(KTSG) – Chỉ mới chưa đầy hai chục năm, khu rừng bị hoang hóa, lẻ tẻ dăm ba nhà đã trở thành bờ xôi ruộng mật. Đất tốt người lành đã dắt lối bà con bạn bè bao quanh khu nhà máy Toàn Hằng như một sự ủng hộ không chỉ cho chính doanh nghiệp mà vì sự thịnh vượng chung của một vùng.
Dừng xe trên mặt lộ láng tưng của quốc lộ 14, nhìn quanh và bất ngờ nhận ra đây là vùng mà cách nay 35 năm mình đã từng lủi sâu vào trong các khu vườn để khảo sát khả năng sản lượng một số loại nông sản được cho là thế mạnh của Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, đào lộn hột… Đúng đây rồi: xã Nhân Cơ, huyện Đắk Rlấp, thuộc tỉnh Đắk Nông. Hóa ra, vùng này đâu lạ gì với mình. Có chút lâng lâng hạnh phúc vì những dự đoán ngay sau đợt đi thực địa lần ấy. Mọi thành viên trong đoàn đều nói ngay Việt Nam sẽ trở thành cường quốc của cà phê, hồ tiêu và đào lộn hột… Và từ lâu đã trở thành hiện thực.
Nào ai biết trước đây, cái thời cuối thập niên 1980, bấy giờ đường chẳng ra đường, vườn thì hoang sơ mới lập nếu không dám nói là tơi tả, thi thoảng chỉ vài chiếc xe máy được độ lui độ tới chạy quanh xới tung cả khói đen và bụi đường, quốc lộ 14 bị phá nát do những đoàn xe quá tải chở nông sản về xuôi, hàng chục chiếc xe REO chở gỗ từ việc phá rừng hãnh tiến về các tỉnh phía Nam. Người trong thôn xóm vẫn còn thưa thớt, hầu hết là di dân mới đến từ các tỉnh miền Trung và Tây Bắc. Chẳng mấy khách du lịch màng bén mảng.
Thật ra, nghề kinh doanh cà phê không như những ngành hàng khác. Đấy là chốn ba đào! Giá thị trường tăng đó rồi rớt đó, có khi qua một đêm, nhà buôn lời dăm ba tỉ bạc nhưng cũng có khi qua một đêm đi cả núi tiền.
Nhờ cái thói tò mò có lẽ do bệnh nghề nghiệp, tôi lan man với mấy anh chị ngồi trên chiếc xe cày đầy ắp cà phê vừa thu hái xong đang vội đưa về sân nhà phơi phóng, mới biết doanh nghiệp lớn nhất vùng này chính là chỗ của Toàn.
Xa thật xa, nằm gọn dưới lũng sâu, một cơ ngơi chế biến và sản xuất cà phê hoành tráng nhưng rất tươm tất mang tên Toàn Hằng. Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất và thu mua nông sản miệt Tây Nguyên thường lấy tên vợ chồng ghép vào để lập doanh nghiệp. Đây chỉ vì lý do tiện lợi mà thôi. Mua bán với nhà vườn, thương lái quanh vùng từ sáng đến tối mịt, có khi đứng cân hàng đến ba bốn giờ sáng chưa được ngủ, riết mọi người đều quen gọi tên không ông thì bà chủ vựa để rồi thành cái tên doanh nghiệp. Âu đấy cũng hay, vì danh dự, uy tín của một con người và của cả đơn vị không gắn chính tên gọi của con người, của chủ doanh nghiệp đó sao?
Đã mấy chục năm không gặp nhau, tôi nhận ra Trương Công Toàn, vẫn dáng dấp nhẹ nhàng, giọng trầm ấm, từ tốn của người con gốc miền trung Quảng Trị, ông bạn mà mấy chục năm trước có lúc đã là đồng nghiệp của nhau tại một đơn vị xuất nhập khẩu nhà nước.
Những năm tháng khó khăn khi giá cà phê và hồ tiêu xuống tận đáy, có lúc giá một cân cà phê chỉ bằng giá trị một bó rau chừng quanh bốn ngàn đồng, nhiều đồng nghiệp của tôi và Toàn không dám bám càng các công ty nhà nước, một phần do lương hẻo, phần khác kinh doanh quá phụ thuộc, nên đã xin nghỉ việc và… vợ chồng anh Toàn đã chọn đất Nhân Cơ làm nơi khởi nghiệp.
“Sau khi xin nghỉ cơ quan nhà nước, tôi về đây sinh sống và lập nghiệp, cũng bám nghề làm vườn và kinh doanh nông sản chứ biết nghề gì khác nữa mà theo! Thế mà đã mười bảy năm rồi. Đúng bấy giờ công việc làm ăn xuất khẩu rất khó khăn do giá cà phê xuống thấp kéo dài từ những năm cuối thập niên 1990 đến tận ngày tôi lập vườn và kho tại đây”, anh kể.
