Nhận định giá cà phê thế giới từ 29/07-03/08/2019: Đà giảm vẫn còn?

Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 22-26/07/19: Giá trên hai sàn rớt đậm.

Hình 1

Giá cà phê robusta trên thị trường nội địa nhiều nơi tại Tây Nguyên, thủ phủ cà phê của Việt Nam, tuần qua đứng vững trên mức 33,5 triệu đồng mỗi tấn dù giá trên 2 sàn kỳ hạn rớt mạnh.

Sau một tuần tính đến 26/07/19, giá đóng cửa 2 sàn kỳ hạn cà phê đều âm nặng: sàn robusta London mất 80 Usd/tấn chốt tại 1.344 Usd/tấn, còn arabica New York giảm 6.90 cts/lb hay 152 Usd/tấn. Biên độ dao động giữa cao và thấp nhất cũng rất rộng, với London 104 Usd (1436-1332) và New York 10.85 cts/lb (hay 239 Usd/tấn) giữa 109.90-99.05 (hình 1).

Chỉ số đồng Usd tăng mạnh, từ 96+ nay lên 98 điểm, cộng với đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) chỉnh xuống từ mức cao 3,73 Brl ăn 1 Usd xuống 3,78 Brl. Tác động cùng một lúc bởi 2 yếu tố tiền tệ như thế (đồng Usd tăng và đồng Brl giảm) không giúp gì được cho giá cà phê trên hai sàn.

Mặt khác, vụ mùa robusta Brazil đã thu hoạch xong với ước lượng 1,1 triệu tấn. Thông tin thị trường cho rằng Brazil bán mạnh robusta nhờ giá loại hàng này so ra là cao so với arabica. Chỉ số giá cách biệt (arbitrage) giữa 2 sàn kỳ hạn cho thấy rõ điều ấy: từ 48 cts/lb nay chỉ còn 38,78 cts/lb tương đương với 1.058 và 855 usd/tấn, tức nếu trước đây lấy giá robusta làm cơ sở để bán arabica, giá được cộng thêm 1.058 Usd/tấn thì nay chỉ 855 Usd/tấn. Nên người có cả arabica và robusta chọn bán robusta và để lại arabica khi giá cách biệt co lại.

Thị trường trong nước khá trầm vắng do giá kỳ hạn thấp là một chuyện, lượng hàng tồn kho cuối kỳ không nhiều, nhờ vậy giá trong nước vẫn mạnh dù hoạt động mua bán xuất khẩu không sôi động mấy.

Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ được chào cao hơn giá niêm yết London với mức +90/+100 Usd/tấn FOB cơ sở giao dịch tháng 09/19. Như vậy, nếu lấy giá cà phê nội địa quy ra Usd với tỷ giá 23.300 Vnd, mức 33,5 triệu đồng/tấn, thì tương đương với 1.438 Usd/tấn trong khi giá đóng cửa sàn robusta chỉ 1.344. Nếu thêm giá chào +100 Usd/tấn vào giá niêm yết, vẫn chưa bằng giá cà phê nội địa hiện nay.

Dự báo tuần từ 29/07-03/08/2019: Cần một chất xúc tác từ bên ngoài.

Hình 2

Kết thúc ngày giao dịch 26/07/19, sàn London lại rớt giá và là phiên thứ sáu liên tiếp giảm và đóng cửa tại 1.344. Đấy cũng là tuần thứ tư liên tiếp giá London có kết thúc giảm và về mức thấp nhất tính từ 7 tuần trở lại đây.

Tuần qua, London thất thủ ở nhiều chốt quan trọng: 1.421 (MA 20/50 ngày), 1.405 (đáy cũ và vùng giá tâm lý), rồi phiên cuối tuần ngày 26/07 mất luôn 1.356 (điểm chuyển kênh từ giảm qua tăng).

Vi phạm vùng 1.356, tình hình London chuyển qua tiêu cực. Trong tuần này, khi nào mất mức 1.326, đó là dấu hiệu sàn này muốn xuống thử điểm 1.311. Nếu không giữ được mức này nữa, giá sẵn sàng về dưới 1.300 / 1.284 và 1.267.

Tuy nhiên, London đang vào vùng bán quá mức . Chỉ báo RSI 9/14 ngày cho thấy đang ở 25,82%/33,69% so với điểm tham chiếu 30%. Liệu giới kinh doanh trên sàn phải mua bù để ra khỏi khu vực bán quá mức?

Về hướng lên, London cần vượt khỏi 1.365 (MA 5 ngày) để lôi kéo các nhà đầu tư mua thêm. Nhưng sức bật chỉ thật sự thấy rõ khi qua mức 1.420 (MA 20/50 là 1.418/1.419).

Nhìn chung, xét về kỹ thuật, London còn tiêu cực (dù New York yếu, London vẫn yếu hơn do giá cách biệt). Nó cần một chất xúc tác nào từ bên ngoài như thời tiết hay tiền tệ như Fed hạ lãi suất, đồng Usd giảm mạnh và Brl tăng mạnh mới có thể trở thành đòn bẫy giúp London phục hồi.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Không nghe theo giá kỳ hạn

Tồn kho cà phê khả dụng tại các vùng tiêu thụ lớn thế giới được ghi nhận ở mức cao. Theo các báo cáo có được, khối lượng tồn kho này tại Bắc Mỹ, Nhật Bản và EU đạt chừng 706.223 tấn. Riêng tại EU, chừng ấy lượng tồn kho đã đủ an toàn cho sử dụng trong vòng 13-14 tuần.

Lượng cà phê đạt chuẩn (certified) của hai sàn cũng ở mức cao với robusta London 120.290 tấn và arabica New York 141.944 tấn.

Một cuộc thăm dò của Reuters với 9 nhà kinh doanh và phân tích thị trường cà phê thế giới cho rằng giá arabica đến cuối năm nay có thể tăng lên 115 cts/lb (so với giá đóng cửa của ngày thực hiện thăm dò là 100.65 cts/lb). Do Brazil vào chu kỳ mất mùa, niên vụ mới 2019/20, thế giới có thể thiếu hụt chừng 2,5 triệu tấn.

Đó chỉ là dự đoán cho thị trường cuối năm, tình hình cung-cầu cà phê giai đoạn hiện nay không có gì khuyến khích giá tăng. Thị trường đang chờ Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) hạ lãi suất để thay đổi thái độ mua bán trên sàn cà phê. Tuần trước, giá cà phê trong nước khó rớt dưới 33 triệu đồng mỗi tấn dù giá kỳ hạn mất 100 Usd. Còn nếu như sàn có điều kiện tăng giá, cà phê nội địa không ngần ngại tăng nhanh lên 34,5 triệu đồng mỗi tấn.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 261