt, kết thúc chỉ sau vài phút. Đó là chưa nói đến những trận đấu cờ nhanh. Dù người xem có rành chơi mức nào đi nữa mà thiếu tập trung, đôi khi không nhớ nước đi của các đấu thủ.

Các xe chở hàng xuất khẩu qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc được khử trung tiêu độc trước khi làm thủ tục thông quan. Ảnh: TTXVN

Thị trường hàng hóa hiện nay thấy không khác mấy bàn cờ tướng. Giới kinh doanh cứ tưởng được thong thả làm ăn sau khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hạ hỏa bằng thỏa thuận giai đoạn 1, chữ ký đồng thuận chưa ráo mực, thế nhưng lại xảy ra dịch viêm phổi cấp Covid-19. Giá cổ phiếu và hàng hóa thương phẩm nhiều nơi xoay như chong chóng. Cuộc chơi thay đổi, cách chơi cũng biến hóa xoành xoạch.

Nếu không để ý theo dõi diễn biến giá một sàn giao dịch hàng hóa nào đó trong một thời gian đủ dài, người kinh doanh không dễ gì phát hiện hướng đi thất thường của thị trường hiện nay. Cứ thử lấy giá cà phê của sàn phái sinh robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam hay sử dụng để tham chiếu, hiện tượng đó xảy ra rất rõ.

Thời gian chờ đợi Mỹ – Trung ký thỏa thuận kinh tế giai đoạn 1, không khí đầy hứng khởi, giá robusta đi từ đáy sâu nhất trong vòng gần chục năm là 1.181 để lên đỉnh 1.515 đô la Mỹ/tấn vào tháng 12-2019. Nhưng từ mức cao ấy, đến ngày 21-2-2020 giá sàn này chỉ còn 1.265 đô la Mỹ/tấn. Riêng từ đầu năm đến nay, thị trường cà phê “xốp phổi” với con virus corona, giá sàn này đã mất 117 đô la/tấn, tính ra giảm 8,47%.

Diễn biến giá phái sinh cà phê London trong giai đoạn ngắn chưa đầy năm tháng đã có hình chữ V ngược. Đó là chưa nói đến biến động hàng ngày, có lúc rất thấp chỉ mươi đô la nhưng cũng không ít ngày biên độ dao động đến 70-80 đô la/tấn.

Đưa ra các con số để thấy rằng rủi ro trong kinh doanh cà phê nói riêng và trong nhiều mặt hàng nông sản thương phẩm nói chung đang rất cần trang bị các phương tiện và công cụ chống rủi ro cần thiết, nhất là cho nhà vườn và các chủ vựa thu mua thường bị tổn thất nhiều nhất khi kinh doanh các mặt hàng này.

Thấy giá cà phê xuống quá, hàng không thể bán được, một nhà vườn từ thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng gọi điện nhiều nơi để hỏi liệu giá cà phê có thể lên không. Thời buổi này, đố ai dám chắc giá lên hay xuống chỉ trừ vài anh môi giới mua bán hàng cà phê trên mạng đang nhắm vào phí hoa hồng của người chơi. Đó là bởi họ là cấp trung gian, chỉ thu tiền vào túi mà chẳng thiệt gì. Họ phán giá lên hay giá xuống đều tùy thuộc vào cảm tính.

Giá như có một cổng thông tin chính thống thì nhà vườn và các chủ vựa sẽ không phải hoang mang với giá thấp hay giá cao hàng ngày, trái lại họ được chuẩn bị tâm thế với những thông tin cần thiết để bản thân có thể ra quyết định.

Dịch Covid-19 cứ tưởng chỉ là vấn đề y tế và sức khỏe cộng đồng. Không! Nó cũng là vấn đề thị trường. Trong một giai đoạn nào đó khi tâm lý còn ám ảnh lây lan, nó chi phối giá thị trường một cách mãnh liệt.

Vào ngày 24-2, ngoài những con số thống kê về dịch bệnh hàng ngày được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì tin về con số người nhiễm bệnh, thiệt mạng và vùng bị phong tỏa tại Ý, Nhật Bản và Hàn Quốc đáng làm người xuất khẩu mặt hàng cụ thể nào đó vào các nước này quan tâm.

Riêng về cà phê, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 nước nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam năm 2019, Ý đứng thứ 3 với 141.000 tấn và Nhật Bản đứng thứ 5 với gần 100.000 tấn… Liệu tình hình dịch bệnh như thế sẽ ảnh hưởng các hợp đồng doanh nghiệp mình bán nay mai không?

Đáng ra bất kỳ nhà sản xuất và kinh doanh trong một ngành nông sản thực phẩm nào đó rất cần được thông tin hay cảnh báo trước các yếu tố có thể ảnh hưởng tốt hay xấu đến giá mặt hàng liên quan từ hiệp hội, ngành hàng của mình, chí ít là giúp tránh rủi ro và giảm thiệt hại cho mình và cho đất nước. Trong mặt hàng cà phê, dù cho nguồn cung năm nay thiếu đi nữa, đồng nội tệ Brazil và Indonesia, hai nước xuất khẩu cạnh tranh, đang hạ lãi suất và mất giá nhanh so với đồng đô la Mỹ, liệu yếu tố này sẽ kích họ bán mạnh, nhất là khi cả hai đều được mùa robusta và thời gian thu hoạch rất cận kề, vào tháng 4 sắp tới?

Nên nếu ai đó chờ phép mầu xuất hiện trên giá cà phê, chắc khó thấy. Hãy cùng nhau tìm một phương thuốc khả dĩ cho kinh doanh hàng hóa trong mùa dịch Covid-19 lỡ khi nhà nông và nhà xuất khẩu bị thương trong cuộc chiến cạnh tranh thị trường vì không được trang bị đủ, giống như đòi dập dịch mà không đủ dụng cụ y tế kể cả áo quần và khẩu trang bảo vệ vậy.

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên TBKTSG số 9-2020 và online 2/3/2020

Hits: 31