Xem ra hai vợ chồng cũng bạo gan thật. Bấy giờ làm gì có cảnh sung túc như thế này, từ những khu rừng bị hoang hóa, lẻ tẻ dăm ba nhà thì nay trở thành bờ xôi ruộng mật. Lập vườn, dựng kho, lúc đầu cứ tưởng mình trơ trọi.
Nhưng chỉ mới chưa đầy hai chục năm, thấy đất tốt, người lành, người này người kia rủ bà con bạn bè đến lập nghiệp, bao quanh khu nhà máy của Toàn Hằng như là một sự ủng hộ không chỉ cho chính doanh nghiệp mà vì sự thịnh vượng chung của một vùng.
Nhân Cơ trước đây là một xã nghèo, ít ai để ý, thì nay chỉ mình Toàn Hằng đã dám “đảm nhận” mua hàng mỗi năm hai đến ba chục ngàn tấn cà phê cho dân quanh vùng. Cũng cần biết rằng Đắk Nông là tỉnh mới tách khỏi Đắk Lăk từ đầu năm 2004. Đến nay sản lượng cà phê đã đạt mức 333.000 tấn (2021), lớn thứ ba trong cả nước. Doanh số của một doanh nghiệp đối với các tỉnh anh chị đi trước, đơn vị chỉ được xếp vào hàng nhỏ và vừa, chủ yếu hoạt động nhờ vốn tự có mà nay chiếm đến 1/16 từ khối lượng cà phê của một tỉnh thì cũng đáng nể đấy chứ!
Thật ra, nghề kinh doanh cà phê không như những ngành hàng khác. Đấy là chốn ba đào! Giá thị trường tăng đó rồi rớt đó, có khi qua một đêm, nhà buôn lời dăm ba tỉ bạc nhưng cũng có khi qua một đêm đi cả núi tiền.
Tận tâm tận lực, nhẫn nại của Toàn đã tạo cho doanh nghiệp anh một chỗ đứng vững tại thị trường nông sản không chỉ trong tỉnh mà khách hàng trong và ngoài nước đều biết tên. Đối với nhà buôn, cứ việc thấy hàng là trả tiền. Nhưng không dễ để một chủ doanh nghiệp mua bán bỏ thì giờ đến từng vườn tìm cách liên kết, thậm chí chỉ mới quen để tư vấn về phân bón, thu hái và cả thông tin thị trường. Những lúc nhà vườn hái vội, tuốt cả trái xanh non, anh đều khuyên phải vì chất lượng của ly cà phê mà giữ uy tín như giữ con ngươi của mắt mình.
Cách trung tâm chế biến không xa, Toàn khoe mảnh vườn của mình cho khách. Sản phẩm cà phê thu hái mùa này đến các vụ sau, anh nói sẽ dành cho sản xuất cà phê đặc sản và sản phẩm OCOP mà anh là người cổ vũ và ủng hộ hết mình.
Uống một hớp cà phê thương hiệu Toàn Hằng, chúng tôi chia sẻ niềm vui ngày mùa, ngày Tết cùng Toàn.
Ta thường nói “vui như Tết”, nhưng nhà nông miền cao này cứ “vui là Tết”. Nói vậy có mất gì đâu mà ngại! Đối với người trong ngành cà phê, ngày mùa là vui, là Tết, không chỉ riêng với nhà vườn, mà cả thiên hạ trong đó gồm chủ vựa, thương lái, người cho vay kinh doanh, rồi cả làng, cả buôn, cả thị trấn đến cả tỉnh. Thế cho nên không lạ mỗi khi mùa mới về, cả cộng đồng cà phê toàn cầu đều chúc nhau “Happy New Crop” như tục lệ một ngày Tết, như bạn bè anh em dân mình “Chúc mừng Năm mới”, “Happy New Year”. Mà đúng thế thôi, ngày thu hoạch chính là mùa đoàn kết và hạnh ngộ. Vả lại, mùa hái cà phê năm nay kéo dài đến cận Tết do mùa mưa bão kéo dài nên hương vị ngày mùa và lễ hội càng quyện nhau đậm đà.
Phía bên kia vườn, cả đàn chim huyên thuyên trong các bụi cà phê đầy trái chín đỏ. Hình như chúng vừa ăn vừa chọn những miếng mồi ngon nhất, nên mới lúc rúc nhỏ to khoe nhau mình mới tìm được trái đậm đà nhất. Chim muông có khác chi con người. Nơi nào yên lành, kiếm sống được, nơi nào nguy cơ ít rình rập, thì chọn vùng ấy là nơi an trú hạnh phúc để sinh tồn và phát triển.
NGUYỄN QUANG BÌNH, đăng trên TC KTSG Giai phẩm Xuân Quý Mão 2023
Hits: 375