Nhận định giá cà phê thế giới từ 21-26/02/2022: Dù giá trên sàn ra sao, thị trường cà phê trong nước vẫn ổn định

Tác giả NQB. Ảnh Lê Hoàng Nhi

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê: Hai sàn đều giảm

Chỉ số chứng khoán Mỹ lại mất giá: Dow Jones giảm 1,9%, S&P500 mất 1,6% và Nasdaq rớt 1,8%. Đấy là tuần thứ hai liên tiếp giá cổ phiếu Mỹ giảm. Người ta cho rằng phản ứng ấy xuất phát từ tâm lý bất an của giới đầu tư đối với căng thẳng địa chính trị Nga-Ucraine, nhưng nhìn cho kỹ đấy là cuộc tháo chạy trước các quyết định chính thức về tăng lãi suất điều hành tại các nước giàu có.

Đến nay, Ngân hàng trung ương EU (ECB) vẫn còn giữ lập trường sẽ không nâng lãi suất điều hành trong năm nay. Tuy vậy, nhiều nhà hoạch định chính sách đặt ra nhiều nghi vấn và nghi ngờ. Một thành viên trong hội đồng quản trị ECB có ảnh hưởng lớn là bà Isabel Schnabel người Đức đã lên tiếng cảnh báo chuyện ảnh hưởng của lạm phát lên giá nhà đất có thể gây nguy hiểm cho toàn EU.

Còn tại Anh Quốc, chỉ số bán lẻ tăng mạnh trong tháng 01/22. Không chừng trong hội nghị ban điều hành vào tháng Ba tới đây buộc ngân hàng trung ương nước này phải tăng lãi suất điều hành lần thứ ba.

Không nên vội cho chuyện này là xa vời: việc theo dõi biến động của đồng Usd chính là cách để tránh các rủi ro về chính sách tiền tệ lên trên giá cả và thị trường đối với người kinh doanh hàng hóa thương phẩm nói chung và cà phê nói riêng.

Nhiều ngân hàng quốc tế có tên tuổi đều dự đoán rằng ngay trong năm nay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng tổng cộng từ 1,5% đến 1,75% so với mức phổ biến hiện tại là 0%-0,25% với 5 đến 7 lần tăng. Độ dày lịch tăng lãi suất đồng Usd chắc chắc sẽ ảnh hưởng lớn đến diễn biến của giá hàng hóa và cà phê trên cả hai hướng tăng và giảm.

Dù chỉ số rổ hàng hóa CRB gồm 19 loại thương phẩm từ đầu năm 2022 đến nay tăng thêm 33,35 điểm hay 13,50% nhưng giá bán lẻ xăng dầu, phân bón và vận tải tăng mạnh ảnh hưởng rất lớn đến giá thành và lợi nhuận của nhà nông.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê đạt chuẩn tiếp tục giảm

Tồn kho đạt chuẩn arabica còn 60.997 tấn so với 62.125 tấn, robusta xuống 88.630 tấn so với 90.250 tấn so với các con số trong bài nhận định tuần trước. Tồn kho đạt chuẩn trên 2 sàn tiếp tục giảm sâu. Dù giá 2 sàn giảm nhưng yếu tố này phần nào giúp 2 sàn không mất điểm nhiều.

Tồn kho cà phê khả dụng Bắc Mỹ

Tổng lượng tồn kho tại vùng Bắc Mỹ, nơi mỗi tuần tiêu thụ trên 0,5 triệu bao, đến hết tháng 01/22 còn 5,8 triệu bao, giảm 3,1% so với tháng 12/21 nhưng chỉ giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) và Uganda

Uganda đã quyết định rời khỏi ICO. Cục trưởng Cục Cà phê Uganda cho rằng bao lâu ICO chưa chịu cải tổ vì một ngành cà phê bền vững thì họ không thể ở lại, nhất là giá cả thị trường bấp bênh và cách xử lý biến đổi khí hậu của tổ chức này.

Cà phê tăng giá tại Trung Quốc

Các chuỗi quán cà phê tại Trung Quốc (TQ) như Luckin Coffee, Tim Hortons…kể cả Starbucks đều tăng giá bán vì “nhiều yếu tố” tạo nên như chi phí hoạt động. Các chuỗi quán lớn nhất tại TQ đều đồng loạt tăng từ 1 đến 3 nhân dân tệ tương đương với 0,16 và 0,47 Usd.

