22/02/2022 Bàn chơi mới trên thị trường cà phê

Thị trường cà phê trong nước sôi động trở lại sau đợt nghỉ Tết Nhâm Dần. Ngày giáp Tết, giá cà phê loại xuất khẩu chất lượng trung bình vẫn còn quanh mức 39 triệu đồng/tấn thì đến 12-2-2022 đã nâng lên mức 43 triệu đồng/tấn.

Dù số liệu xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 01-2022 tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021 đạt 175.000 tấn nhưng không vì thế mà ngáng đường giá tăng trên sàn phái sinh.

Nếu như cả năm ngoái, giá cà phê sàn robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng làm tham chiếu, tăng 60% (*) thì chỉ trong tháng 01/2022, hiệu suất đầu tư đã trút lại 6%. Nhờ đợt phục hồi giá ngoạn mục từ Tết đến nay, sàn cà phê này lấy lại hầu hết những gì đã mất và chỉ còn giảm 40 đô la/tấn hay giảm 1.73% (2.230-2.270).

Tăng đó rồi giảm đó, thị trường cà phê cũng như nhiều sàn kinh doanh tài chính khác, đang vào giai đoạn phức tạp và đầy rủi ro. Đằng sau dó là gì?

Tại sao giá tăng sau Tết?

Trước tiên, đó là nhờ tin tới tấp về lượng tồn kho cà phê đạt chuẩn (certified coffee) trên cả hai sàn phái sinh giảm nhanh và mạnh. Nhờ chương trình tiêm chủng đại trà, nhiều nước đã vượt qua những lo lắng ban đầu đối với biến thể Omicron và cho phép hàng quán hoạt động trở lại. Nhu cầu cà phê nguyên liệu tăng trông thấy.

Tính đến ngày 10-02, tồn kho cà phê arabica thuộc sàn New York rút xuống mức thấp nhất tính từ 22 năm trở lại, chỉ còn 62.125 tấn trong khi lượng tồn kho thuộc sàn robusta cũng rớt xuống mức sâu nhất tính từ 39 tuần để còn 90.250 tấn. Rất hiếm khi lượng cà phê tồn kho này biến mất nhanh như vậy, có ngày lên đến một vài ngàn tấn. Cũng cần hiểu rằng tồn kho đạt chuẩn là cà phê phù hợp theo chất lượng do sàn qui định mới được quyền đấu giá lên sàn. Nên đấy là tồn kho để các nhà kinh doanh chủ yếu làm giá trên sàn. Hiện tượng cà phê đạt chuẩn giảm mạnh từ đầu tháng 02-2022 đến nay đã kéo giá hai sàn tăng mạnh trở lại cũng từ thời điểm đó. Tồn kho đạt chuẩn giảm, giá tăng cao, vậy thì âu là chuyện bình thường.

Một cách nhìn khác

Quay lại diễn biến giá trên các sàn cà phê phái sinh. Sau khi cả hai sàn chạm đỉnh trong tháng cuối cùng của năm 2021: sàn arabica New York lên 252.35 cts/lb hay 5.563 đô la Mỹ/tấn và robusta London đạt 2.384 đô la/tấn, thì đều rủ nhau quay đầu để arabica về khu vực 220 cts/lb và robusta chạm 2.160 đô la/tấn trong tháng đầu năm 2022. Nhưng giá chỉ thực sự bật dậy từ 1-02-2022, ngay ngày Tết Nguyên đán đến nay, trong đó sàn New York đã vượt khỏi đỉnh cũ để chạm 260.45 cts/lb còn London lên được 2.286 đô la/tấn để đóng cửa ngày 11-02 tại 2.270 đô la/tấn.

Tin một số thương nhân đang đưa hàng chục tấn hàng từ Việt Nam và Indonesia bằng tàu rời (break bulk) sang Châu Âu, trong đó người ta đoán một phần không ít sẽ được đưa vào kho thuộc sàn robusta London để được kiểm tra theo chất lượng qui định của sàn nhằm thay lượng tồn kho đạt chuẩn hiện có vốn đã nằm trong kho từ ba bốn năm nay (**). Thực ra, từ 2018 đến thời điểm 12-02-2022, cà phê của hai nước xuất khẩu này hoàn toàn vắng mặt trong các kho của sàn robusta. Lý do có thể là giá xuất khẩu từ hai nước này cao hơn giá niêm yết, mặt khác suốt hơn hai năm liền chìm trong đại dịch Covid-19 và khủng hoảng logistics, giá cước vận tải cao, nên đưa hàng qua sàn được ích gì!

