Nhận định giá cà phê thế giới từ 29/04-04/05/2019: Giá cà phê robusta còn đà tăng?

Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 22-26/04/19: Hết áp lực, giá kỳ hạn phục hồi vào phút chót.

Hình 1

Hai thị trường kỳ hạn cà phê robusta và arabica đến ngày 26/04 có kết quả tăng nhẹ so với tuần chấm dứt ngày 19/04/19 sau khi áp lực bán của ngày thông báo giao hàng đầu tiên tháng 05/19 giảm nhanh ở tận những giây phút cuối của ngày giao dịch.

Phiên cuối tuần tính trên cơ sở giao dịch tháng 07/19, giá arabica chốt tại 94.10 cts/lb, cả tuần tăng 1.20 cts/lb tương đương với 26 Usd/tấn; sàn robusta, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu, đạt 1.410 và cả tuần tăng 11 Usd/tấn.

Đối với sàn London, trong kỳ có lúc chạm mức sâu nhất 1.369, được xem như hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản giá tháng 05/19 với đáy trước đây là 1.366 Usd/tấn. Phiên giao dịch ngày thứ Sáu 26/04, giá tăng 20 Usd đã đưa sàn robusta lên khỏi vạch tâm lý quan trọng 1.400 (xem hình 1).

Dù giá ở vùng thấp, biên độ dao động trên sàn khá lớn, giữa đỉnh và đáy cách nhau 51 Usd (1.420-1.369).

Chính vì vậy, giá cà phê robusta tại các vùng nguyên liệu cũng tăng/giảm khá mạnh. Thị trường cà phê trong nước, tuỳ theo từng nơi, giá cà phê dao động trong khu vực từ 30,5-31,7 triệu đồng mỗi tấn. Mua bán khá rời rạc, thị trường chỉ ghi nhận một số hợp đồng rất nhỏ được thực hiện khi giá quanh 31,5 triệu đồng do các nhà đầu tư hàng thực trong nước lo ngại giá xuống sâu hơn.

Dự báo tuần từ 29/04-03/05/2019: Sàn robusta có dấu hiệu tích cực

Hình 2 – Đồ thị diễn biến giá cà phê robusta (nguồn: Barchart.com)

Áp lực bán liên tục xảy ra cho đến ngày 25/04 tức ngày thông báo giao hàng đầu tiên khi 05/19 bắt đầu trở thành tháng giao ngay (spot month) . Vào ngày ấy, giá tháng 07/19 đã quay xuống tiếp nhận đáy 1.366 của tháng 05/19 nhưng dừng ở 1.369.

Cũng trong những ngày chịu áp lực bán, RSI có lúc xuống dưới 30% vào vùng bán quá mức (oversold). Nhưng đến hết phiên cuối tuần, RSI 9 và 14 ngày đã quay ngược trở lại tại 40,94% và 38,74%, giá phục hồi từ mức thấp ngày 25/04 và tăng ngày 26/04 cho thấy rõ nhờ lực mua bù nên đã kéo London ra khỏi vùng bán quá mức.

Đứng tại 1.410 (đóng cửa ngày 26/04) mà xét, mức này qua khỏi MA 5 ngày ở 1.401 cho thấy đà tăng còn, với kỳ vọng tìm tiếp MA 14 ngày tại 1.421 (xem hình 2), trong khi đó EMA 9 ngày tại 1.412 đã được thoả mãn trong phiên khi chạm đỉnh 1.413.

Mức 1.421 cũng là vùng kháng cự mạnh vì gặp các đỉnh của những ngày giao dịch gần đây nhất. Nếu như vượt khỏi vùng 1.421, khả năng London lại nhích dần tìm vùng 1.440-1.442.

Các mức hỗ trợ quan trọng cho cả tuần mới nằm tại 1.403 và nhất là tại vùng 1.386-1.389. Nếu như mất khu vực này, khả năng London còn xuống thử vùng 1.370 sau đó có thể phục hồi.

Biên độ dao động dự kiến: hẹp 1.421-1390; rộng 1.440-1.370.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá còn sức tăng nhưng không quá mạnh.

Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ được chào quanh mức 32-32,1 triệu đồng mỗi tấn vào đầu tuần này cho địa điểm giao hàng tại các kho quanh TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

Giá cà phê xuất khẩu cùng lại đang được chào mua -40 Usd/tấn FOB dưới giá tháng 07/19 London trong khi người bán đòi bằng giá niêm yết của sàn kỳ hạn này.

Trong tuần, nếu giá kỳ hạn quay về 1.390, giá cà phê nội địa có thể xuống mức 31 triệu đồng mỗi tấn. Nếu còn giữ được hướng lên, giá cà phê xuất khẩu có thể chạm 32 đến 32,5 triệu đồng mỗi tấn địa điểm giao hàng về các kho cảng.

Do sức tăng trên sàn robusta vẫn còn đà, giá thị trường nội địa trong tuần khả năng thiên về hướng tăng nhiều hơn.

Xu hướng chung trong tuần: trung tính đến tích cực.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 135