Nhận định giá cà phê thế giới từ 30/09-05/10/2019: Tuần nối của hai niên vụ cũ và mới
A. Bức tranh chung thị trường cà phê niên vụ 2018/19.
1. Thị trường cà phê Việt Nam:
-Tổng lượng cà phê nhân xuất khẩu Việt Nam: 1,70 triệu tấn so với niên vụ 2017/18 là 1,80 triệu tấn (Tổng cục Thống kê), giảm 100.000 tấn. Lượng xuất khẩu yếu được cho là do sản lượng cà phê giảm. Giá kỳ hạn London thấp trong nhiều năm liền đã buộc nông dân chuyển một số khá lớn diện tích cà phê sang trồng các loại cây gia vị và ăn trái khác như sầu riêng, bơ (avocado), chuối, chanh dây…
-Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ tính trên mức chênh lệch với giá niêm yết sàn robusta London (differentials) : từ thấp nhất -70/-80 Usd/tấn lên mức +180/+200 Usd/tấn FOB. Từ tháng 04/19, giá xuất khẩu về vị trí ngang bằng giá niêm yết London và cao dần đến cuối niên vụ.
-Thị trường cà phê trong nước dao động trong biên độ từ 37 triệu đến quanh 30 triệu đồng mỗi tấn cho loại cà phê theo hợp đồng thương mại (commercial), chủ yếu được sử dụng sàn London để tính giá. Mức giá hiện nay quanh mức 33,5-34,5 triệu đồng mỗi tấn, cao hơn giá niêm yết. Nếu lấy tỷ giá VndUsd=23.200 Vnd, 34 triệu đồng/tấn bình quân tương đương với 1.465 Usd/tấn, cao hơn so với giá đóng cửa London là 1.321 Usd/tấn (27/09).
-Ngoài ra, thị trường nội địa vững còn có sự giúp sức của các chuỗi quán cà phê sạch, đặc sản đang ngày càng phát triển. Qua các hợp đồng liên kết giữa người sản xuất và quán tiêu thụ thường được sử dụng với cà phê hái chọn (90-95% quả chín tối thiểu), giá đang quanh mức 60-65 triệu đồng/tấn.
2. Thị trường cà phê thế giới (hàng thực)
–Sản lượng cà phê toàn cầu: 169,727 triệu bao (bao=60 kg) gồm arabica 104,644 triệu và robusta 65,083 triệu bao (theo Tổ chức Cà phê Thế giới – ICO).
–Tiêu thụ: 164,769 triệu bao (ICO).
–Tồn kho cuối kỳ 2018/19: 4,96 triệu bao. Nếu cộng thêm tồn kho từ 2017/18 mang sang, tổng lượng tồn kho đầu kỳ 2019/20: 7 triệu bao (ICO).
–Xuất khẩu từ các nước sản xuất từ 10/2018-07/2019 (ICO): Tổng lượng 109,405 triệu bao trong đó 70,505 triệu bao arabica (+12,1%) và robusta 38,9 triệu bao (+6,9%).
–Xuất khẩu cà phê chế biến (ICO):
- Rang xay: Mexico, Colombia, Việt Nam, Brazil và Cộng hòa Dominica chiếm 92,7% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu. Mexico xuất khẩu lượng cà phê rang xay tương đương với 183.832 bao cà phê nhân, Colombia 124.560 bao, Việt Nam 11.407 bao -19,8% so cùng kỳ năm trước, Brazil 15.874 bao (-1,1%), CH Dominica 11.054 bao (+45,9%). (Hình 1)
- Hòa tan: Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan nhiều nhất với lượng tương đương chừng 3,92 triệu bao cà phê nhân tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2018, Việt Nam 1,06 triệu bao+48%, Indonesia 990.279 bao -20,5%, Mexico 4.988 bao (-6,5%). (Hình 2)
3. Thị trường cà phê phái sinh
–Robusta London (cơ sở giao dịch tháng 09/19):
Đỉnh và đáy trong 52 tuần: Đỉnh 1.847 Usd/tấn – Đáy 1.249 Usd/tấn (-29,56%)
–Arabica New York (cơ sở giao dịch tháng 12/19)
Đỉnh và đáy trong 52 tuần: Đỉnh 139.60 cts/lb – Đáy 93.40 cts/lb (-27,72%)
Tính theo giá đóng cửa: 113.10 Usd/tấn (27/09/18) so với 100.90 cts/lb (27/09/19) -12.20 cts/lb tương đương với -269 Usd/tấn hay -10,79% (hình 4).
B. Nhận định thị trường cà phê tuần từ 30/09-05/10/19
1. Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 23-27/09/19: Giá tăng giữa các biến động kinh tế-tài chính thế giới.
Giá trên hai sàn cà phê phái sinh biến động không mạnh. Biên độ dao động giữa mức cao/thấp nhất trên sàn robusta Londonchỉ +/-35 Usd (1.325/1290) và arabica New York +/-5.65 cts/lb hay 124 Usd/tấn (102.90/7.25). Kết thúc ngày giao dịch 27/09 so với cuối tuần trước đó, sàn robusta tăng 17 Usd chốt tại 1.321 Usd/tấn và arabica tăng 2.50 cts/lb hay 55 Usd/tấn chốt tại 100.90 cts/lb.
