Thế giới phân rẽ mạnh sau cuộc họp G7

Những lo lắng của lãnh đạo 6 nước trong nhóm G7 trước phiên họp tại Sicily, Italia đã phần nào hiện hình khi cuộc gặp gỡ của họ vừa chấm dứt.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã về nước sau hội nghị quan trọng G7 với lãnh tụ các nước Nhật bản, Canada, Đức, Pháp, Anh và Italia.

Như đã cam kết với cử tri trong nước, tổng thống Mỹ rời G7 mà không có bất kỳ một cam kết nào đối với chương trình cắt giảm xả thải theo Hiệp định Paris mà Mỹ đã ký năm 2015 và một mực không thay đổi với chính sách bảo hộ thương mại.

Về nhà, Donald Trump đã viết trên Twitter rằng ông ta sẽ có quyết định về Thỏa thuận Paris trong tuần này. Nhưng ngay cả người bình thường cũng khó tin có chuyện tích cực xảy ra, đừng chờ đợi mà mất công. Đối với chính sách bảo hộ kinh tế Mỹ, phản ứng của các đối tác Mỹ là EU và Canada là chống lại chủ nghĩa bảo hộ, “chống lại các biện pháp thương mại không công bằng”, Thông báo chung của G7 nói vậy.

Ra khỏi phiên họp, bà Thủ tướng Đức Angela Merkel bận rộn ngay với công tác vận động tranh cử. Đấy cũng là cái lý do để “bà đầm thép” Đức có thể dùng làm phương châm ứng cử nhắm ghế thủ tướng Đức thêm nhiệm kỳ thứ tư trong vòng hơn 3 tháng tới.

Tại một buổi vận động tranh cử ở Bavaria, bà Angela Merkel nói thẳng rằng nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump đang đi rẽ một hướng khác, quan hệ bền vững song phương được xây dựng từ Thế chiến Thứ 2 đến nay “trong chừng mực nào đó xem như đã xong”.

Bà cũng khuyên các đồng minh của bà rằng nên có khoảng cách cần thiết đối với Hoa Kỳ và “các nước châu Âu chúng ta nay phải nắm trong tay vận mệnh của chính mình.”

Các nhà phân tích kinh tế và chính trị cho đây là một bước ngoặt địa-chính trị lớn, có ảnh hưởng đến cán cân các thế lực thế giới.

Mới đây, Hoa Kỳ và EU là đồng minh không thể chia lìa, là “anh em như thể tay chân”. Sau hội nghị G7, tình thế đã khác. Theo bà Angela Merkel, EU phải chơi cách khác, phải đổi sang trang. “Đương nhiên phải giữ quan hệ bằng hữu tốt với Hoa Kỳ cũng như với Vương quốc Anh, nhưng nay châu Âu phải tự tin ở chính mình và tăng cường sức mạnh từ chính năng lực của mình,” Angela Merkel nói.

Không thuyết phục được Donald Trump trong Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) và chương trình chống biến đổi khí hậu, chính sách của bà thủ tướng Merkel quay lại với chính nước Đức và EU. Phương châm ứng cử nhiệm kỳ thứ tư của bà là “Một châu Âu đoàn kết hơn, hùng mạnh và tự chủ hơn”. Như vậy, đối với nước Đức và bà Angela Merkel, ngả rẽ đã được khẳng định.

Trong khi đó, tại Trung quốc, Moody’s hạ bậc tín nhiệm nhưng hình như nước này cố thu mình lại để xem sự cố xoay vần. Vả lại, các nhà đầu tư tạm thời quên tất cả để chỉ tập trung vào sự kiện G7 để xem động tĩnh của mối quan hệ giữa các nước công nghiệp phát triển lớn nhất hành tinh.

Giữ thái độ im lặng giữa đợt sóng gió của hai thế lực hai bên bờ Đại Tây dương, phải chăng Trung quốc đang đi nước cờ “một bước lùi hai bước tiến”? Sau một thời gian phát triển nóng, Trung quốc đang làm dịu dần các đợt khủng hoảng từ chứng khoán, củng cố ngân hàng đến thị trường bất động sản.

Giới kinh doanh hàng hóa đang tin vào và trông chờ một cuộc bùng phát sức mua của Trung quốc như nước này đã từng ra tay trước đây, đưa giá các sàn hàng hóa nguyên liệu tăng mạnh như là bệ phóng để đến với các nước khác.

Rõ ràng lủng củng giữa các thế lực là cơ hội cho người thứ ba và những người khác. Thế giới vào giai đoạn phân rẽ lớn…nhưng đôi khi đó là cơ hội cho các nền kinh tế khác.

Nguyễn Quang Bình

Hits: 58