Nhận định giá cà phê thế giới từ 27/04-02/05/2020: Giảm áp lực bán, yếu tố kỹ thuật còn lắm vấn đề

Diễn biến thị trường cà phê tuần từ 20-25/04/2020: Giá hai sàn cà phê mất giá đậm.

Hình 1

Bối cảnh thị trường

Thị trường tài chính toàn cầu “ngập lụt” với các con số lớn từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, nhưng nhất là trong tuần qua.

Số người nhiễm bệnh và tử vong ngày càng tăng, lượng người thất nghiệp lúc càng lớn, doanh nghiệp bên bờ phá sản ngày càng nhiều, số dự báo phát triển kinh tế lúc mỗi xấu, lượng tiền các ngân hàng trung ương và chính phủ cung ứng nhiều như nước, nợ công chồng chất…Đó chính là bức tranh chung của thị trường tài chính khởi sự từ đại dịch, trong đó có cà phê, trước và trong khi các nước giảm chế độ “giãn cách xã hội” và cuối cùng nhiều nước phải chấp nhận sống chung (có kiểm soát) với dịch.

Tại Mỹ, tính đến nay có gần 26,5 triệu lượt người thất nghiệp. Do khủng hoảng dịch bệnh, các nước giàu đã bơm thêm chừng 6.000 tỷ Usd, như vậy nợ công của họ đến nay lên 66.000 tỷ Usd, ngang với 122% GDP của các nước ấy (nguồn IMF). Giá hợp đồng dầu thô WTI giảm 306% rồi lại tăng trên 20% ngay sau đó. Các quỹ đầu tư tài chính, quỹ bảo vệ, chỉ trong quý 1-2020, đã rút 33 tỷ Usd khỏi thị trường, là lượng tiền rút lớn nhất tính từ khủng hoảng 2008…

Những con số ấy phản ánh tâm lý lo ngại của giới đầu tư, trong đó có người tham gia các sàn hàng hóa thương phẩm, từ năng lượng đến kim loại và nông sản chưa thể nào ổn định. Ngay cả giá kim loại vàng cũng rất thất thường.

Điểm sáng cho giá cả hiện nay đang nằm đằng trước. Một khi tâm lý giới đầu tư ổn định, bấy giờ mới an lòng sử dụng khối lượng tiền nhiều để quyết định gởi gắm vào đâu.

Đồng Reais Brazil (Brl) tuần qua lại lập thêm mức thấp kỷ lục mới với 1 Usd ăn 5,748 Brl (24/04). Brl mất giá là phản ứng của thị trường đối với gói kích cầu của chính phủ Brazil nhằm hạn chế sức tàn phá của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, nhưng thâm hụt ngân sách chính là nỗ lo xa hơn. Giá trị đồng Brl đóng vai trò rất lớn trong hoạt động giá cả của hai sàn cà phê (1).

Điểm tình hình cung cầu cà phê trong tuần

Dịch bệnh Covid-19 vẫn ảnh hưởng lớn đến mua bán cà phê trong tuần, một bên là xuất khẩu có hàng sẵn nhưng bán hạn chế, một bên là muốn mua hàng nhưng do “giãn cách xã hội” nên chỉ mua hàng tại chỗ (tồn kho có sẵn tại các vùng tiêu thụ).

Điều này được Comexim, một công ty xuất khẩu cà phê lớn của Brazil nhận định rằng do đại dịch Covid-19, sức tiêu thụ cà phê thế giới khó có đường tăng. Cho nên, cà phê niên vụ 2020-2021 ước thặng dư chừng 8 triệu bao.

Trong khi đó, Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) nói rằng tại 20 nước tiêu thụ cà phê hàng đầu (chiếm chừng 71% tổng khối lượng tính bình quân từ 1990-2018), thiệt hại kinh tế do Covid-19 làm giảm chừng 1% GDP. Nên ICO ước tiêu thụ cà phê năm này giảm chừng 0,95% tương đương với 1,6 triệu bao. Trước đại dịch, ICO dự đoán tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng trong khoảng 2%-3%.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn arabica giảm xuống mức thấp nhất tính từ hơn 2 năm rưỡi nay. Tính đến 24/04, lượng này chỉ còn 1,848 triệu bao. Còn tồn kho robusta sau một tuần đến 20/04 giảm 2.640 tấn còn 138.490 tấn.

Các hãng tàu biển xác nhận đơn đặt chỗ trên tàu gần bằng 0, các tàu biển vận chuyển containers chạy gần như không tải! “Một số tàu containers chỉ chạy với 20% trọng tải và rất nhiều chuyến phải hủy (2).” Điều này cho thấy đây là tình trạng chung cho các mặt hàng xuất khẩu, không riêng gì cà phê.

Giá cả (xem hình 1)

Giá hai sàn cà phê phái sinh có một tuần giảm điểm mạnh. Sàn London có lúc về mức sâu nhất tính từ 06/2006 và New York mất gần 240 Usd/tấn.

Hiện tượng giá giảm đã được cảnh báo (3) vì tuần trước cả 2 sàn đều gặp ngày thông báo giao hàng đầu tiên cho kỳ hạn tháng 05/2020. Đến trước ngày ấy, những hợp đồng mua đều phải tất toán dù có thua lỗ.

Biến động xấu trên thị trường dầu thô khi hợp đồng dầu WTI (Mỹ) tháng 05/2020 đã giao dịch với giá âm, chưa từng thấy trong lịch sử giao dịch các sàn phái sinh hàng hóa. Giá dầu thô, dù các phiên tiếp theo phục hồi sau cú chấn động giá âm, nó tạo nên một nền giá hàng hóa ở mức thấp, trừ vàng được chọn làm nơi trú ẩn an toàn.