Dù là nước chủ yếu uống chè (trà), TQ vẫn là nước có thị trường cà phê tăng trưởng nhanh nhất với dự kiến đến tháng Tư lên đến 110.000 tiệm.

Một cốc cà phê Americano Starbucks trước đây có giá 28 NDT thì nay 30 NDT tức 4,8 Usd.

Giá cả

Giá cả thị trường

Giá 2 sàn có một tuần chỉnh củng cố với kết quả cả tuần giảm.

-Giá robusta giảm 15 Usd chốt tại 2.255 với biên độ dao động 2.286/2.231 lập ngay đầu tuần. Sau đó, giá không thoát khỏi biên độ này.

-Sàn arabica giảm 5.20 cts/lb hay 115 Usd/tấn trong biên độ 256.90-242.90.

-Giá cách biệt giữa 2 sàn arabica với robusta từ 155 cts/lb xuống còn 143.71 cts/lb.

-Vị thế kinh doanh của các quỹ đầu tư tài chính quản lý dòng vốn (Money Management) đến ngày khóa sổ 15/02/22 chủ yếu tăng dư mua gồm New York 60.133+3.882 lô và London lên 35.303 tăng 4.082 lô.

-Giá cà phê chất lượng xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ giao về TPHCM và Bình Dương, các trung tâm xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt quanh mức 43 triệu đồng/tấn. Nhờ vậy, giá xuất khẩu FOB được khách mua trả trừ bình quân 350 Usd/tấn tính dưới giá niêm yết sàn London tháng 05/2022.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 21-24/02/2022: Hoàn cảnh chưa cho phép tăng ngay đầu tuần.

Sàn robusta London gặp ngày thông báo giao hàng đầu tiên của tháng 03/22 thứ tư vào ngày 23/02/22. Sau khi sàn New York ra khỏi ngày này (17/02), giá arabica giảm mạnh dù tồn kho đạt chuẩn giảm. Liệu London có rập khuôn New York? Dù sao cũng cần thận trọng vì lượng hợp đồng mua khống của các quỹ đầu tư tài chính trên sàn London tăng mạnh tuần trước với 4.082 lô đạt 35.303 lô.

Sau khi lập đỉnh 2.286, London nhiều lần tìm cách vượt nhưng cố lắm cũng chỉ chạm 2.281 trong tuần qua, rồi đỉnh hạ dần xuống 2.276 và 2.270.

London, nếu muốn lật lại bàn cờ, nhất thiết phải lên “sinh hoạt” trên 2.268 để lấy đà vượt đỉnh tuần trước và nhất là thu hút sức mua tại vùng này để kích khòi 2.288 ở tỷ lệ vàng Fibonacci 161,8%.

Tại mức đóng cửa hiện nay, giá robusta sẽ tiêu cực nhiều hơn nếu như mất 2.235 vì sẽ thử ngay 2.231 để đẩy sâu xuống vùng 2.200. Thoát khỏi mức tâm lý quan trọng này, London dễ tìm về 2.160.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Dù thế nào, giá cà phê nội địa vẫn vững.

Như đã nói, giữa tuần này sàn robusta vào ngày thông báo giao hàng đầu tiên của kỳ hạn tháng 03/22. Cộng với lượng hợp đồng mua khống của các quỹ đầu tư tài chính phình lớn tuần trước, lại New York không hoạt động ngày đầu tuần, hướng tăng của London sẽ khó khăn nếu như không có một thông tin gì về cung cầu đủ mạnh để gây ảnh hưởng tích cực lên sàn.

Tuy vậy, nhờ một lượng hàng được giải phóng và chở sang Châu Âu, sức mua phần nào được thả. Nhờ vậy, giá mua bán ngay trên thị trường đã lên đến 43 triệu đồng/tấn dù giá London tuần trước giảm.

Giá xuất khẩu tính trên chênh lệch giữa giá niêm yết với giá FOB đang quanh mức 350 Usd/tấn dưới giá tháng 05/22. Có lẽ các mức này sẽ lưu lại khá bền trên thị trường nội địa và xuất khẩu dù cho sau này có tin tồn kho đạt chuẩn tăng trở lại trên sàn vì giá đầu vào sản xuất hiện nay cao từ xăng dầu đến phân bón và các chi phí khác.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 163