Không thể chở bằng tàu container do cước cao quá mức chịu đựng, và thế là cuộc chơi mới bắt đầu từ đây. Giá cước tàu rời chỉ bằng nửa chi phí vận tải bằng tàu container. Giá mua cà phê loại 2 xuất khẩu có lúc trừ 400-500 đô la/tấn FOB, nếu chở qua kho được sàn London chỉ định bằng container thì không đủ chi phí, nhưng nếu cước bằng một nửa giá mua ấy, thì thừa sức chơi!

Giá cà phê loại 2 giao tại kho được chỉ định ở Châu Âu do sàn qui định là trừ 30 đô la/tấn so với giá niêm yết của sàn.

Vả lại, trong tình hình tín dụng thắt chặt, có lẽ sẽ không có khách mua nào thoải mái bằng các sàn phái sinh vì chỉ chừng 15-20 ngày sau khi một lô hàng đấu giá thành công, tiền bán hàng sẽ tự động vào tài khoản!

Nhìn theo cách này, có thể đặt nghi vấn rằng những đợt kéo hàng tồn kho đạt chuẩn nhanh khỏi kho là do nhu cầu tiêu thụ quá cấp bách hay chỉ là một biện pháp đảo hàng thay cà phê cũ bằng mới, qua đó các nhà kinh doanh chuyển sang chọn một nơi bán hàng có khả năng thanh toán, thanh khoản tốt nhất trong giai đoạn hiện nay.

Những cuộc tập dượt tháo chạy

“Cùng tắc biến, biến tắc thông”! Cứ tưởng khủng hoảng logistics bít lối cà phê đi, thì nay thị trường cà phê đã có đường thông, có cách chơi khác. Tuy nhiên, trước mắt, các nhà kinh doanh nông sản thương phẩm trong đó có cà phê vẫn còn phải đối mặt với không ít sóng gió.

Lạm phát tại các nước tiêu thụ tăng chóng mặt. Riêng tại Mỹ, nước nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới, tỷ lệ lạm phát lên 7,5% tính đến tháng 02-2022. Ngân hàng trung ương nhiều nước phải áp dụng biện pháp thắt chặt tín dụng, tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát như tại Mỹ cao nhất tính từ 40 năm nay.

Trong quá khứ, cứ mỗi lần Mỹ tăng lãi suất đồng đô la, các nhà kinh doanh phải chạy thục mạng, bán tháo hàng hóa và các hợp đồng mua khống do chi phí tài chính tăng. Người trên thị trường tài chính tin rằng không bao lâu nữa, Mỹ sẽ tăng lãi suất điều hành, không chỉ một lần mà ba hay bốn lần hay nhiều hơn nữa trong năm nay.

Thật vậy, ngay sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào giữa tháng 01-2022, giá hai sàn phái sinh cà phê đã đâm nhào xuống, riêng London mất 224 đô la/tấn vì lo lãi suất tăng.

Liệu kéo tồn kho đạt chuẩn, đẩy giá các sàn ấy lên cao, nằm trong chương trình “tập dượt” cho những lần giá tăng/giảm mạnh chủ yếu để tháo chạy các hợp đồng mua cao…để tìm một hướng đi phù hợp với thời kỳ bình thường mới sau đại dịch?

Định hướng về chính sách tiền tệ của Fed – có ảnh hưởng rất đậm lên giá nông sản thương phẩm do sử dụng đồng đô la Mỹ để giao dịch – đã khá rõ: hết tháng 03-2022 rút chương trình kích cầu gồm 120 tỷ đô la/tháng và bắt đầu tăng lãi suất điều hành. Cứ mỗi dịp tăng lãi suất, đồn đoán được tung ra nhiều bao nhiêu, giá phái sinh co giật càng hung bấy nhiêu.

Chính vì thế, giá cà phê trên các sàn kinh doanh thương phẩm sắp tới sẽ có những lúc dao động dữ dội.

Có người khuyên cứ bắt đáy mà mua, chọn đỉnh mà bán. Đúng thế thật! Nhưng ai chỉ ra được đáy ở đâu và đỉnh ở đâu? Chắc cũng chỉ biết trả lời là nằm trong cái bất thường của bình thường mới. Bất thường là bất chợt, bất nhất, khó lường. Vậy, ý định ghim hàng lâu chờ giá tăng…thì xem ra đó là một cơ cơ hội làm giàu trong kinh doanh cà phê nhưng đầy rủi ro.

=

(*) “Năm Nhâm Dần, giá cà phê ra sao?”, thesaigontimes online

(**)”Traders ship Asian coffee to ICE exchange as shipping logjam eases”, Reuters

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên TC KTSG số Tân niên 7-2022

Hits: 372