Nhìn chung, giá hai sàn cà phê có một tuần dao động với biên độ rất mạnh để đóng cửa London giảm 44 Usd/tấn và New York mất 10,80 cts/lb.

Giá cà phê trong nước có lúc mất mốc 29 triệu đồng/tấn còn 28,8 triệu đồng để cuối tuần còn 29,2 triệu đồng/tấn. Như vậy, giảm 0,8 triệu so với đỉnh nhưng khi xuống dưới 29 triệu, giá nội địa từ chối rớt sâu theo sàn phái sinh robusta.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 27/04-01/05/2020: Hết áp lực bán tháng 05/2020, yếu tố kỹ thuật còn nhiều vấn đề.

Hình 2  (Nguồn: Phan Trọng Anh)

Đóng cửa phiên cuối tuần trước, sàn phái sinh robusta giảm do áp lực bán các hợp đồng còn sót trước ngày thông báo giao hàng tháng 05/2020. Đến nay, sức bán đã giảm nhiều.

Tuy nhiên, tuần qua có lúc giá London chạm mức sâu nhất tính từ 06/2006. Phải xem đó là một cảnh báo cho biết rằng giá cà phê còn tiêu cực.

Đứng tại vị trí đóng cửa ngày 24/04/2020 với biên độ cao/thấp nhất trong tuần là 1.205/1.109, có thể nói rằng:

-Tháng 07/2020 đã nhận tốt “truyền thừa” từ giá tháng 05/2020;

-Tuần qua, chưa bao giờ đoái hoài mức 1.205, tức thiếu lực mua để tăng.

-Mất 1.191 nhanh chóng, rồi trượt khỏi 1.118 để chạm 1.109, dấu hiệu rất tiêu cực (4) .

Đối với tuần này tính đến 01/05/2020, nhìn vào đồ thị do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cung cấp, có thể nhận định như sau:

Theo cách nhìn Fibonacci, nếu từ đỉnh là 1.515 (0%) kéo xuống đáy để tính, mức này nằm tại 1.019 (200%).

Sau khi chạm 1.109, London quay lên tranh chấp tại vùng tỷ lệ vàng 161,8% (1.115) để nằm tại 1.144. Từ đây, khu vực 1.118/1.115 là cực kỳ quan trọng. Nếu lúc nào đó London đóng cửa mất vùng này, xu hướng giá trở nên xấu. Hướng xuống tiếp là 1.078 rồi 1.048 (xem hình 2).

Nhưng một khi vượt khỏi tỷ lệ 138,2% theo chiều từ dưới lên tại 1.173, giá London mới có hướng tăng tiếp. Đà tăng chỉ được cho là vững khi nằm trên 1.191.

Theo cách nhìn Elliot, nếu điểm dừng sóng 3 nằm tại 1.123 để tạo sóng 4 ở đỉnh 1.303 (25/03), thì từ đỉnh này London đang gây sóng xuống số 5. Mức đáy hiện tại (1.109) chưa biết có phải là điểm cuối của sóng 5 hay chưa. Nhưng nếu sóng này được mở rộng, thì độ sâu thấy được nằm tại 1.048.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Dự kiến dao động không mạnh, chỉ lo tác động xấu đến từ bên ngoài.  

Tác động từ sàn dầu thô Mỹ, đồng Brl phá giá, chỉ số đồng Usd (DX) treo mức cao, tâm lý bất an của giới đầu tư tài chính đã kéo giá cà phê trong và ngoài nước xuống tuần trước. Nhưng giá cà phê nội địa chỉ chóng mất mốc 29 triệu đồng/tấn rồi quay lên.

Tuần qua, mức 29,5 triệu đồng/tấn bị phá mất là hợp lý bởi nền giá các sàn hàng hóa thương phẩm nói chung đều giảm (trừ kim loại vàng như đã nói).

Với lực chống đỡ khá mạnh trên thị trường nội địa, dù tuần này 2 sàn kỳ hạn có lao đao, giá cà phê robusta trong nước có thể xoay quanh mức 29 triệu đồng/tấn +/-0,5 triệu đồng.

Sự sụp đổ giá dầu WTI tuần trước là một lời cảnh báo hữu ích cho các nhà kinh doanh cà phê và các loại hàng hóa thương phẩm khác. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh và khai thác dầu thô đang tham gia vào các sàn phái sinh đang gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ phá sản. Hãy lưu ý khi có doanh nghiệp nào đó trên sàn dầu thô “sập tiệm”, sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới các sàn khác là rất lớn và rất xấu do tương tác dòng vốn trên các sàn phái sinh rất mạnh. Nếu như hiện tượng này xảy ra, các sàn cà phê có thể chao đảo lớn nhưng nên xem chuyện ấy nằm ngoài sự quản lý của bản thân giá trị hạt cà phê.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. “Thị trường cà phê: Nhìn lại 2019 và dự báo năm 2020”, Nguyễn Quang Bình, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21846.
  2. “No demand, World’ s container ships run near empty” tại https://gulfnews.com/business/no-demand-worlds-container-ships-run-near-empty-1.71130001
  3. “Nhận định giá cà phê thế giới từ 20-25/04/2020: Tồn kho tại vùng tiêu thụ giảm, liệu giá có tăng?”, Nguyễn Quang Bình, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22002
  4. idem
Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 35