Giá trên sàn kỳ hạn arabica tăng tốt hơn robusta được cho là thị trường có thêm lực thanh khoản khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) cung ứng vốn vay cho các ngân hàng thương mại. Theo kế hoạch đã định, mỗi ngày Fed bơm bình quân chừng 75 tỷ Usd vào hệ thống kinh tế. Đặc biệt trong giai đoạn cuối tháng 09/19 và cuối quý 3 năm 2019, có ngày Fed phải cung ứng đến 100 tỷ Usd cho thời hạn đáo hạn ngắn trong vòng 2 tuần.
Sàn robusta đóng tại London nên giá không theo kịp New York. Tình trạng rối ren về chính trị trước ngày VQ Anh tiến hành Brexit hay được hiểu là rời khỏi EU, được ấn định chậm nhất vào ngày 31/10/19. Hạn định Brexit đã cận kề. Các phái chính trị tại quốc hội nước này vẫn đang tranh cãi về việc rời khỏi EU trong điều kiện có hay không có thỏa thuận. Tình trạng tranh chấp này có thể đưa đến việc giải tán chính phủ hay quốc hội. Tình hình bất ổn như thế tạo tâm lý bất an cho giới đầu tư. Giá cà phê trên thị trường. Sàn phái sinh robusta không nằm ngoài bối cảnh này.
Dù thương chiến Mỹ-TQ có những dấu hiệu dịu dần khi hai bên có các động thái tích cực như TQ mua hàng nông sản Mỹ, Mỹ lùi ngày áp thuế tăng thêm cho nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ TQ. Hai bên cũng ấn định ngày 10-11/10/19 sẽ vào bàn đàm phán lại. Tuy nhiên, thị trường chưa tin sẽ một cuộc ‘đình chiến’ trong thời gian trước mắt. Thị trường tài chính vẫn còn nhiều bất an. Khả năng thị trường kỳ hạn cà phê vẫn trong vùng rủi ro chưa thể loại trừ.
2. Dự báo tuần từ 30/09-05/10/2019: Chưa thoát khỏi miền tích lũy.
Lấy các mức giá giao dịch ngày cuối tuần 27/09 làm chuẩn để xem xét. Đóng cửa tại 1.321 (cao 1.323/thấp 1.311), giá sàn robusta hình như rất yên tâm ở miền tích lũy cũ của tuần trước 1.300-1.335). Tuy nhiên, cả tuần qua London chỉ chạm đỉnh 1.325 nhưng chạm đáy 1.290, tức đỉnh và đáy sau thấp hơn thời gian trước.
Một nỗ lực vượt khỏi phía trên miền tích lũy – tức trên 1.335 được xem là sàn này đang cố tránh những rủi ro sụp đổ giá xuống phía dưới. Nhưng chỉ nên xem đó là một cách cầm cự. Vì muốn tăng mạnh và bền vững hơn, London cần qua 1.368 với một lượng hợp đồng giao dịch thật lớn.
Đồ thị cho thấy lực hấp dẫn (đi xuống) vẫn còn khi đỉnh trong tuần trước chỉ quanh 1.323-1.325 và chạm đáy 1.290 rồi bật lên. Nếu như tuần này có lúc nào đó giá robusta xuyên qua 1.290, đó là dấu hiệu về lại khu vực 1.287-1.282 để chạm vùng đáy 1260.
Nhìn chung, về kỹ thuật, giá trên sàn robusta tỏ ra tiêu cực nhiều hơn tích cực. Cộng với một bức tranh kinh tế vĩ mô chưa mấy sáng sủa như thương chiến Mỹ-TQ, Brexit, kể cả tiền tệ với chỉ số đồng Usd đang chiều tăng và đồng Reais Brazil (Brl) theo hướng giảm (hình 5), bất lợi cho giá các sàn cà phê phái sinh.
Tuần nối giữa 2 niên vụ mới và cũ và tiếp nhiều ngày sau đó trong tháng đầu tiên của năm kinh doanh cà phê 2019/20 sẽ xuất hiện nhiều biến động, mà hướng tiêu cực là chủ đạo như đã nói trên.
Giả sử xảy ra một cú suy sụp lúc nào đó trên các sàn chứng khoán, dòng vốn ở đó sẽ tuôn ra ngoài, nếu như một hoặc cả hai sàn cà phê phái sinh được chọn làm nơi trú ẩn vốn của các nhà đầu tư chứng khoán, đó hẳn là một may mắn ngoài mong đợi của người kinh doanh cà phê.
XEM THÊM:
–1/10/2019 Đi tìm kịch bản cho giá cà phê niên vụ mới
NGUYỄN QUANG BÌNH trên NCIF.GOV.VN 30/09/19
Hits: 1068
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.