Nhận định giá cà phê thế giới tuần từ 23-28/04/2018: Tuần của sức ép bán kỳ hạn tháng 05/2018

thitruongcaphe.net,nguyenquangbinh

Diễn biến giá cà phê tuần từ 16-21/04/2018: Giao dịch khá yên ắng  

Hình 1

Ngày cuối tuần tính đến 20/04/18, giá dao động trong phiên rất khiêm nhường, chỉ +/-10 Usd giữa mức cao nhất và thấp nhất là 1730-1720. Chứng tỏ mua bán rất trầm vắng.

Kết quả đóng cửa phiên cuối tuần qua tức ngày 20/04 giá kỳ hạn robusta London chốt 1722 Usd/tấn tăng 9 Usd so với cách đấy một tuần nhưng sàn arabica New York trong cùng kỳ lại giảm, chỉ còn 117.70 cts/lb mất 0.80 cts/lb (xem hình 1).

Giá kỳ hạn arabica giảm, lý do khá dễ hiểu: các quỹ đầu tư tài chính trên sàn bán khống liên tục, đến ngày khóa sổ 17/04, sàn New York cho biết các quỹ đầu tư còn giữ lượng dư bán ở mức kỷ lục của các kỷ lục là 70.577 hợp đồng, tương đương với trên 1,2 tấn so với kỷ lục mới đây là 61.865 hợp đồng.

Điều này đặt ra nghi vấn tại sao lượng dư bán từ mấy tháng nay trên sàn arabica New York hết vượt kỷ lục này đến kỷ lục khác. Câu trả lời chỉ có thể là các quỹ đầu cơ đã đoán trước sản lượng vụ mùa năm nay của Brazil tăng mạnh. Nhiều con số dự báo chung quanh mức 60 triệu bao (60 kg x bao).

Do thị trường tin Brazil được mùa, khi nghĩ đến cung-cầu như thế, các quỹ đầu tư mới mạnh tay bán trên sàn New York. Chính vì vậy, giá robusta London không hưởng được tương tác tích cực từ phía sàn New York.

Giá London tăng nhưng không mạnh vì hoạt động mua bán hàng thực khá trầm vắng do lực bán từ các nước xuất khẩu arabica khá dồi dào, kể cả Brazil đang tranh thủ bán hết hàng vụ cũ để đảo kho cho cà phê vụ mới chuẩn bị thu hái trong vòng hơn một tháng nữa. Yếu tố này còn được chứng minh là giá cách biệt giá giữa hai sàn New York và London co lại, nay chỉ còn 37.92 cts/lb hay 836 Usd/tấn, một mức bất lợi cho tính cạnh tranh của cà phê robusta. Để các hãng rang xay xem xét mua, giá cách biệt này khoảng chừng 1.400 Usd trong một thị trường bình thường (xem hình 1).

Giá London tăng khá yếu ớt trong tuần qua có thể nhờ sự hỗ trợ từ lượng tồn kho đạt chuẩn giảm. Tính đến ngày 19/04, lượng tồn kho đạt chuẩn tức hàng có quyền đấu giá trên sàn chỉ còn 77.730 tấn, giảm liên tục từ cuối tháng 12/2017 đến nay (xem hình 1- phía phải màn hình).

Giá cà phê nội địa tuần qua  có điều kiện tăng dần, có lúc lên 36,7 triệu đồng cho hàng nguyên liệu tại vùng sản xuất trọng điểm ở các tỉnh Tây nguyên và 37,5 triệu đồng mỗi tấn cho loại 2, tối đa 5% đen vỡ giao hàng tại các kho quanh cảng TPHCM.

Dự báo tuần từ 23-28/04/18: Áp lực chốt bán mạnh nhưng chưa mất hy vọng

Đặc điểm của tuần này kết thúc vào ngày 28/04 là thời hạn cuối cùng cho các nhà xuất khẩu tại các nước sản xuất chốt giá bán cơ sở tháng 05/18. Có thể thấy trước rằng sức ép chốt giá tháng 05/18 để vào tháng giao ngay (spot month) còn nặng nề. Ước đoán của thị trường cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu còn phải chốt thoát khỏi tháng 05/18 chừng 50.000 tấn, thậm chí con số này có thể cao hơn. Nếu cứ lấy bình quân mỗi ngày phải chốt 10.000 tấn, giá tháng 05/17 trên sàn kỳ hạn London khó có đường tăng mạnh do chịu chi phối mạnh bởi lực chốt bán ấy.

Hình 2

Xét về kỹ thuật, tuần qua London chỉ hoạt động trong khung hẹp giữa đỉnh và đáy là 1737-1685. Giá vẫn chưa chọn hướng được vì vẫn còn bị khống chế trong khung lớn hơn là 1794-1671. Bao lâu bức khỏi hai chốt của hai đầu đỉnh và đáy ấy, London mới có hướng rõ ràng (xem hình 2).

Tuần này cũng khá “hoàn cảnh” với áp lực chốt bán mang tính thời vụ. Nói vậy để thấy rằng giá kỳ hạn London đã nhiều lần thử thách theo hướng thấp nhưng rồi vẫn bung lên, ngay như tuần trước từ 1685 lại lên 1737.

Đóng cửa cuối tuần trước tại 1722 Usd/tấn cơ sở tháng 05/18 là yếu về kỹ thuật vì nằm dưới các mức bình quân động 20/50/100 và 200 ngày (xem hình 2). Với áp lực chốt bán hàng giao kho trong tuần, không ai dám đoán giá sẽ tăng mạnh. Nhưng nói giảm nhiều, điều ấy vẫn chưa chắc vì đã bao lần từ các mức thấp 1671/1674/1685 lại tăng lên.

Trong khi đó, khi thoát được áp lực chốt tháng 05/18, ta sẽ có một tháng 07/18 đang trong tình trạng “vắt giá” tức giá tháng này cao hơn hai tháng tiếp theo là 09 và 11/2018 (1759 so với 1739).

Nên vẫn còn nhiều hy vọng cho giá London kể từ ngày 30/04 trở đi khi áp lực chốt bán tháng 05/18 giảm bớt.

Thị trường cà phê trong nước: Đợi giá cao hơn?

Giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây nguyên đầu tuần này vẫn đứng các mức 36,5 triệu đồng và giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ chừng 37,2 triệu đồng mỗi tấn. Như vậy, có cao hơn tuần trước đó chừng từ 0,2-0,4 triệu đồng mỗi tấn.

Thị trường chứng kiến rất rõ khi giá cà phê nội địa về quanh mức 36 triệu đồng, lực bán ra không mạnh. Điều này cũng sẽ có liên đới với chốt giá bán hàng giao kho trong tuần này: nếu vì lý do gì đó mà các nhà xuất khẩu chốt quanh mức tương đương 36 triệu đồng mỗi tấn, họ sẽ chuyển từ tháng 05 sang tháng 07/18 để tìm cơ hội tốt hơn về sau.

Do phải bận rộn với các tính toán chốt bán hàng đã giao, tuần này có thể là một tuần không nhộn nhịp với bán xuất khẩu. Nếu giá London xuống gần chạm 36 triệu, nhiều nhà đầu tư hàng thực hay nhà xuất khẩu sẽ mua “chờ thời”.

Chính vì thế, đứng trước sức ép chốt giá tháng 05/18, giá nội địa khó lòng xuống sâu mà chỉ từ 36 triệu. Cũng vì sức ép chốt bán, giá đỉnh của thị trường nội địa khó vượt 37,5 triệu đồng mỗi tấn.

NGUYỄN QUANG BÌNH. trên NCIF ngày 22/04/18

Hits: 142